15/03/2015 07:58 GMT+7

​Bão lớn càn quét Vanuatu: Sức tàn phá “không thể tin nổi”

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Mạng lưới truyền thông trên quần đảo Vanuatu ở nam Thái Bình Dương bị bão Pam đánh sập và các nhân viên cứu hộ cho biết sẽ mất thời gian để nhìn rõ thiệt hại do bão gây ra.

Vị trí và dự báo đường đi của các cơn bão khu vực xung quanh nước Úc. Từ trái qua: bão Olwyn, bão Nathan và bão Pam

CNN dẫn lời Hội Chữ thập đỏ Úc cho biết “nhu cầu hỗ trợ nhân đạo là rất lớn. Nhiều người mất nhà cửa. Nơi trú ẩn, thực phẩm, nước uống là ưu tiên khẩn cấp hiện nay”. Giám đốc Oxfam tại Vanuatu, ông Colin Collett Van Rooyen dự đoán “số (thương vong) sẽ rất lớn tại các hòn đảo hẻo lánh” bởi người dân không có nơi trú bão vững chắc.

Nhiều báo cáo cho biết ít nhất 40 người đã thiệt mạng. Tuy nhiên Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Vanuatu chỉ mới xác nhận tám trường hợp thiệt mạng và 20 người bị thương theo các báo cáo từ bệnh viện, trạm xá.

Nằm trơ trọi ở nam Thái Bình Dương, Cộng hòa Vanuatu có dân số khoảng 267.000 người sống trên 65 hòn đảo, trong đó 47.000 người sống ở thủ đô Port Vila.

Các nhà khí tượng cho biết bão Pam đã suy yếu từ cấp 5 xuống cấp 4 sau khi đổ bộ vào bờ nhưng vẫn đủ sức xé nát hòn đảo. Trước đó, bão Pam bất ngờ đổi hướng vào phút cuối và tấn công thẳng vào thủ đô Port Vila của Vanuatu. 

Đến sáng 14-3 giờ địa phương, bão Pam giật những cơn gió lên đến 300 km/giờ, theo Trung tâm cảnh báo bão ở Hawaii, và trút hơn 22mm nước mưa xuống Port Vila. Đây một trong những cơn bão lớn nhất ở nam Thái Bình Dương trong những năm gần đây và là cơn bão lớn nhất kể từ khi bão Haiyan càn quét Philippines năm 2013. Cơn bão dự kiến đi qua miền đông New Zealand ngày 15-3.

“Tôi cứ tưởng như tận thế - người phát ngôn Alice Clements của UNICEF ở Port Vila mô tả - Như một quả bom phát nổ ngay giữa thành phố. Không có điện cũng không có nước”.

Chloe Morrison, giám đốc truyền thông khẩn cấp tổ chức nhân đạo World Vision ở Vanuatu, cho biết tại thủ đô Port Vila các con đường bị biến dạng với những căn nhà bị tốc mái, cây bị bật gốc và mạng lưới điện bị đánh sập. Trên đường phố không một bóng người.

Một số báo cáo cho biết sự tàn phá còn khủng khiếp hơn tại các khu vực ngoại ô và người ta lo sợ sẽ còn điều tồi tệ hơn. “Có rất nhiều người sống trên các hòn đảo mong manh ngoài kia. Tôi không thể tưởng tượng nổi tình hình tại những cộng đồng đó” - AP dẫn lời bà Morrison. Bà cho biết các đồng nghiệp của bà nói một số ngôi làng đã bị thổi bay trong đêm.

Các tổ chức cứu hộ khuyến cáo người dân trú bão trong các tòa nhà lớn, trường học. “Thứ chắc chắn nhất mà họ có là các nhà thờ xây bằng ximăng - CNN dẫn lời Inga Mepham thuộc Tổ chức CARE - Nhưng nhiều nơi không có nhà thờ. Thật khó tìm được nơi nào có thể chống chịu nổi cơn bão cấp 5”.

AFP cho biết trên một số hòn đảo ở phía nam, người dân phải rút vào các hang để tránh bão. Điều đáng lo ngại là việc tiếp cận các hòn đảo ở xa có thể mất hàng tuần khiến người dân đối mặt với nguy cơ dịch bệnh và thiếu thực phẩm, nước uống.

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho biết Úc đang chuẩn bị gửi đội phản ứng khủng hoảng sang Vanuatu. New Zealand hứa giúp 1 triệu USD và gửi một máy bay đến đánh giá tình hình. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cũng gửi lời chia sẻ đến người dân Vanuatu.

“Tôi hi vọng thiệt hại nhân mạng sẽ thấp” - ông Ban nói và cho biết Liên Hiệp Quốc đã sẵn sàng gửi các nhóm phản ứng nhanh. Tuy nhiên hạ tầng, sân bay bị tàn phá và bão vẫn chưa tan sẽ khiến các nhóm cứu hộ khó tiếp cận Vanuatu nhanh chóng.

4 cơn bão cùng lúc

Dù hiếm xảy ra nhưng bốn cơn bão cùng xuất hiện trên Thái Bình Dương. Ngoài cơn bão lớn nhất là bão Pam, cơn bão Olwyn vừa đổ bộ vào phía tây nước Úc gây mưa lớn trong khi một cơn bão khác là Nathan lượn lờ phía bắc thành phố Cairns của nước này.

Bão Nathan dự kiến quét qua Vanuatu vào tuần tới. Cơn bão thứ tư Bavi đang ở phía đông đảo Guam.

 

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên