13/03/2022 09:00 GMT+7

Bản ballade cho Ukraine

HIỀN TRANG
HIỀN TRANG

TTO - Ballade d’Ukraine được Liszt gọi là một bản dumka, trong ngôn ngữ Ukraine nghĩa là "suy tư", và bản nhạc này quả như những suy tư sầu bi của người trong một thứ tình yêu mới chớm đã mang dự cảm buồn.

Bản ballade cho Ukraine - Ảnh 1.

Joseph Cotten và Teresa Wright trong phim Shadow of a doubt (1943) - Ảnh: IMDb

"Tất cả mọi niềm vui của tôi đều đến từ nàng và tất cả mọi đau thương của tôi đều tìm đến nàng ủi an" - nhà soạn nhạc vĩ đại người Hungary, Franz Liszt, viết về công nương Carolyne zu Sayn-Wittgenstein, người bạn tri kỷ của ông trong suốt 40 năm cuối đời.

Họ gặp nhau lần đầu ở Kiev, khi Liszt tới thành phố này biểu diễn, và phải lòng nhau ngay lập tức dù khi ấy Carolyne đã có chồng.

Với mối tình lãng mạn cùng Carolyne, Liszt đi lên đỉnh cao sáng tác: 12 bản thơ giao hưởng ông đề tặng nàng, bản Liebestraum đắm say tới mức "thiên đàng mở cổng" cùng là về giấc mơ tình yêu với nàng.

Và trong vô số tác phẩm thời kỳ này, có một bản nhạc ông đã viết về nơi họ lần đầu gặp gỡ: bản Ballade d’Ukraine, nằm trong chùm 3 tác phẩm viết cho Woronince - ngày nay thuộc phía tây nam Ukraine, nơi Carolyne từng sống.

Ballade d’Ukraine

Ballade d’Ukraine được Liszt gọi là một bản dumka, trong ngôn ngữ Ukraine nghĩa là "suy tư", và bản nhạc này quả như những suy tư sầu bi của người trong một thứ tình yêu mới chớm đã mang dự cảm buồn.

Cũng như bản dumka khác Liszt đã viết khi tình cờ nghe bài hát của một cô gái mù trên đường phố Kiev, Ballade d’Ukraine sinh ra từ những điệu nhạc dân gian, và ta có thể mường tượng người nghệ sĩ say tình trong một chiều rảo bước đã chợt thấy vọng lại tiếng những nông dân ngân nga sau ngày vất vả.

Nó chạm tới tim ông, biến tình yêu với một người cụ thể thành tình yêu với điều gì bao la hơn như cả xứ sở đẹp buồn.

Bản ballade cho Ukraine - Ảnh 3.

Nhà soạn nhạc Dimitri Tiomkin (1894 - 1979) - Ảnh: IMDb

Mỗi nhà soạn nhạc cổ điển lớn trong những bước đường phiêu lãng dường như đều ít nhiều ấp ủ một giai điệu Ukraine trong mình. 

Từ buổi bình minh của chủ nghĩa lãng mạn, Beethoven để làm vui lòng Bá tước Razumovsky, con trai một thủ lĩnh Cossack ở Ukraine, đã đưa vào ba bản tứ tấu opus 59 của mình phần nhạc chủ đề "Nga".

Đến thời đỉnh cao của Lãng mạn, ta có câu chuyện Tchaikovksy nhân khi lang thang qua khu chợ ở Kamianka gần Kiev, nghe được một nghệ sĩ mù tấu khúc du ca, liền đưa nó vào chương đầu bản Piano Concerto số 1 - bản nhạc mà ngày nay vận động viên Nga vẫn dùng thay cho quốc ca nước mình khi thi đấu tại Olympic.

Một trong những nhạc phẩm thính phòng tuyệt vời nhất của nhà soạn nhạc người Séc Antonín Dvorˇák thời hậu kỳ Lãng mạn là Dumky Trio, khúc tam tấu dựa trên dumka, nhạc phẩm mà tác giả mô tả là "vừa hạnh phúc vừa rầu rĩ, có chỗ nghe như bài ca đa sầu, có chỗ nghe như điệu nhảy vui tươi".

Đến Béla Bartók, nhà soạn nhạc Hungary đại diện cho trường phái hiện đại chủ trương sự nghịch nhĩ, cũng tin rằng những bản concerto đầu tiên của mình tuy nói là dựa trên nhịp điệu của khúc ca vũ Hungary nhưng thực chất bắt nguồn từ điệu kolomyika trong những lễ hội nơi miền xa xôi xứ Ukraine thuở trước.

Khi lắng đọng tới trào nước mắt, khi rộn ràng ôm chầm lấy cuộc đời, khi chậm rãi thiết tha như muốn ngừng bặt thời gian, khi hào sảng đón nhận nỗi đau tình ái, ấn tượng của riêng mỗi nhà soạn nhạc hòa quyện lại tạo nên giai điệu hoàn chỉnh về một tâm hồn Ukraine bảng lảng giấc mơ yêu bằng tất cả tấm lòng chất phác.

Ukraine dù chưa bao giờ được coi là một trung tâm âm nhạc nhưng đó là nơi nhiều trái tim âm nhạc vĩ đại đã đi qua, gửi gắm điều gì khó quên.

Và để khép lại bài viết này, có lẽ nên quay về với một nhà soạn nhạc đến từ Ukraine. 

Có thể bạn chưa từng nghe tên ông, Dimitri Tiomkin, nhưng nhiều khả năng bạn từng nghe đến hoặc xem những bộ phim kinh điển ông làm soạn giả âm nhạc, như Shadow of a doubt và Stranger on a train của quái kiệt Alfred Hitchcock, như It’s a wonderful life của huyền thoại Frank Capra, trong đó có những câu ca: "Cuộc sống thật tuyệt vời, không một vẩn mây trên trời, chàng Cupid nháy mắt, và em bước qua tôi".

Hay như High noon của đạo diễn Fred Zinnemann - bộ phim nằm trong danh sách 100 phim hay nhất lịch sử điện ảnh Hoa Kỳ.

The ballad of high noon, bản nhạc chủ đề do Tiomkin sáng tác nhận được giải Oscar năm 1952, có câu rằng: "Xin em đừng rời bỏ anh, xin hãy đợi. Anh không biết số phận nào đang chờ mình, anh chỉ biết anh phải can đảm thôi". Một câu hát như vậy bỗng nhiên dội về từ quá khứ, khiến ta thổn thức đến tận hôm nay.

Lá thư âm nhạc: Từ tiếng nói ngọt ngào nhất đến Latin pop Lá thư âm nhạc: Từ tiếng nói ngọt ngào nhất đến Latin pop

TTO - 1. Một chiều tháng 3-1996, khi đang đánh giày ở Havana, Ibrahim Ferrer được rủ đi ghi âm một album.

HIỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên