Phóng to |
Một đối tượng trong nhóm bảo kê chặn xe thu tiền của người chạy xe vào khu vực bến xe “dù” - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Nguy hiểm hơn, thời gian gần đây, nhiều đối tượng xã hội đen trong khu vực bến xe “dù” này đã trắng trợn thu tiền của các tài xế taxi, xe ôm và người dân. Ai thắc mắc, phản ứng lập tức chúng thẳng tay đánh đập, hành hung.
Bảo kê hoành hành
Bến xe “dù” này chủ yếu phục vụ xe khách chạy các tuyến Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ, Lai Châu, Tuyên Quang, Điện Biên... Toàn bộ hoạt động của bến xe do một nhóm thanh niên dáng vẻ hung tợn, chân tay xăm trổ điều hành. Trong nhiều ngày theo dõi, chúng tôi ghi nhận hàng loạt hoạt động bảo kê, côn đồ của nhóm này.
Công an đang lập hồ sơ xử lý nghiêm Trung tá Vũ Bá Xiêm, đội trưởng đội phòng chống tội phạm trên tuyến và địa bàn (đội 5), Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an Hà Nội, cho biết ngay sau khi tiếp nhận thông tin Tuổi Trẻ phản ánh, ông cùng các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát hình sự đã đi trinh sát tại địa bàn. “Ban đầu trinh sát đã nhận diện được một số đối tượng có hành vi thu tiền trái phép của người dân. Hiện chúng tôi đang theo dõi để củng cố bằng chứng, sẽ lập hồ sơ căn cứ vào hành vi vi phạm để xử lý triệt để” - ông Xiêm nói. LÂM HOÀI |
Gần 6g ngày 13-3, khi một xe khách tuyến Sơn La vào bến, nhóm thanh niên tỏa ra thu tiền của khách, xe ôm, sau đó gom lại đưa cho một thanh niên tên Hùng. Hùng đứng từ xa quan sát, trên tay cầm chiếc còi nhựa, hễ xe nào ra vào bến mà chưa nộp tiền, Hùng thổi còi rồi nhảy tới chặn đầu, thu tiền. Khi trời sáng dần, xe ra vào thưa hơn, nhóm thanh niên tản ra các quán trà đá đối diện bãi ngồi quan sát, còn lại Hùng đứng tìm các xe để thu tiền. Hoạt động của nhóm này lặp lại y chang trong khoảng thời gian 16g-18g cùng ngày.
Theo tìm hiểu, mỗi lượt xe máy đi vào địa phận bến “dù” này phải nộp 5.000 đồng, ôtô 20.000 đồng, tài xế xe ôm hoạt động trên đoạn đường trước bến mỗi ngày cũng phải nộp 15.000 đồng. Riêng người dân vào bến để lấy hoặc gửi hàng cho xe khách đang đỗ tại đây phải nộp 20.000 đồng, khách đi taxi dù trong bến hay đoạn tiếp giáp mặt đường đều phải nộp 10.000 đồng... Nhóm bảo kê nói trên sẵn sàng hành hung nếu ai đó phản ứng. Ngày 19-2, anh Đinh Văn Luân (quê Nam Định) lái xe ôm chở khách về Mỹ Đình, khi đi qua khu bến này lập tức bị một đối tượng bảo kê xông ra thu tiền. “Anh ta chỉ tay vào mặt tôi quát: Xuống xe đưa đây 15.000, tao bắt quả tang mày làm xe ôm ở đây” - anh Luân kể. Khi anh Luân chưa kịp thanh minh, tên này đã đấm thẳng vào mặt khiến anh choáng váng. Sau đó chúng còn bắt anh nộp phạt 20.000 đồng vì “phạm luật” rồi mới cho đi.
Chiều 9-3, anh Trần Văn Đức (nhân viên một nhà hàng trên đường Giải Phóng) mang thùng hàng tới gửi cho một xe khách đỗ trong bến, một đối tượng trong nhóm bảo kê ra đòi thu 20.000 đồng. Khi anh Đức mặc cả, tên này đấm mạnh vào mặt anh. Sau khi định thần lại, anh Đức hỏi: “Sao lại đánh người như thế?”, đối tượng này thản nhiên đáp: “Đánh người quen rồi”!
Cơ quan chức năng bó tay?
Theo Xí nghiệp Quản lý bến xe phía tây (chủ quản bến xe Mỹ Đình), khu vực bến “dù” này có diện tích khoảng 12.000m². Khu đất này trước đây vốn là đất ruộng của 13 hộ dân nhưng hiện nay được một số người thuê lại, trên danh nghĩa lập gara sửa xe, bãi rửa xe để kinh doanh bến bãi trái phép.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến - giám đốc bến xe Mỹ Đình - bức xúc cho hay một thời gian dài từ khi bến “dù” này hoạt động, môi trường bến bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước thải từ hoạt động rửa xe, rác thải... từ khu bến “dù” tràn vào cả trong sân bến. Ngoài ra, khu vực hai đường gom thuộc bến xe Mỹ Đình đang quá tải nghiêm trọng do hằng ngày phải phục vụ hàng ngàn lượt xe khách, taxi, xe máy ra vào bến “dù”, khiến hoạt động của bến Mỹ Đình bị ảnh hưởng không nhỏ.
Ông Hoàng Ngọc Đức - đội trưởng đội thanh tra GTVT Từ Liêm (Sở GTVT Hà Nội) - thông tin trong năm 2012, lực lượng liên ngành đã bốn lần huy động lực lượng tuần tra, xử phạt xe vi phạm, các chủ gara, huy động máy xúc cưỡng chế các nhà xưởng, hàng quán vi phạm ở khu vực bến “dù” này. “Riêng lực lượng thanh tra GTVT đã xử phạt rất nhiều trường hợp vi phạm với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng nhưng chỉ một thời gian sau hàng loạt trường hợp lại tiếp tục tái phạm”.
Trung tá Đỗ Đức Khang - đội trưởng đội cảnh sát trật tự (Công an huyện Từ Liêm) - cũng cho biết chỉ trong ba tháng cuối năm 2012, đội đã xử phạt tới 475 trường hợp vi phạm về trật tự, giao thông tại khu vực bến xe “dù” này. Lực lượng công an cũng đã tham mưu cho huyện hai lần ra quyết định cưỡng chế bến “dù” này.
Như vậy chẳng lẽ địa phương và các cơ quan chức năng bó tay? Ông Nguyễn Hoàng Linh - phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội - giải thích thẩm quyền của sở chỉ có thể kiểm tra, xử phạt các hành vi xung quanh bến, còn việc dẹp bến “dù” do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm chính. Trả lời câu hỏi trên, ngày 20-3 ông Nguyễn Kim Vinh - phó chủ tịch UBND huyện Từ Liêm - cho biết: “Hôm qua ban chỉ đạo 197 (ban chỉ đạo giải quyết các vấn đề về an ninh trật tự và an toàn giao thông đô thị) huyện Từ Liêm vừa tiếp tục họp bàn để giải quyết tình trạng lộn xộn tại bến xe “dù” này. Chúng tôi đã dẹp nhiều lần rồi và bây giờ sẽ tiếp tục dẹp đến khi nào dứt điểm”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận