Vậy chế biến và bảo quản thực phẩm như thế nào là đúng?
Những lưu ý trong chế biến thức ăn
Đối với nhóm rau củ, nên rửa dưới vòi nước chảy, không nên thái nhỏ hoặc ngâm ngập trong chậu nước. Cách này sẽ tránh được việc các vitamin B, C và một số khoáng chất hòa tan vào trong nước. Lúc nấu nên đun sôi nước rồi mới cho rau vào, như vậy sẽ hạn chế lượng vitamin C bị hao hụt.
Đối với nhóm quả, sau khi rửa bằng nước sạch, không nên gọt quá sâu phần vỏ vì các chất dinh dưỡng và một số hoạt chất sinh học tốt cho cơ thể có nhiều ở ngay lớp vỏ.
Với nhóm thịt cá tươi, cần rửa sạch dưới vòi nước, không ngâm lâu tránh thực phẩm bị trương, rữa. Khi vo gạo, không nên vo kỹ quá, sẽ làm mất đi lượng vitamin, nhất là các vitamin tan trong nước (như các vitamin nhóm B).
Lưu ý, tất cả các nhóm thực phẩm tươi, sống cần phải được nấu ngay, ăn ngay sau khi sơ chế. Sơ chế xong, để thời gian quá lâu cũng sẽ làm mất các chất dinh dưỡng, như rau quả thái nhỏ để lâu sẽ làm mất vitamin C, beta-caroten...
Cần phối hợp nhiều loại rau trong một món, vừa tạo cảm giác ngon miệng lại cung cấp đồng thời nhiều chất dinh dưỡng giúp cơ thể thêm khỏe mạnh.
Dầu ăn nên sử dụng một lượng vừa đủ và không dùng dầu đã qua sử dụng, rất có hại cho sức khỏe.
Trong số các cách chế biến món ăn thì cách ăn tươi sống hoặc hấp được cho là tốt hơn cả vì giữ được nhiều chất dinh dưỡng của thực phẩm, trong khi cách chế biến theo kiểu nướng/rang, rán/chiên lại làm mất nhiều chất dinh dưỡng.
Sử dụng và bảo quản thực phẩm an toàn
Thức ăn đã nấu chín cần được che đậy cẩn thận và nên ăn ngay khi vừa nấu xong. Không nên ăn thức ăn sau khi chế biến quá 2 giờ. Thức ăn còn thừa muốn giữ lại phải bảo quản đúng cách và cần đun sôi lại thức ăn trước khỉ sử dụng. Không để lẫn lộn thức ăn chín và thức ăn sống.
Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh: Thức ăn vừa nấu chín phải để nguội mới cho vào tủ lạnh, để riêng thức ăn sống và chín. Thực phẩm tươi sống như thủy sản, thịt gà, các loại phủ tạng động vật cần chế biến sạch. Tất cả thực phẩm để bảo quản trong tủ lạnh phải được gói kín hoặc để trong khay, hộp có nắp kín.
Nhiệt độ thích hợp để bảo quản thực phẩm:
Các loại thực phẩm | Nhiệt độ |
Thực phẩm thông thường | 8°C |
Sữa | 4°C |
Thịt, cá tươi | 3°C |
Kem lạnh | -18°C |
Thịt, cá ướp đá | - 20°C |
Thực phẩm bảo quản ấm | 60°C |
Rã đông thực phẩm
- Để thực phẩm nguyên trong bao gói và ngâm vào nước lạnh hoặc dưới vòi nước. Không nên ngâm thức ăn trực tiếp vào nước để rã đông bởi dịch bào có chất dinh dưỡng sẽ tan ra và hòa vào nước, thực phẩm sẽ mất chất dinh dưỡng và bị nhão.
- Trước một ngày sử dụng, nên chuyển nguyên liệu từ ngăn đá xuống ngăn lạnh để rã đông. Đây là phương pháp được xem là tối ưu và an toàn nhất nhưng tốn nhiều thời gian. Nếu cần, có thể tái đông trở lại bằng cách chuyển trở lại ngăn đá để bảo quản lâu hơn.
- Rã đông trong lò vi sóng cũng rất tốt vì điện trường cao tần sẽ gây nên nội ma sát trong bản thân thực phẩm, khiến thực phẩm nóng lên, tan đông nhưng không làm vỡ tế bào. Với phương pháp này, thực phẩm phải được chế biến ngay vì một phần thịt có thể đã hơi bị chín. Nếu dùng không hết, có thể bảo quản ở ngăn đá tủ lạnh, nhưng thực phẩm phải được nấu chín, vì lúc này thực phẩm có thể đã nhiễm vi sinh rồi. Ngoài ra, thịt, cá đông lạnh có thể được quay, nướng trong lò vi sóng mà không cần phải rã đông.
- Trong bảo quản thực phẩm, cần lưu ý không làm rã đông nhiều lần. Khi rã đông lần thứ nhất, các tinh thể đá tan thành nước, phần nào đã phá vỡ nhiều tế bào của nguyên liệu và mất chất dinh dưỡng. Khi rã đông lần thứ hai, các chất dinh dưỡng lại bị rã tiếp và trôi ra ngoài thông qua dịch bào và nước đá làm mất nhiều chất dinh dưỡng. Hơn nữa, khi rã đông, các vi sinh vật gây bệnh cũng thâm nhập và phát triển nhanh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận