Ca khúc Tharee Lions (It's coming home) - Nguồn: YOUTUBE
Tại Euro 1996, ca khúc Three Lions (tạm dịch: Tam sư) được ra đời nhằm cổ vũ đội tuyển Anh khi đó là nước chủ nhà.
Hai danh hài Frank Skinner và David Baddiel đã trình diễn ca khúc đó cùng ban nhạc The Lightning Seeds.
Ca khúc kể lại một số giai đoạn lịch sử của bóng đá Anh, trong đó có chức vô địch World Cup 1966 cũng được tổ chức tại xứ sở sương mù.
Tuy nhiên, điều khiến nó trở nên nổi tiếng là bốn câu hát: "It’s coming home. It’s coming home. It’coming, football’s coming home" (Nó đang về nhà. Nó đang về nhà. Bóng đá đang trở về nhà).
Danh hài David Baddiel (trái) cùng Frank Skinner ăn mừng chiến thắng của Anh trước Thụy Điển - Ảnh: TWITTER
Theo The Guardian, ngụ ý bốn câu hát có thể hiểu là khi Euro 1996 được tổ chức tại Anh thì nó cũng mang theo không khí bóng đá về với quốc gia này.
Tuy nhiên sâu xa hơn, có thể nó muốn nhắc đến việc người Anh tự hào là những người sản sinh ra bóng đá.
FIFA công nhận hình thức bóng đá đương thời được tạo ra năm 1863 tại Anh, và vì thế nơi đây cũng là "nhà" của bóng đá (dù một số hình thức khác được tìm thấy tại nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc).
Một chức vô địch ở cấp độ đội tuyển không khác gì với việc bóng đá được trở về với nơi đã sinh ra nó.
"It’s coming home" đã đánh động đến niềm tự hào của người Anh, nhờ đó ca khúc Three Lions nhanh chóng leo lên vị trí số 1 trong nhiều bảng xếp hạng âm nhạc vào năm 1996.
Tuy nhiên sau 22 năm kể từ khi ca khúc ra đời, chưa bao giờ người Anh được nếm trải hương vị chiến thắng.
Tại World Cup, thành tích tốt của của "Tam sư" chỉ là đến tứ kết các năm 1998, 2002 và 2006. Họ thậm chí phải dừng bước tại vòng bảng năm 2014, trong khi đó năm 2010 cũng chỉ đi được đến vòng 16 đội.
Liệu bóng đá có trở về nhà? - Ảnh: REUTERS
Dần dần, câu hát "It’s coming home" chuyển sang ý mỉa mai các cầu thủ Anh khi họ luôn ra sự thất vọng ở các giải đấu lớn. Từ việc chờ đợi chiến thắng, nó lại trở thành sự châm biếm khi bóng đá chỉ "sắp trở về nhà", nhưng chẳng bao giờ thật sự được thấy nó quay về.
Tuy nhiên sau khi chứng kiến "Tam sư" gây ấn tượng và lần đầu tiên kể từ năm 1990 giành quyền chơi một trận bán kết World Cup, các cổ động viên đã trả câu hát về đúng ý nghĩa của nó.
Không những vậy, sau trận thắng Thụy Điển, ca khúc Three Lions cũng đã leo một mạch 32 bậc để giành vị trí dẫn đầu danh sách Big Top 40 - một bảng xếp hạng âm nhạc uy tín về ca khúc nghe nhiều nhất trên radio tại Vương quốc Anh.
Thành tích này đã soán ngôi ca khúc Solo của Clean Bandit và nữ ca sĩ đình đám của Mỹ Demi Lovato.
Trên các trang mạng xã hội xuất hiện hàng trăm đoạn video ghi lại cảnh người dân Anh đổ ra đường hò reo câu hát "It’s coming home".
Không chỉ thành công trên sóng phát thanh, sự hồi sinh của Three Lions còn gây bão trên Spotify. Theo Independent, số lượt nghe ca khúc trên ứng dụng nghe nhạc trực tuyến này đã đạt mốc 1 triệu chỉ trong đúng một ngày 7-7.
Nếu "Tam sư" đáng bại Croatia và giành quyền chơi trận chung kết, thậm chí vô địch, chưa biết ca khúc này còn làm mưa làm gió đến mức nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận