21/06/2015 09:37 GMT+7

Báo chí vì lợi ích của người dân và đất nước

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Chiều 20-6, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức họp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2015).

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân (phải) trò chuyện cùng các nhà báo tham dự buổi họp mặt - Ảnh: Quang Định
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân (phải) trò chuyện cùng các nhà báo tham dự buổi họp mặt - Ảnh: Quang Định

Hầu hết các ý kiến nêu ra tại buổi họp mặt đều cho rằng trong bối cảnh thông tin thời đại mới, báo chí phải chú trọng hơn những thông tin vì lợi ích của người dân, của đất nước và hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn.

Tham dự có ông Lê Thanh Hải (ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM), ông Lê Hoàng Quân (ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch UBND TP.HCM), ông Võ Văn Thưởng (ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM), bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (chủ tịch HĐND TP.HCM)... cùng lãnh đạo các sở, ban ngành, Hội Nhà báo TP.HCM và đại diện 38 cơ quan truyền thông trên địa bàn TP.HCM.

Thiếu nhiệt huyết không thể có thông tin tốt

Tại buổi họp mặt, nhà báo Dương Trọng Dật, nguyên tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, chia sẻ hai kỷ niệm nghề nghiệp mà ông nhớ mãi.

Chuyện thứ nhất là trong thời kỳ còn làm tổng biên tập, có lần ông chỉ đạo phóng viên đi phỏng vấn một lãnh đạo cấp cao về vấn đề thời sự đang nóng lúc bấy giờ, phóng viên báo cáo lại là không thể phỏng vấn được. Sáng hôm sau, báo Sài Gòn Giải Phóng không có bài phỏng vấn về vấn đề trên, trong khi báo Tuổi Trẻ lại có bài.

Ông Dật gọi cho vị lãnh đạo kia thì nhận được phản ảnh: “Phóng viên báo của ông thiếu kiên nhẫn quá. Cậu ấy gọi cho tôi lúc tôi đang họp, tôi chưa thể trả lời, thế rồi không thấy cậu ấy đâu nữa. Trong khi tôi đi họp về thì thấy phóng viên báo Tuổi Trẻ đã ngồi trước cửa chờ...”.

Ông Dật nói tiếp: “Đó là một bài học mà chúng tôi luôn nhắc nhở cho phóng viên của mình: Nếu không có máu lửa, không nhiệt huyết thì không thể có thông tin tốt”.

Kỷ niệm nghề nghiệp thứ hai là câu chuyện về một lối đi. Năm 2006, một bạn đọc báo ở Hà Nội có hai nhà tranh chấp lối đi chung, nhà này bít luôn lối đi của nhà kia. Nhận được tin, ông Dật chỉ đạo phóng viên làm ngay tin, chụp ảnh người dân phải leo thang để ra khỏi nhà đăng ngay trang nhất báo Sài Gòn Giải Phóng. Sau đó Sài Gòn Giải Phóng đã đeo bám sự việc để thúc đẩy giải quyết đến cùng, kết quả là gia đình đó đã có lối đi.

“Có người hỏi tôi sao báo Sài Gòn Giải Phóng lại quan tâm và dành nhiều bút mực cho một chuyện nhỏ như vậy? Tôi trả lời không có chuyện nào liên quan đến dân là nhỏ cả” - ông Dật nói. Bài học về trách nhiệm của báo chí với thân phận con người trong xã hội đến với các phóng viên một cách nhẹ nhàng, sâu sắc từ những tin, bài dân sinh như thế.

Đại diện cho lớp nhà báo trẻ, phóng viên Phan Anh, báo Người Lao Động, trăn trở: “Tôi nghĩ hãy coi nghề báo cũng như bao nghề khác để thấy chúng ta rất đỗi bình thường như bất cứ nghề gì, chỉ khác là nghề báo đòi hỏi trách nhiệm xã hội nặng nề hơn. Vì thế, mỗi thông tin, tác phẩm báo chí đều phải thận trọng”.

Theo Phan Anh, những nhà báo trẻ cần biết dấn thân, trách nhiệm, bản lĩnh hơn; đặc biệt là phải biết kiềm chế bản thân và phải cẩn trọng trong tác nghiệp. Nghề báo đòi hỏi kinh nghiệm thực tế nhiều hơn là tài năng bẩm sinh, bởi vậy những người không lăn lộn, không va vấp với cuộc đời với thái độ trung thực và lương tâm nghề nghiệp thì khó rèn ngòi bút được.

Trách nhiệm ngày càng nặng nề

Phát biểu tại buổi họp mặt, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải nói trong thời đại hiện nay, khi báo chí ngày càng có ảnh hưởng và tác động to lớn tới nhận thức, thái độ của nhân dân, tới tâm trạng và dư luận xã hội, tới hình ảnh và uy tín của đất nước thì trách nhiệm của báo chí và những người làm báo càng nặng nề.

“Mỗi nhà báo phải thể hiện được lương tâm, trách nhiệm và bản lĩnh của mình, phải cân nhắc nhiều hơn khi viết để người đọc, người xem, người nghe nhận thức đúng bản chất sự việc, có thái độ tích cực với cuộc sống” - ông Hải lưu ý.

Theo ông Hải, kể cả khi viết về những cái hư hỏng, tiêu cực, dù lớn đến đâu cũng nên làm cho người đọc, người xem, người nghe được tiếp thêm sức mạnh, có thêm dũng khí, quyết tâm tham gia chủ động và tích cực hơn vào cuộc đấu tranh với thói hư tật xấu, với cái ác, với tham nhũng, tiêu cực.

“Mọi thông tin trên báo phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp nhân dân” - ông Hải nhấn mạnh. Ông Hải cũng bày tỏ sự tin tưởng đội ngũ những người làm báo TP.HCM sẽ luôn yêu nghề, mắt sáng, lòng trong, bút sắc, đồng lòng chung sức vì mục tiêu xây dựng, bảo vệ, phát triển TP.HCM.

Thay mặt thường vụ Hội Nhà báo TP.HCM, ông Mã Diệu Cương, chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, kêu gọi các hội viên, nhà báo đoàn kết, phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, ý thức đầy đủ trách nhiệm chính trị, nghĩa vụ công dân, hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và Nhà nước, với sự tin yêu của nhân dân.

* Ông NGUYỄN NGỌC HỒI (phó giám đốc VTV9):

Làm báo bằng trách nhiệm của một công dân

Trách nhiệm đầu tiên của một người làm báo là trách nhiệm của một công dân, trước mỗi thông tin, sự kiện, điều đầu tiên nghĩ đến chính là làm sao việc đưa tin, việc đề ra giải pháp để giúp cho xã hội tốt đẹp hơn. Hiện nay, mỗi ngày chúng tôi nhận rất nhiều thông tin chưa tốt trong xã hội, khi nhà báo tiếp cận những thông tin đó bằng suy nghĩ với trách nhiệm của một công dân thì chắc chắn sự việc sẽ mang tính xây dựng hơn.

Không ai và không sự việc gì có thể hoàn hảo, do đó trong mỗi trường hợp sự quyết liệt với thông tin là cần thiết nhưng sự cân nhắc giữa lòng yêu nghề và một trái tim bình tĩnh, công bằng của một công dân thì sự việc sẽ thấu tình đạt lý hơn. Tôi nghĩ hai chữ nhà báo trong suy nghĩ của người dân vốn dĩ đẹp và luôn có sự trân trọng. Và điều khó nhất là mỗi nhà báo làm sao hãy giữ được hình ảnh đó.

* Phóng viên HOÀNG TUYẾT (báo Pháp Luật TP.HCM):

Tôi chọn sự chính xác làm chuẩn mực đầu tiên

Là người làm báo trẻ, trước mỗi thông tin tôi đều kiểm chứng sự chính xác. Đây không chỉ là vấn đề nghiệp vụ mà còn là vấn đề đạo đức, bởi việc đưa tin thiếu kiểm chứng, do chủ ý hay do áp lực khách quan đều tạo ra những tác hại rất lớn.

Làm báo trong thời đại công nghệ hôm nay có áp lực rất lớn, cạnh tranh với nhau từng phút, từng giây. Nhưng tôi vẫn chọn sự chính xác lên hàng đầu, vì đó là mục tiêu lớn nhất, cần nhất của một bản tin. Bản thân tôi cũng từng có những bài học xương máu về việc này và tôi thấu hiểu rằng một bản tin trung thực, một bản tin không dẫn tới những hệ lụy với cá nhân hay xã hội mới là bản tin đạt điểm cao nhất về nghiệp vụ và đạo đức của người làm báo.

VIỄN SỰ ghi

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên