Phóng to |
Giờ học ở lớp khiếm thính trường Hy Vọng, Đắc Lắc |
Trẻ khuyết tật thường được phân thành các nhóm sau: trẻ khiếm thính, trẻ khiếm thị, trẻ khó khăn về học, trẻ khó khăn về vận động, trẻ khó khăn về ngôn ngữ, trẻ đa tật và trẻ có các dạng khuyết tật khác.
Dưới góc độ giáo dục, trẻ khuyết tật được hiểu là trẻ có khiếm khuyết về cấu trúc, suy giảm về chức năng cơ thể dẫn đến gặp khó khăn nhất định trong hoạt động cá nhân, tập thể, xã hội và học tập theo chương trình giáo dục phổ thông (chưa được một nửa chỉ số 50% mà Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001-2010 đề ra cho năm 2005). Như vậy, hiện nay vẫn có hơn 800 nghìn trẻ khuyết tật chưa được đến trường.
Trong số trẻ khuyết tật đã đi học có tới 32,99% số trẻ bỏ học. Trong cả nước còn khoảng 2,57% số trẻ em chưa có cơ hội đến trường vì lý do khuyết tật. Nếu tình trạng này kéo dài thì chỉ 99% số trẻ em trong độ tuổi đến trường vào năm 2010 (Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001-2010) khó có thể đạt được.
Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục trong đó trẻ khuyết tật cùng học với trẻ em bình thường trong trường phổ thông ngay tại nơi trẻ sinh sống. Giáo dục hòa nhập là "hỗ trợ mọi học sinh, trong đó có trẻ khuyết tật, cơ hội bình đẳng tiếp nhận dịch vụ giáo dục với những hỗ trợ cần thiết trong lớp học phù hợp tại trường phổ thông nơi trẻ sinh sống nhằm chuẩn bị trở thành những thành viên đầy đủ của xã hội".
Hòa nhập không có nghĩa là "xếp chỗ" cho trẻ khuyết tật trong trường lớp phổ thông và không phải tất cả mọi trẻ đều đạt trình độ hoàn toàn như nhau trong mục tiêu giáo dục. Giáo dục hòa nhập đòi hỏi sự hỗ trợ cần thiết để mọi học sinh phát triển hết khả năng của mình. Sự hỗ trợ cần thiết đó được thể hiện trong việc điều chỉnh chương trình, các đồ dùng dạy học, dụng cụ hỗ trợ đặc biệt, các kỹ năng giảng dạy đặc thù...
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển giáo dục nói chung, giáo dục trẻ khuyết tật đã đạt được những thành quả quan trọng về nhiều mặt. Hệ thống quản lý giáo dục trẻ khuyết tật được hình thành ở 64 tỉnh, thành phố và bước đầu đi vào hoạt động. Mạng lưới các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên cho giáo dục trẻ khuyết tật được hình thành và đang phát triển. Các chương trình giáo dục trẻ khuyết tật được xây dựng và triển khai thực hiện.
Phương thức giáo dục hòa nhập phù hợp hoàn cảnh nước ta đang ngày càng được áp dụng rộng rãi. Số trẻ khuyết tật đi học ngày càng tăng. Đến nay có hơn 269 nghìn trẻ khuyết tật được đi học trong các trường, lớp hòa nhập và bảy nghìn trẻ trong các trường chuyên biệt. Giáo dục hòa nhập cũng đứng trước những thời cơ lớn.
Tuy nhiên, thực trạng giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế. Cộng đồng chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của xã hội trong việc giáo dục trẻ khuyết tật và về khả năng phát triển của trẻ khuyết tật khi được giáo dục, trong đó có cả cha mẹ, cán bộ giáo dục và giáo viên của các trường.
Cơ sở vật chất cho giáo dục trẻ khuyết tật còn kém về chất lượng và thiếu về số lượng, chủng loại. Các cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật chưa có những trang thiết bị tối thiểu cần thiết để dạy trẻ khuyết tật như sách giáo khoa và đồ dùng dạy học đặc thù cho từng loại trẻ khuyết tật.
Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy trẻ khuyết tật chưa được đào tạo, bồi dưỡng đủ về số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu đi học ngày càng tăng của trẻ khuyết tật. Hầu hết đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp chưa được bồi dưỡng kiến thức về giáo dục trẻ khuyết tật và quản lý chuyên môn trong trường trẻ khuyết tật học hòa nhập. Số giáo viên được đào tạo chính quy và tại chức về giáo dục trẻ khuyết tật, trình độ đại học mới có 339 người và trình độ cao đẳng là 688 người.
Số lượng này không đáp ứng đủ nhu cầu của gần 35 nghìn trường học từ mầm non đến trung học cơ sở trong cả nước mà mới chỉ đáp ứng được ở những nơi có chương trình dự án. Vì vậy nên hơn 800 nghìn trẻ khuyết tật chưa được đến trường. Đặc biệt ở những vùng nông thôn, vùng xa, vùng sâu hầu hết trẻ khuyết tật không được đi học.
Năng lực đào tạo giáo viên dạy trẻ khuyết tật của các trường sư phạm còn rất thấp hoặc không có. Cả nước mới có bảy cơ sở đào tạo có khoa, tổ giáo dục đặc biệt. Vì vậy, số giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng quá ít không thể đáp ứng được việc triển khai giáo dục trẻ khuyết tật ở quy mô lớn trong cả nước.
Ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục, trẻ khuyết tật chưa chính thức và còn quá ít. Nguồn ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, mặc dù được tăng liên tục trong những năm qua, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có mục chi riêng. Vì vậy đầu tư cho đào tạo, cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, đồ dùng dạy học đặc thù, đáp ứng nhu cầu giáo dục trẻ khuyết tật hầu như chưa có. Giáo dục trẻ khuyết tật có nguy cơ không thể duy trì và phát triển ổn định trong giai đoạn tới.
Cơ chế chính sách về giáo dục trẻ khuyết tật chưa đủ để bảo đảm cho việc xây dựng, quản lý và phát triển hệ thống giáo dục trẻ khuyết tật. Các dịch vụ hỗ trợ đồng bộ chưa bảo đảm những điều kiện phù hợp sự tham gia của trẻ khuyết tật trong hệ thống giáo dục quốc dân; công tác quản lý giáo dục trẻ khuyết tật chưa hợp lý và kém hiệu quả, chưa hình thành được các mối quan hệ phối hợp hữu cơ chặt chẽ, thiếu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương.
Công tác nghiên cứu, giáo dục trẻ khuyết tật chưa được đầu tư về nhân lực và kinh phí. Những vấn đề về thực hiện và lý luận chưa được nghiên cứu, tổng kết, đánh giá một cách đúng mức. Bất cập này đã dẫn đến mâu thuẫn. Mục tiêu vĩ mô, chính sách quốc gia là đúng đắn, hợp lòng dân, hợp xu thế thời đại, nhưng không có nguồn nhân lực và giải pháp triển khai thực hiện.
Thực hiện Quyền về cơ hội giáo dục trẻ khuyết tật, theo Chỉ thị số 01-2006/CT-TTg, ngày 6-1-2006 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ: biên soạn và trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược và kế hoạch hành động giáo dục trẻ khuyết tật giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015.
Mục tiêu của chiến lược giáo dục trẻ khuyết tật là đến năm 2015 hầu hết trẻ khuyết tật Việt Nam có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận một nền giáo dục có chất lượng và được trợ giúp để phát triển tối đa tiềm năng, tham gia và đóng góp tích cực cho xã hội, trong đó mục tiêu cụ thể là đến năm 2010 bảo đảm cho 70% trẻ khuyết tật được đi học.
Để thực hiện được những mục tiêu đó, giáo dục trẻ khuyết tật cần có những giải pháp lớn đó là xây dựng hệ thống chính sách quốc gia về giáo dục trẻ khuyết tật. Phát triển nguồn nhân lực cho giáo dục trẻ khuyết tật. Phát triển hệ thống hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật. Nâng cao năng lực quản lý giáo dục trẻ khuyết tật và tăng cường sự phối hợp liên ngành trong chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận