19/05/2022 11:53 GMT+7

Băn khoăn các trung tâm nông sản 'đụng hàng' nhau

CHÍ QUỐC
CHÍ QUỐC

TTO - Các tỉnh đang xây dựng trung tâm điều phối nông sản, TP Cần Thơ cũng đang xây dựng “trung tâm của các trung tâm” liệu có “đụng hàng”?

Băn khoăn các trung tâm nông sản đụng hàng nhau - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Sử - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - phát biểu góp ý tại hội nghị - Ảnh: CHÍ QUỐC

Sáng 19-5, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý đề án thành lập trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại TP Cần Thơ.

Theo dự thảo, trung tâm này sẽ có diện tích 3.300ha tại phường Long Tuyền (quận Bình Thủy) và xã Giai Xuân (huyện Phong Điền), trong đó giai đoạn 1 (2022-2027) sẽ được triển khai trên diện tích 450ha. Giai đoạn 2 sẽ triển khai trong giai đoạn 2027-2050.

Trung tâm sẽ được kêu gọi đầu tư ở 4 lĩnh vực: xây dựng hạ tầng; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; sản xuất, chế biến và cuối cùng là cung ứng dịch vụ xuất khẩu nông sản và tiêu thụ.

Ông Trần Việt Trường - chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết thành phố sẽ không làm được gì nếu không có sự tham gia của các tỉnh trong vùng, vì vậy hội nghị nhằm lấy ý kiến chuyên gia và lãnh đạo các tỉnh để hoàn thiện đề án trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Ông Lê Văn Sử, phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết trong Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long vừa được Chính phủ phê duyệt, TP Cần Thơ là trung tâm vùng, còn các địa phương có trung tâm điều phối chuyên ngành như Kiên Giang có trung tâm điều phối về thủy sản, một số tỉnh thì có trung tâm trái cây, lúa gạo.

"Vì vậy, đây sẽ là trung tâm của các trung tâm. Mà theo đề án thì trung tâm này có chức năng chế biến sâu nông sản cả vùng. Rồi trung tâm ở các tỉnh có cần chế biến sâu không khi mà Cần Thơ đã có chế biến sâu?", ông Sử lưu ý.

Ông Vương Quốc Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - góp ý ngoài 4 lĩnh vực kêu gọi đầu tư nêu trên, cần thêm lĩnh vực hỗ trợ dịch vụ và kết nối thị trường. Ông Nam cho rằng các tỉnh đều có trung tâm, vì vậy cần có lĩnh vực nêu trên ở Cần Thơ để kết nối các trung tâm này.

Ngoài ra, ông Nam cũng cho rằng việc tổ chức thực hiện đề án là rất quan trọng, vì vậy cần bổ sung cơ chế phối hợp cấp vùng, trong đó đề xuất Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì.

Băn khoăn các trung tâm nông sản đụng hàng nhau - Ảnh 2.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, các trung tâm nông sản sẽ không chồng chéo, cạnh tranh nhau - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tương tự, bà Đinh Thị Phương Khanh - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long An - nói không thấy đề án phân công nhiệm vụ, vai trò của UBND các tỉnh trong vùng thế nào nên cần bổ sung.

Ông Đoàn Văn Đẳng, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, cũng đề nghị nên có cơ chế phối hợp 13 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào đề án này.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh quan điểm lập trung tâm cấp vùng ở Cần Thơ như nêu trên là để phát huy nông sản 13 tỉnh, thành trong vùng nhưng không bị chồng chéo, cạnh tranh nhau.

Ông Nam cho rằng các trung tâm điều phối nông sản ở các tỉnh sẽ kết nối với trung tâm cấp vùng ở Cần Thơ tạo thành một hệ thống. Vấn đề là tiếp tục nghiên cứu thêm cơ chế cho sự kết nối này.

Các tổng biên tập báo chí “đặt hàng” lãnh đạo thành phố Cần Thơ Các tổng biên tập báo chí “đặt hàng” lãnh đạo thành phố Cần Thơ

TTO - Tổng biên tập nhiều cơ quan báo chí về TP Cần Thơ dự tọa đàm “Báo chí đồng hành cùng TP Cần Thơ” và “đặt hàng” cho lãnh đạo thành phố này.

CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên