Bảng xếp hạng các đại học tốt nhất thế giới năm 2024 của Tổ chức Times Higher Education (THE) vắng bóng nhiều cái tên đáng chú ý, trong đó có Đại học Utrecht - một trường rất nổi tiếng ở Hà Lan, thường xuyên góp mặt trong top 100 trên các bảng xếp hạng đại học hàng đầu.
Tẩy chay
Trước đó chỉ một năm, THE xếp Đại học Utrecht thứ 66 trong bảng xếp hạng toàn cầu và thứ 3 ở Hà Lan. Tuy nhiên, đại diện nhà trường cho rằng bảng xếp hạng hiện nghiêng nhiều vào việc chấm điểm và cạnh tranh. Đồng thời, việc khái quát chất lượng cả một đại học có rất nhiều ngành học chỉ trong một vài con số là không thỏa đáng.
Cũng trong năm 2023, Hiệp hội các trường đại học Hà Lan đưa ra thông báo 14 trường thành viên sẽ có cách tiếp cận khác với các bảng xếp hạng đại học thế giới vì không đồng tình với cách làm của một số bảng xếp hạng hiện nay.
Chẳng hạn, bảng xếp hạng THE đánh giá các đại học dựa vào những dữ liệu được chính đại học cung cấp. Nhiều trường ở Hà Lan cho rằng cách làm này không phù hợp, bởi có nhiều trường giả số liệu để tăng thứ hạng.
Tại Mỹ, năm 2023 ghi nhận hơn 10 trường y và 40 trường luật danh tiếng quyết định "tẩy chay" bảng xếp hạng đại học US News & World Report có từ năm 1983 đến nay. Các trường này sẽ không cung cấp thông tin cho bảng xếp hạng này.
Giáo sư George Daley, hiệu trưởng Trường Y Harvard, cho biết những quan điểm đánh giá của bảng xếp hạng còn tương đối "hẹp hòi" xét về giáo dục đại học.
Các bảng xếp hạng thường quá ưu tiên thành tích học thuật, nguồn tài chính, tài sản hay số lượng nghiên cứu của trường. Hay khi xem xét các sinh viên tốt nghiệp, bảng xếp hạng thường cho điểm cao nếu trường có nhiều sinh viên ra làm ở những tập đoàn lớn, hưởng lương cao. Còn những sinh viên vào làm ở trung tâm y tế công hoặc những tổ chức cộng đồng thường không được đánh giá cao.
Không chỉ rời bỏ các bảng xếp hạng, ngày càng nhiều đại học "bất cần" thứ hạng của mình. Một nghiên cứu trên dữ liệu của bảng xếp hạng THE trong 6 năm qua cho thấy thứ hạng trung bình của các trường đại học Mỹ đã giảm từ hạng 296 (2019) rơi xuống hạng 348 (2024). Tương tự, thứ hạng trung bình của Vương quốc Anh cũng giảm từ hạng 451 xuống hạng 477.
Nhiều chiêu trò thăng hạng
Ở chiều ngược lại, các đại học châu Á ngày càng coi trọng các bảng xếp hạng đại học và ghi nhận những bước nhảy đáng kể. Thống kê của Ngân hàng Thế giới trong bảng xếp hạng THE mới nhất cho thấy thứ hạng trung bình của các đại học Trung Quốc đã cải thiện từ 635 lên 502. Tương tự, các đại học Nhật, Singapore, Hàn Quốc... đều có một năm thắng lớn trên bảng xếp hạng thế giới. 33 đại học châu Á từ vị trí "hư vô" bỗng dưng gia nhập danh sách top 200. Con số này trong năm trước đó là 28.
Nhiều nguồn lực được không ít trường đầu tư để tăng thứ hạng, phổ biến nhất là dồn tiền để tăng nhanh số lượng các nghiên cứu khoa học. Trong một số bảng xếp hạng, nếu có được càng nhiều nghiên cứu đăng trên các tạp chí xuất sắc, trường đại học càng có điểm số để được xếp hạng cao. Một số trường cũng mạnh tay thuê giáo sư được trích dẫn tốt về trường làm việc hoặc cộng tác để tăng điểm xếp hạng.
Phó giáo sư Rosli Mahat, cựu thư ký Phong trào Học thuật Malaysia, chỉ trích nhiều trường đại học nước này sử dụng các chiêu trò "phi đạo đức" để gia tăng số lượng bài báo khoa học.
Ông cho rằng việc chạy theo số lượng để làm đẹp các bảng xếp hạng dẫn đến việc các nghiên cứu trong nhiều trường đại học không thật sự chú trọng việc đưa ra những giá trị mới mà chỉ tập trung vào việc xuất bản được càng nhiều bài báo càng tốt.
"Các trường đại học trong nước chỉ nỗ lực cải thiện các chỉ số xếp hạng như số lượng bài báo được xuất bản và số lượng sinh viên, giảng viên nước ngoài trong trường. Tôi không nghĩ đây là những dấu hiệu tốt về một trường đại học tốt" - phó giáo sư Rosli Mahat nhận định.
Ông cho rằng thứ hạng của các trường đại học sẽ tăng lên một cách tự nhiên khi cải thiện được các yếu tố cơ bản của một nền học thuật tốt gồm chất lượng chương trình và giảng viên.
"Làm đẹp"
Xu hướng buông các bảng xếp hạng lớn dự kiến sẽ tiếp diễn với nhiều đại học châu Âu. Hãng tin Reuters ghi nhận một số đại học tại Mỹ và châu Âu đã mỏi mệt khi phải thường xuyên ngụy tạo các số liệu trông hấp dẫn hơn để đệ trình các bảng xếp hạng đại học, trong đó có tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm.
Trước đây, một vụ bê bối lớn đã bị phanh phui khi một số trường đại học luật lớn tại Mỹ, bao gồm cả ĐH Illinois và ĐH Villanova, bị phát hiện "phóng đại" điểm số của học sinh. Một số đại học luật khác tại Mỹ bị ít nhất 15 sinh viên tốt nghiệp của họ kiện vì nói quá số liệu được tuyển dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận