14/06/2017 18:09 GMT+7

​Bảo hiểm bỏ ra 1 đồng, người bệnh bỏ tới 1,5 đồng

LAN ANH - LÊ KIÊN
LAN ANH - LÊ KIÊN

TTO - Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ngày 14-6, chuyện siết chi bảo hiểm y tế và chuyên môn của giám định viên đã được nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc đặt ra.

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn (giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) cho rằng đã có 82% người Việt tham gia Bảo hiểm y tế là kết quả đáng khích lệ.

Bệnh nhân bỏ ra 100 đồng, bảo hiểm chi trả 29 đồng

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng đang có tình trạng không công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế, do tỷ lệ chi trả từ tiền túi người dân còn quá cao.

"Bệnh nhân có bảo hiểm y tế đi chữa bệnh bỏ ra 100 đồng thì bảo hiểm chi trả 29 đồng, bệnh nhân tự trả 43 đồng, 19 đồng do nhà nước trực tiếp chi trả và 9 đồng từ các nguồn khác. Như vậy nếu bảo hiểm y tế trả 1 đồng thì bệnh nhân phải chi trả 1,5 đồng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu người dân chi trả trên 30% phí khám chữa bệnh là không đảm bảo công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế" - ông Tuấn nói.

Vì vậy, theo đại biểu Tuấn, hiện nay có tình trạng người giàu khám tuyến tỉnh, trung ương còn người nghèo khám tuyến xã, phường. Đây là vấn đề bấp cập, mất công bằng.

Nguyên nhân thì đã nói nhiều rồi, như đầu tư chưa đủ, trang thiết bị thì yếu kém, đặc biệt là vấn đề chuyên môn.

Viện Chiến lược chính sách y tế đã nghiên cứu tại bốn tỉnh về một bệnh đơn giản là tăng huyết áp thì thấy rằng chẩn đoán đúng là 54%, kê đơn thuốc có thể gây hại cho bệnh nhân là 32%... 

Như vậy ảnh hưởng rất lớn đến lòng tin của người dân với tuyến cơ sở.

Thu được ít nhưng lại muốn chi nhiều

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) tranh luận với đại diện Bảo hiểm xã hội: "Tôi chia sẻ với tình trạng bội chi của quỹ bảo hiểm y tế. Kiểm soát sự lạm dụng, bội chi bảo hiểm y tế đã có các văn bản quy định rất cụ thể.

Tháng 5-2017 vừa qua, Bảo hiểm Xã hội VN lại giao việc chi, thanh toán bảo hiểm y tế cho các địa phương, tức là giao chỉ tiêu bảo hiểm y tế về địa phương. Tôi cho rằng ban hành văn bản này là không đúng quy định của pháp luật, không đúng thẩm quyền của Bảo hiểm xã hội VN.

Chính Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định là địa phương nào mà số chi vượt số thu thì sử dụng quỹ dự phòng của bảo hiểm để thanh toán, đằng này Bảo hiểm Xã hội lại yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh tự dùng ngân sách để bù vào".

Theo Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, trưởng Ban Quản Lý an toàn thực phẩm TP.HCM, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tập trung nhiều vào khía cạnh tiêu cực là tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ, nhưng vấn đề còn ở cơ chế quản lý lỏng lẻo.

"Mục tiêu của chúng ta là làm sao nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ cho người dân tốt nhất, bởi người dân mới chính là chủ của số tiền mà Bảo hiểm Xã hội đang quản lý thay. Nhưng ở đây chỉ thấy tập trung một khía cạnh tiêu cực là lạm dụng, trục lợi của quỹ BHYT.

Tôi xin nói là chuyện tiêu cực này có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, khi cơ chế quản lý lỏng lẻo, đến nay BHYT cũng không liên thông được số liệu, cho nên nhiều khi làm thủ công, nên phải xem trách nhiệm chứ đừng đổ lỗi cho người dân và ngành y tế" - bà Lan nói.

Đừng chỉ nhăm nhăm siết chi!

Cũng theo bà Lan, khi làm Luật Bảo hiểm xã hội, bà cũng đã có phát biểu chúng ta thu được ít nhưng lại muốn chi nhiều. Muốn không vỡ quỹ thì phải xem lại bài toán quỹ BHYT, chứ không chỉ nhăm nhăm siết chi.

"Anh em ở các bệnh viện cũng rất bức xúc về chuyện siết chi bằng các biện pháp như gọi điện thoại, gửi email"- đại biểu Lan nói.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho biết cử tri là bác sĩ rất bức xúc, họ nói các giám định viên không phải là bác sĩ, không có kiến thức nhưng xuống giám định BHYT cứ thích cắt ai là cắt, cắt cật lực. Bác sĩ bức xúc, bệnh nhân thiệt thòi, chủ cơ sở y tế ấm ức thực hiện, bởi nếu không thực hiện thì bị doạ cắt BHYT.

“Họ đòi hỏi Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội cần ban hành bộ công cụ chuẩn quốc gia để công khai hoá toàn bộ vấn đề này, chấm dứt tình trạng xin cho trong Bảo hiểm y tế" - đại biểu Cầu cho biết.

Trả lời về việc chi trả bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bình luận là ngay trong hội trường cũng có ba loại ý kiến khác nhau, bởi Bảo hiểm thì muốn chi trả ít, bệnh nhân thì muốn điều trị tốt nhất, hưởng lợi cao và bệnh viện thì muốn được chi trả nhiều nhất.

“Trong hệ thống y tế chúng tôi đã họp rất nhiều cuộc, với các giám đốc sở. Trong ngành chúng tôi quán triệt dứt khoát là trục lợi, lạm dụng thì phải xử lý nghiêm theo pháp luật để làm gương.

Thứ hai là thực hiện nghiêm theo chẩn đoán, theo phác đồ điều trị, tránh lạm dụng các xét nghiệm. Trong thực tế thì cũng phải thừa nhận có các hiện tượng trên"- bà Tiến nói.

Về giải pháp thì bà Tiến cho biết sẽ tăng cường thanh kiểm tra, Bộ Y tế đang cùng Bảo hiểm Xã hội nối thông hệ thống thông tin giữa cơ sở khám chữa bệnh với bộ phận giám định của Bảo hiểm Xã hội.

“Về phương thức thanh toán thì hiện nay chúng ta dùng phương thức cũ là theo phí dịch vụ, có nghĩa tiêu bao nhiêu thì trả bấy nhiêu, càng tiêu nhiều thì càng thanh toán nhiều. Chính vì vậy người dân cũng lạm dụng, càng khám nhiều thì càng được trả nhiều, được nhiều thuốc. Cán bộ thì cũng kê toa nhiều để tăng mức chi.

Bộ Y tế đang nghiên cứu các phương pháp thanh toán hiện đại, ví dụ khoán ca mổ ruột thừa 2 triệu thì cứ như vậy mà thanh toán, chứ không có chuyện cứ kéo dài thời gian ra”- bà Tiến chia sẻ.

Mong “tam giác” luôn cân

Theo Bộ trưởng Kim Tiến, người bệnh - bác sĩ - BHYT luôn nằm trong quan hệ tam giác và luôn bị co kéo.

Người bệnh thì luôn muốn được sử dụng dịch vụ tốt nhất với giá cả rẻ nhất.

Bác sĩ thì luôn muốn áp dụng phác đồ điều trị tốt nhất.

Bảo hiểm thì luôn phải đảm bảo quỹ, mức chi nhất định thôi, hạn chế chi quá mức và chống lạm dụng.

Như vậy thì ba đỉnh tam giác ấy luôn bị co kéo. Nếu nó thành tam giác cân thì hài hoà giữa các quyền lợi, thế. Còn nó bị kéo về bên nào hơn thì xảy ra tình trạng hoặc là bị trục lợi, hoặc là bị lạm dụng, hoặc là bị siết chi.

LAN ANH - LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên