Sản xuất pallet nguyên khối kích thước lớn tại Công ty CP Nhựa Sài Gòn - Ảnh: H.Khoa |
Cầm trên tay “Hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh cho gói thầu cung cấp 343 thùng rác công cộng 240 lít chứa rác thải sinh hoạt, một thùng rác công cộng 660 lít (bánh hơi) phục vụ các xã” do phòng tài nguyên - môi trường của một huyện thuộc tỉnh Vĩnh Long phát công khai, ông Lê Điền Trung - trưởng phòng thị trường Công ty CP Nhựa Sài Gòn - không tin vào mắt mình khi thấy thương hiệu SSI Schaefer (Đức) được in ngay trên trang bìa của tập hồ sơ mời thầu.
“Tôi bị sốc bởi gói thầu này không chỉ có Nhựa Sài Gòn có thể tham gia, mà bất kỳ doanh nghiệp ngành nhựa trong nước nào chỉ cần nằm trong lĩnh vực sản xuất nhựa công nghiệp, đáp ứng được các điều kiện như yêu cầu của hồ sơ mời thầu đều có thể tham gia đấu thầu, chứ không bị cho loại ngay từ đầu như thế này được” - ông Trung nói.
Đặc biệt, ông Trung bức xúc cho biết tổ chức mời thầu nhưng chủ đầu tư lại yêu cầu cụ thể sản phẩm phải là “hàng nhập nguyên đai, nguyên kiện, công nghệ sản xuất của châu Âu”, cùng thời gian thực hiện hợp đồng (sau khi trúng thầu) là... ba ngày, kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. “Cứ cho là chủ đầu tư có quyền chọn sản phẩm xuất xứ từ châu Âu, nhưng hàng đó sẽ nhập bằng con đường nào, sử dụng phương tiện vận chuyển kiểu gì để sau ba ngày là có mặt ở VN theo như yêu cầu? Tôi nghĩ hoài mà cũng không nghĩ ra...” - ông Trung đặt câu hỏi.
Theo ông Trung, nếu xét về mặt kỹ thuật mà hồ sơ mời thầu yêu cầu như “nhựa nguyên sinh, không pha tạp chất, chống tia tử ngoại, phù hợp với mọi xe đổ rác chuyên dụng” hoặc “sản xuất theo tiêu chuẩn DIN EN 840-1”..., doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được với chất lượng được quốc tế thừa nhận, sản phẩm đã xuất khẩu đi nhiều nước trong và ngoài khu vực, lại có giá thành thấp hơn sản phẩm cùng chủng loại nhập khẩu.
“Phải chi công tác chọn thầu công khai, minh bạch, đặt yêu cầu kỹ thuật - chất lượng lên làm đầu thì chúng tôi tự tin doanh nghiệp mình sẽ trúng thầu. Nhưng thực tế là chúng tôi đã thất bại đến... 99% với những kiểu lựa thầu nói trên” - ông Trung nói.
Cũng như ông Trung, nhiều doanh nghiệp Việt khác đã không thể nhớ đã cầm bao nhiêu hồ sơ mời thầu về xong rồi... ngó, thậm chí lên xuống hàng chục lần cơ quan/ đơn vị tổ chức chào thầu, ngồi chờ vạ vật hàng giờ liền cốt sao gặp được người phụ trách - thường được ghi sẵn tên, chức vụ trong hồ sơ mời thầu - nhưng rồi đều phải ra về trong thất vọng vì chẳng thể gặp được.
Dù cuộc vận động của Bộ Chính trị “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” đã đi vào thực tiễn hơn năm năm qua, được chính các doanh nghiệp trong nước xác tín có rất nhiều cải thiện về mặt thị trường, được người Việt ngày càng tin dùng nhiều hơn, nhưng đâu đó tư tưởng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ vẫn lấn át nhu cầu được cạnh tranh bình đẳng của các doanh nghiệp sản xuất nội địa.
Nếu tư duy và cách hành xử này vẫn tiếp tục diễn ra ở hàng loạt cơ quan nhà nước khác, liệu có sự công bằng không khi đã có nhiều doanh nghiệp xem “sân nhà” là thị trường chủ lực, ngày ngày chăm chút cải tiến mẫu mã, đầu tư tiền của, chất xám, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hơn để cạnh tranh trực diện với sản phẩm nhập khẩu như chủ trương của Nhà nước đã khuyến khích?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận