11/05/2022 19:22 GMT+7

Bằng chứng sinh động về một nền văn minh trong hồ sơ di sản trình UNESCO

ĐẶNG TUYẾT
ĐẶNG TUYẾT

TTO - Quần thể di tích Óc Eo - Ba Thê là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa - tôn giáo của Vương quốc Phù Nam, một di sản đặc sắc hiếm có của vùng đồng bằng Nam Bộ Việt Nam, là cơ sở quan trọng để trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới.

Bằng chứng sinh động về một nền văn minh trong hồ sơ di sản trình UNESCO - Ảnh 1.

Chùa Linh Sơn Cổ Tự thuộc quần thể di tích Óc Eo - Ba Thê được bao quanh bằng những viên đá cổ khai quật được dưới nền chùa - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Đó là nhận định của PGS.TS Bùi Minh Trí - viện trưởng Viện nghiên cứu kinh thành thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Di tích Óc Eo - Ba Thê có diện tích được bảo vệ hơn 433ha, gồm khu A ở sườn và chân núi Ba Thê hơn 149ha, khu B cánh đồng Óc Eo hơn 289ha, được xác định là trung tâm đô thị cổ.

Bên dưới cánh đồng tìm thấy dòng kinh cổ kết nối giữa Óc Eo với Nền Chùa, là con đường tiến ra biển, tuyến giao thông thủy kết nối ra thế giới bên ngoài. Nhiều di vật được tìm thấy như: tiền cổ, khảm trai, khảm xà cừ; đèn đồng Ba Tư; gương đồng; tiền ngũ thù; đồ gốm Ấn Độ và các nước Đông Nam Á… thể hiện giá trị văn hóa vươn ra tầm khu vực.

Nhiều bằng chứng phản ánh đời sống kinh tế xã hội của người dân thời kỳ đó thông qua các đồ dùng rất phong phú, đa dạng: đồ gốm, trang sức, công cụ chế tác kim hoàn; trang sức Óc Eo được xuất khẩu sang các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc; các dấu tích cư trú của người giàu có sống trong các đô thị thời đó, nhà làm bằng hình thức chôn cột và lợp bằng ngói.

Những dấu tích liên quan đến các đền thờ và các công trình phụ trợ. Trong đó có giếng nước phục vụ cho đời sống sinh hoạt hằng ngày và cung cấp nguồn nước tinh khiết cho các nghi lễ linh thiêng.

Bằng chứng sinh động về một nền văn minh trong hồ sơ di sản trình UNESCO - Ảnh 2.

Di tích Gò Út Trạnh là điểm được khai quật gần đây nhất trên nền đất sinh hoạt của người dân Óc Eo - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Các cuộc khai quật từ năm 2017 - 2020 tiếp tục đưa ra những bằng chứng sinh động rằng Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa là một trung tâm tôn giáo lớn của Vương quốc Phù Nam tại An Giang. Chứng minh cho mối liên hệ giữa Hindu giáo và Phật giáo, hai tôn giáo mang đậm dấu ấn của Ấn Độ vào Việt Nam giai đoạn thế kỷ IV - VI sau Công nguyên.

"Từ những cứ liệu trên có thể khẳng định quần thể di tích Óc Eo - Ba Thê là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa - tôn giáo của Vương quốc Phù Nam. Giá trị cốt lõi để tạo nên một di sản, đặc sắc hiếm có của vùng đồng bằng Nam Bộ Việt Nam. Nó tạo nên tính đặc sắc của khu di sản, là cơ sở quan trọng để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới", PGS.TS Bùi Minh Trí nói.

Bằng chứng sinh động về một nền văn minh trong hồ sơ di sản trình UNESCO - Ảnh 3.

Cận cảnh những viên đá cổ xếp hình chữ vạn được cho là dấu tích của một đền thờ cổ tại khu di tích Gò Cây Thị - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Ông Nguyễn Hữu Giềng, giám đốc ban quản lý khu di tích Óc Eo - Ba Thê, cho biết việc đề cử khu di tích khảo cổ đặc biệt Óc Eo - Ba Thê vào danh mục lập hồ sơ di sản văn hóa thế giới đã xong giai đoạn 1.

"Dự kiến tháng 7-2022, đoàn làm việc của UNESCO sẽ đến Việt Nam khảo sát và đánh giá, đồng thời hướng dẫn tập trung vào một tiêu chí cụ thể trong ba tiêu chí đã đề xuất trong báo cáo tóm tắt trình bày ở giai đoạn 1.

Giai đoạn 2, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vào cuộc thực hiện kế hoạch xây dựng hồ sơ di sản thế giới theo quy định và kế hoạch bảo tồn phát huy di sản sau khi được công nhận", ông Giềng nói.

ĐẶNG TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên