02/12/2011 05:15 GMT+7

Bao giờ có thói quen nghĩa hiệp?

MAI VINH
MAI VINH

TT - Câu chuyện thương tâm về bé Duyệt Duyệt ở Trung Quốc bị xe cán nhiều lần trước sự thờ ơ của nhiều người vẫn còn nóng hôi hổi, thì mới đây trên các trang mạng lại xuất hiện chuyện nửa hư nửa thực về nữ tài xế xe buýt bị một nhóm côn đồ sàm sỡ nhưng đa số hành khách trên xe dửng dưng, không cứu cô...

Nhiều ý kiến cho rằng sự lan truyền những câu chuyện trên với tốc độ chóng mặt chính là cách mà cộng đồng mạng muốn cảnh tỉnh những con người đang sống vô cảm.

XgP9t0QY.jpgPhóng to
Nguyễn Văn Bảo kiên trì chữa trị cho chú chim sẻ đến lúc khỏe mạnh, mặc dù lúc mang về chú chim bị thương rất nặng (chân bị gãy và bụng phồng to) - Ảnh: Aquabird

Trước khi chia sẻ câu chuyện về nữ tài xế xe buýt trên trang cá nhân của mình, Ngoc Hung, một thành viên của mạng xã hội Facebook đang sống tại TP.HCM, đã kể về chuyện của chính gia đình mình: “Hôm trước bố mình bị cướp giữa ban ngày trên một con đường lớn. Ông vật lộn với tên cướp, tri hô đến khản họng mà những người xung quanh vẫn thản nhiên đứng nhìn cho đến khi áo bố rách toang, còn tên cướp thì đạt được mục đích và ung dung đi”.

Một người bạn của Ngoc Hung đã bình luận bằng câu hỏi: “Người Việt Nam nghĩa hiệp lắm mà, sao lại có thể như vậy được?”. Phải chăng sự nghĩa hiệp bị che khuất bởi nỗi sợ hãi. Họ sợ mình bị trả thù, sợ trở thành một người tốt cá biệt nên họ chỉ đứng xem, bình luận và... về nhà cho yên thân. Có ai hiểu rằng sẽ có lúc họ rơi vào trường hợp khốn khó đó và sẽ kêu cứu trong vô vọng, vì chính họ trước đó đã đồng tình cho một xã hội “đèn nhà ai nấy rạng”, tạo nên một môi trường tốt cho cái xấu nảy mầm...

“Hằng ngày đi trên đường phố chúng ta thấy người bị nạn thì phớt lờ, xem như đó là chuyện của thiên hạ và tự nhắc mình đừng có bao đồng. Nhiều người xúm lại xung quanh người bị nạn cũng chỉ nhìn để thỏa mãn sự tò mò của cá nhân đang trỗi dậy. Một ngày nào đó sự vô tâm sẽ thành một thói quen...” - tiến sĩ tâm lý Trần Thị Giồng chia sẻ. Tuy nhiên tiến sĩ Giồng lại nhấn mạnh khi con người hành xử nghĩa hiệp liên tục thì sẽ xuất hiện thói quen nghĩa hiệp ở mọi nơi mọi lúc, với bất cứ đối tượng nào...

Mới đây, cộng đồng mạng đã xôn xao với câu chuyện chàng trai Nguyễn Văn Bảo (Q.10, TP.HCM) ra tay cứu chú chim sẻ nhỏ bé bị thương đang thoi thóp, chữa trị và chăm sóc chú chim chu đáo cho đến khi đưa nó trở về với thiên nhiên... Đối với một chú chim sẻ mà có người còn biết đau theo từng vết thương trên cơ thể nó, thì chẳng lẽ cùng là người như nhau mà toan tính thiệt hơn khi ra tay giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn?

Chỉ cần mỗi người mở lòng mình với người khác, đưa một tay cho ai đó cần giúp đỡ thì sẽ góp thêm vào cuộc đời một tia nắng ấm, giúp xua tan lớp băng giá của sự vô cảm đang lăm le bành trướng xã hội.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên