Từ ngày 20-10, người bán thức ăn không đeo găng tay như thế này có thể bị phạt đến 1 triệu đồng (ảnh chụp trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG
Tuổi Trẻ giới thiệu một số nội dung nổi bật của các nghị định này.
Tăng mức phạt trong kinh doanh thức ăn đường phố
Theo nghị định 115/2018 (có hiệu lực từ ngày 20-10), các cơ quan có thẩm quyền có thể phạt tiền 500.000 - 1.000.000 đồng (quy định hiện hành là 300.000 - 500.000 đồng) đối với các hành vi kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.
Các hành vi đó là: không có bàn, tủ, thiết bị, dụng cụ... đáp ứng theo quy định để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.
Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền có quyền phạt tiền 1.000.000 - 3.000.000 đồng (mức hiện hành 500.000 - 1.000.000 đồng) đối với một trong các hành vi: sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định;
Người đang mắc các bệnh mà theo quy định không được trực tiếp tham gia kinh doanh thức ăn đường phố; sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh chế biến thức ăn hay vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống...
Không buộc tổ chức, cá nhân góp kinh phí tổ chức lễ hội
Theo nghị định số 110/2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội trên lãnh thổ Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 15-10), lễ hội truyền thống (bao gồm cả lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội dân gian) là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, được tổ chức theo nghi lễ truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân.
Lễ hội văn hóa là hoạt động giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa, thể thao tiêu biểu, đặc sắc; tiềm năng du lịch về đất nước, con người Việt Nam.
Lễ hội ngành nghề là hoạt động quảng bá về đặc trưng, thế mạnh của các ngành nghề; tôn vinh các tổ chức, nghệ nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn và phát triển ngành nghề.
Lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; việc tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa.
Nghị định này cũng lưu ý không được lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội.
Bổ sung đối tượng tinh giản biên chế
Theo nghị định 113/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 108/2014 về chính sách tinh giản biên chế (có hiệu lực từ ngày 15-10), có một số đối tượng mới nằm trong diện tinh giản biên chế.
Đó là: cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Tiêu chuẩn giáo viên dạy tại trung tâm ngoại ngữ
Theo thông tư 21/2018 của Bộ GD-ĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học (có hiệu lực từ ngày 10-10), giáo viên giảng dạy tại trung tâm ngoại ngữ phải đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Cụ thể, giáo viên là người Việt Nam phải có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên; có bằng cao đẳng ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Giáo viên là người bản ngữ dạy ngoại ngữ (đối với từng ngoại ngữ cụ thể) phải có bằng cao đẳng trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp.
Giáo viên là người nước ngoài phải đạt một trong các tiêu chuẩn sau: có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên; có bằng cao đẳng ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp;
Có bằng cao đẳng trở lên, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ từ bậc 5 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận