12/12/2018 09:07 GMT+7

Báo cáo khoa học về biến đổi khí hậu: Các ông lớn tranh cãi từng chữ

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Đại diện Mỹ, Nga, Saudi Arabia và Kuwait chỉ chấp nhận 'ghi nhận' chứ không 'chấp nhận' báo cáo khoa học của GIEC (Nhóm chuyên gia liên chính phủ chuyên về tiến triển khí hậu).

Báo cáo khoa học về biến đổi khí hậu: Các ông lớn tranh cãi từng chữ - Ảnh 1.

Tuần hành vì khí hậu tại Katowice, Ba Lan - Ảnh: REUTERS

Gần 200 quốc gia tham gia ký kết Hiệp định Paris năm 2015 vừa bắt đầu tuần làm việc thứ hai tại Katowice (Ba Lan) để hoàn tất một bộ quy chuẩn, nhằm kìm hãm sự tăng nhiệt của Trái đất ở dưới mức 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp và tiếp tục nỗ lực hạn chế sự gia tăng nhiệt đến 1,5oC.

Tuy nhiên, mọi chuyện không hề đơn giản khi đụng đến lợi ích quốc gia, đặc biệt về sử dụng năng lượng hóa thạch. Ví dụ rõ nét nhất là báo cáo khoa học của GIEC (Nhóm chuyên gia liên chính phủ chuyên về tiến triển khí hậu) đã bị các nhà ngoại giao một số nước tranh cãi từng chữ một.

Đó là các nước có tiềm lực về dầu mỏ như Mỹ, Nga, Saudi Arabia và Kuwait. Đại diện bốn nước này chỉ chấp nhận "ghi nhận" chứ không "chấp nhận" báo cáo. Cuộc tranh luận không đi đến hồi kết và hai bên ủng hộ với phản đối chỉ đạt đến thống nhất là... tiếp tục bàn lại vào mùa xuân năm tới.

Ông Jean Jouzel, nhà khí tượng học của Pháp, nhận định: "Tôi tin các nước đó không chấp nhận kết luận chính của báo cáo, theo đó yêu cầu phải giảm thật nhanh việc thải khí CO2. Để giữ mức tăng nhiệt độ chỉ 1,5oC, phải đạt được mức cân bằng cacbon vào năm 2050.

Tôi tin các nước đó không chấp nhận kết luận trên, vì nếu đồng ý thì phải có hành động gì đó. Nói chung, đây là một thông tin xấu vì các nước đó đã phản bác chính các nhà khoa học của họ".

Tuy cuộc tranh cãi về câu chữ trong báo cáo chỉ là một hoạt động nhỏ của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu năm 2018 (COP24) đang diễn ra tại Ba Lan, bên cạnh các cuộc đàm phán chính thức vẫn đang diễn ra, nhưng đó cũng là một tín hiệu cho thấy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu còn lắm gian nan.

Bà Valérie Masson-Delmotte, đồng chủ tịch của một trong những nhóm làm việc của GIEC, đã viết trên Twitter: "Có gì không ổn trong báo cáo của chúng tôi để mà bốn chính phủ trên không phê chuẩn các kết luận? Báo cáo này trong khi đó lại do các chính phủ đặt hàng thực hiện hồi COP21 và trong phiên họp toàn thể của GIEC cũng đã được chính các chính phủ đó phê duyệt cơ mà?".

Theo báo cáo dựa trên kết quả khảo sát mới nhất của Viện Khí hậu mới và Tổ chức phi chính phủ Germanwatch công bố ngày 10-12, Mỹ và Saudi Arabia hiện đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng Chỉ số cải thiện biến đổi khí hậu (CCPI) của 56 quốc gia trên thế giới vốn chiếm tới 90% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân khiến Trái đất ấm lên.

Các nước đứng trong tốp cuối của bảng xếp hạng trên còn có Iran, Hàn Quốc, Úc, Canada, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản.

Biến đổi khí hậu và những hậu quả không ngờ Biến đổi khí hậu và những hậu quả không ngờ

TTCT - Ngoài hạn hán, lũ lụt, triều cường, bão ngày càng mạnh... biến đổi khí hậu còn gây những hậu quả không ngờ như nguy cơ bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng hiệu năng của chính quyền...

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên