Phóng to |
Nước bùn thải sau quá trình khai thác titan tại một khu khai thác thuộc xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) - Ảnh: Ng.Nam |
Ông Nguyễn Toàn Thiện đặt câu hỏi quá trình khai thác titan tại khu vực Long Sơn - Suối Nước (P.Mũi Né, TP Phan Thiết) nguồn nước ngầm được sử dụng thải ra thấm lại xuống đất, bốc hơi lên ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân như thế nào, ông Huỳnh Giác trả lời việc khai thác theo quy trình “tuần hoàn triệt để” (nước ngầm hút lên tách quặng cho thấm lại dưới đất) đã được Bộ Tài nguyên - môi trường cấp phép, còn hơi nước bốc lên thì không thể kiểm soát, đo đếm được. Ông Giác nhìn nhận quá trình khai thác titan đều ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường.
Ông Nguyễn Toàn Thiện gay gắt cho rằng báo cáo mà ông Huỳnh Giác nói về thực trạng khai thác titan là không đúng sự thật. Ông Toàn dẫn chứng hình ảnh báo chí đăng tải thời gian gần đây phản ánh ngược lại những gì mà ông Giác báo cáo. Theo ông Thiện, việc trồng cây hoàn trả môi trường sau quá trình khai thác titan không hiệu quả vì số cây bị chết chiếm hơn một nửa. Cử tri phản ảnh nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn khiến bà con thiệt hại trong trồng trọt, chăn nuôi.
Trước phản ứng của ông Thiện, ông Huỳnh Giác cho rằng báo cáo mình nêu đúng sự thật, đã được UBND tỉnh thông qua và ông trả lời ý kiến cử tri qua sự thừa ủy quyền của chủ tịch UBND tỉnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận - lưu ý giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường nhìn nhận kỹ vấn đề thảm thực vật bị chết và nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn, ô nhiễm. Ông Hùng đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận, Sở Tài nguyên - môi trường cùng các cơ quan liên quan lập đoàn công tác để kiểm tra các vấn đề cử tri hỏi về hoạt động khai thác titan, báo cáo kết quả cho HĐND tỉnh. Riêng giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường phải có câu trả lời về những điểm mà các đại biểu đã thay mặt cử tri hỏi trong buổi chất vấn.
Trả lời câu hỏi về tai nạn giao thông tăng cao trong những tháng đầu năm, ông Phạm Văn Nam - giám đốc Sở Giao thông vận tải Bình Thuận - nêu nguyên nhân tuyến quốc lộ 1 qua Bình Thuận dài, xe cộ lưu thông nhiều, đường hẹp, dải phân cách không có, đèn chiếu sáng nơi có nơi không. Bên cạnh đó, quy định điều kiện kinh doanh vận tải ôtô còn lỏng lẻo. Ông Nam cũng nhận trách nhiệm trước những việc chưa làm được về phía ngành mình và đề ra những giải pháp tuyên truyền, quản lý để cải thiện tình hình.
HĐND tỉnh Bình Thuận cũng công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 15 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh - bầu. Theo đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng - chủ tịch HĐND tỉnh - nhận được nhiều “phiếu tín nhiệm cao” nhất (47 phiếu, chiếm 90,3%). Ông Nguyễn Thanh Nam, giám đốc Sở Nội vụ, nhận được nhiều “phiếu tín nhiệm thấp” nhất (7 phiếu, chiếm 13,4%). Ông Nam cũng là người có số “phiếu tín nhiệm cao” thấp nhất (22 phiếu, chiếm 42,3%).
Lãnh đạo Bình Thuận khóa này không muốn khai thác titan Chia sẻ với những phản ảnh của cử tri về vấn đề khai thác titan, chiều 19-7 ông Lê Tiến Phương - chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - cho biết cá nhân ông và lãnh đạo khóa này không muốn khai thác titan vì lợi ích chưa thấy mà tàn phá môi trường thì rất ghê gớm. “An ninh trật tự trong khu vực khai thác và xung quanh phức tạp, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người dân cũng phức tạp. Đây là tài nguyên quốc gia, có khai thác hay không là thẩm quyền của Chính phủ, đâu phải tỉnh muốn hay không muốn là được. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay UBND tỉnh luôn quản lý chặt hoạt động khai thác titan, tuy còn diễn ra nhưng đã giảm dần” - ông Phương nói. Ông Phương cho biết từ ngày lên làm chủ tịch tỉnh ông chưa ký cấp cho ai khai thác titan vì “đâu còn nữa mà cấp”. Đến nay, tỉnh đã đóng mỏ titan của tám giấy phép trong số 16 giấy phép đã cấp. Các đơn vị đóng mỏ đã hoàn thổ khôi phục môi trường nhưng chưa đạt yêu cầu, hiện trường ngổn ngang như bãi chiến trường. Do thời tiết khô hạn quá nên cây trồng không sống nổi. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên - môi trường đang thẩm định để đóng mỏ titan của ba giấy phép... NG.NAM |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận