15/12/2013 07:40 GMT+7

Bản chất của châm biếm là xây dựng

LÝ TRỰC DŨNG (nhà phê bình hội họa)
LÝ TRỰC DŨNG (nhà phê bình hội họa)

TT - Tuổi Trẻ Cười hiểu sức mạnh của biếm họa, thành công trong việc khai thác và sử dụng nó.

4hmSKmzO.jpgPhóng to
Giải nhất: Leo
VUFOPPud.jpgPhóng to
Giải nhì: Nguyễn Quang Phan
tn2vP2ib.jpgPhóng to
Giải ba: Dad
Đây là tờ báo duy nhất tập hợp được một đội ngũ đông đảo họa sĩ biếm họa giỏi khắp Bắc, Trung, Nam và họ đều tâm huyết vui buồn cùng báo. Độc đáo hơn, báo còn thành lập cả một câu lạc bộ họa sĩ biếm.

Cái “chất biếm Sài Gòn - Nam bộ” của các họa sĩ được thể hiện ngay từ cái tên, nào Nhím, Nop, Nhốp, DAD, Satế, B.Bu, Mit, Tèo, Dùi, LAP... rồi Viiip, Nghóe, Cận... Tranh biếm họa của họ cũng vậy: bình dân, dễ xem, trào lộng, không quá hàn lâm, quá “nặng” làm người xem phải nhức đầu suy nghĩ nhưng vẫn... khá cay, cái chất cay Satế mà họa sĩ biếm họa Nguyễn Văn Thưởng lấy làm bút danh của mình!

Tuổi Trẻ Cười cũng là tờ báo đầu tiên sử dụng rất thành công chân dung biếm dành cho các tác giả, các nhân vật... của báo. Ví dụ, nhờ chân dung biếm của các họa sĩ này vẽ mà các nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Mạc Can, Nguyễn Ngọc Tư, Vương Trí Nhàn, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân... góc cạnh hơn, hấp dẫn hơn, sung hơn!

Đề tài mà biếm họa của Tuổi Trẻ Cười “động đến” là vô hạn, kể cả các đề tài gai góc: Nặng như đổi mới, chống tham nhũng, quan liêu... Nóng như bất động sản, giao thông, y tế... Tà tà như thói hư tật xấu ở dân ta với liều lượng biếm “vượt đầu gối” trở lên nhưng vừa phải... để khỏi bị người ta hỏi thăm!

Quan trọng là tranh biếm họa của Tuổi Trẻ Cười được người dân đón nhận, tâm đắc. Tôi nhớ lần vô Sài Gòn cuối năm 2010 đi xe ôm từ trung tâm thành phố về quận Bình Thạnh thăm chị Loan, vợ của họa sĩ Chóe, lấy thêm tư liệu để giới thiệu Chóe cho cuốn Biếm họa VN. Trên đường đi tôi khen lần vô Sài Gòn này ít “lô cốt” hơn nên đi có nhanh hơn, ai ngờ anh xe ôm liền nói: “Có nhiều “lô cốt” mới vui chứ anh, như cái tranh Welcome to Hochiminh City của anh họa sĩ nào đó ở trên báo Tuổi Trẻ Cười đó”. Trời ơi, đây chính là cái mà người ta gọi là biếm họa đi vào cuộc sống! Tôi thích quá. Anh xe ôm này nhớ và nói chuyện vui vẻ với khách đi xe ôm về một cái tranh biếm họa. Thú vị vì anh xe ôm đó không biết tôi là một họa sĩ biếm họa, anh nói chuyện tranh biếm họa với một khách đi xe ôm. Còn cái tranh anh ấy nói tới là tranh của họa sĩ LAP mà tôi thích và lúc đó tôi đang biên tập tranh này để giới thiệu trong quyển Biếm họa VN sau đó đã in đầu năm 2011.

Ngoài tranh biếm thời sự hoặc tranh biếm họa phi thời gian, báo còn có tranh biếm họa nhiều kỳ, nổi bật là Linda Kiều của họa sĩ Nguyễn Tài ra đời gần 15 năm nay ngày càng đẹp, càng trẻ ra và cuốn hút. Còn nhân vật Hai Cù Nèo thì khỏi chê, cực phong độ, 30 năm nay dung nhan rất biếm không thay đổi.

Một đóng góp quan trọng của Tuổi Trẻ Cười cho biếm họa Việt Nam là truyền cảm hứng, ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ yêu thích biếm họa, là bệ phóng giúp không ít người trong số đó trở thành họa sĩ biếm họa có uy tín của VN hiện nay như Satế, DAD, LAP, LEO...

Tuổi Trẻ Cười với 30 năm hiện diện và phát triển đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của biếm họa VN. Cá nhân tôi rất mong Tuổi Trẻ Cười với ưu thế của mình sắp tới có thể tạo nên một nhân vật biếm họa tiêu biểu dạng Lý Toét, Xã Xệ trước đây chống lại cái ác, cái chưa hoàn thiện vì một xã hội tốt đẹp hơn. Vâng, bản chất của châm biếm chính là xây dựng.

Tuổi Trẻ Cười và biếm họa

Tuổi Trẻ Cười (TTC) ra đời vào tháng 1-1984, đã xem tranh châm biếm như là một thể loại báo chí quan trọng để đấu tranh với cái xấu. Với đặc trưng thể loại của một tờ báo châm biếm và trào phúng, TTC đã sử dụng và phát huy tối đa tranh biếm và trào phúng trong từng số báo một.

Hiện nay, theo số lượng thống kê đã có 120 họa sĩ biếm chuyên nghiệp và nghiệp dư cộng tác, đăng tranh trên TTC. Họ đến từ những cuộc thi hằng năm tổ chức trên báo TTC cho những người yêu thích tranh biếm. Câu lạc bộ họa sĩ biếm cũng được thành lập, từ CLB này nhiều họa sĩ biếm đã được nhiều người biết đến, là lực lượng đóng góp tranh biếm không chỉ cho riêng tờ TTC. Trong những cuộc thi tranh biếm được tổ chức trong nước, họa sĩ biếm TTC thường đứng ở thứ hạng cao. Họa sĩ biếm báo TTC cũng chiếm nhiều thứ hạng trong các cuộc thi tranh biếm quốc tế tại Nhật Bản. TS Đặng Nguyễn Đoan Thục đã bảo vệ thành công luận án TS tại Pháp với đề tài “So sánh và đối chiếu tranh biếm trên báo TTC và tờ Con Vịt Buộc” - một tờ báo châm biếm, trào phúng nổi tiếng và lâu đời của Pháp.

Nhân dịp TTC kỷ niệm 30 năm có mặt cũng như đánh dấu sự đóng góp của lực lượng họa sĩ biếm, TTC tổ chức cuộc thi “30 năm cười cùng báo TTC”. Với 198 tranh dự thi của 43 họa sĩ biếm chuyên và không chuyên của cả nước, sáng 15-12 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM (218A Pasteur, Q.3), báo TTC đã trao giải cho ba họa sĩ: Leo - Lê Phương (giải nhất), Nguyễn Quang Phan (giải nhì), Dad (giải ba) và năm giải khuyến khích.

Triển lãm tranh kéo dài từ hôm nay đến hết ngày 21-12. Sau đó toàn bộ tranh biếm dự thi sẽ được triển lãm vào ngày hội 30 năm TTC được tổ chức ngày 4-1-2014.

TTC

LÝ TRỰC DŨNG (nhà phê bình hội họa)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên