25/12/2014 07:43 GMT+7

Bản án sơ thẩm sai sót nghiêm trọng

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận định bản án sơ thẩm sai sót nghiêm trọng, kiến nghị tòa hủy, sửa một phần để điều tra xét xử lại

* Kiến nghị khởi tố bị can đối với hai phó giám đốc VietinBank chi nhánh TP.HCM

Huỳnh Thị Huyền Như và ông Nguyễn Thế Thành, phó viện trưởng Viện phúc thẩm 3 Viện KSND tối cao, tại phiên tòa phúc thẩm vụ án Huyền Như - Ảnh: Thuận Thắng
Do buông lỏng quản lý tài chính trong kiểm soát các giao dịch và kiểm soát các chứng từ không chặt chẽ nên VietinBank đã không phát hiện việc Như lập các lệnh chi giả của khách hàng để chiếm đoạt tiền
Đại diện viện kiểm sát nhận định

Ngày 24-12, phát biểu quan điểm trong phiên xét xử phúc thẩm Huỳnh Thị Huyền Như, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận định bản án sơ thẩm sai sót nghiêm trọng và kiến nghị tòa hủy, sửa một phần để điều tra xét xử lại Huyền Như theo tội danh tham ô tài sản.

Viện KSND tối cao cho rằng là người có trách nhiệm và quyền hạn của Ngân hàng VietinBank, Huyền Như đã chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng của VietinBank mà trước đó bản án sơ thẩm xác định số tiền này do Huyền Như lừa đảo của các doanh nghiệp.

Chiếm đoạt “tiền gửi hợp pháp đã vào VietinBank”

Viện kiểm sát cho rằng Công ty Phương Đông là khách hàng của VietinBank từ trước, mở tài khoản tiền gửi từ năm 2011. Việc mở và sử dụng các tài khoản tiền gửi của Phương Đông tại VietinBank có sự phê duyệt và đồng ý của VietinBank chi nhánh TP.HCM, đây là tài khoản thật và hợp lệ.

Từ năm 2011, nhằm thực hiện chỉ tiêu kế hoạch huy động vốn tín dụng của VietinBank chi nhánh TP.HCM, phòng giao dịch Điện Biên Phủ đã làm tờ trình, đề xuất huy động tiền gửi của Phương Đông, sau đó VietinBank đã làm bốn công văn khẳng định Phương Đông là khách hàng truyền thống và được tổng giám đốc VietinBank chấp nhận chủ trương nhận tiền gửi của Phương Đông với số tiền 1.080 tỉ đồng.

Sau đó VietinBank đã ký 20 hợp đồng gửi tiền hợp đồng có thời hạn với Phương Đông. Phương Đông đã gửi tiền vào tài khoản tại VietinBank, thực hiện bằng bảy “lệnh chuyển có” với số tiền 1.190 tỉ đồng và được theo dõi, hệ thống đầy đủ trong VietinBank.

Sau đó, hai bên đã tất toán 810 tỉ đồng. Số tiền 380 tỉ đồng còn lại Như đã sử dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt bằng cách làm giả chữ ký và chuyển toàn bộ số tiền bằng lệnh chi điện tử. Để đối phó với đoàn kiểm tra, Như hợp pháp hóa việc chuyển tiền đã ký thành bảy lệnh chi khống do Vũ Hồng Hạnh (giám đốc Phương Đông) ký.

Tương tự, các khách hàng khác là Công ty Hưng Yên, An Lộc, SBBS, Hoàn Cầu đều là khách hàng cũ của VietinBank và đều được Huyền Như huy động vốn để nhận tiền gửi, các hình thức huy động, mở tài khoản và gửi tiền đều được thực hiện giống như đối với Phương Đông.

Theo đại diện viện kiểm sát, toàn bộ số tiền của năm công ty này là 1.085 tỉ đồng đã được các công ty mở và gửi vào tài khoản hợp lệ, hợp pháp tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ, tiền này cũng đã vào đến hệ thống của VietinBank và được thống kê kế toán của VietinBank.

Viện kiểm sát nhận định đây là quan hệ gửi giữ tài sản, đúng với bản chất của giao dịch tiền gửi và bản chất của hoạt động giữa ngân hàng và khách hàng, trong đó khách hàng là người gửi tiền, VietinBank là người giữ tiền và quan hệ này đã được pháp luật quy định rất rõ. Hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi cho thấy Như chỉ chiếm đoạt sau khi tiền gửi hợp pháp đã vào VietinBank.

Khách hàng gửi tiền “không có lỗi”

Viện kiểm sát cho rằng khách hàng không có lỗi trong việc gửi tiền, theo quy định của pháp luật, khách hàng không có trách nhiệm quản lý tài khoản, nghĩa vụ quản lý này là của VietinBank. Huyền Như đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền, việc này là lỗi quản lý của VietinBank.

Bởi theo quy định của khoản 2, điều 12 quyết định 1248 của Ngân hàng Nhà nước thì ngân hàng có trách nhiệm “kiểm soát các lệnh thanh toán của khách hàng, đảm bảo lập đúng thủ tục quy định, hợp pháp, hợp lệ và khớp đúng với các yếu tố đã đăng ký”.

“Nhưng do buông lỏng quản lý tài chính trong kiểm soát các giao dịch và kiểm soát các chứng từ không chặt chẽ nên VietinBank đã không phát hiện việc Như lập các lệnh chi giả của khách hàng để chiếm đoạt tiền” - đại diện viện kiểm sát nhận định.

Theo đó, Huyền Như là người có chức vụ quyền hạn tại VietinBank, là kiểm soát viên, chịu trách nhiệm thanh toán, hạch toán vào tài khoản thích hợp, yêu cầu cấp mã khóa bảo mật, tuy nhiên Như đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt toàn bộ số tiền với mỗi lệnh chi không vượt qua 50 tỉ đồng.

Hành vi gian dối của Như, giả chữ ký, con dấu đều được thực hiện trong phạm vi quyền hạn của Như. Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn chỉ được thực hiện sau khi tiền đã vào tài khoản và được VietinBank theo dõi đầy đủ.

VietinBank là doanh nghiệp cổ phần có vốn góp nhà nước. Bởi vậy, hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng từ tiền gửi thanh toán của các công ty nêu trên, theo viện kiểm sát, là hành vi tham ô tài sản.

Viện kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử tuyên buộc VietinBank phải có trách nhiệm trả tiền cho các khách hàng khi đánh mất tiền của họ, và tư cách tố tụng của năm công ty này chỉ là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, VietinBank mới là nguyên đơn dân sự của hành vi tham ô của Huyền Như.

“Bản án sơ thẩm làm sai tội danh, sai tư cách tố tụng của năm đơn vị, làm thiệt hại quyền và lợi ích của họ” - đại diện viện kiểm sát nhận định tại phiên xử.

Viện kiểm sát kiến nghị điều tra, xét xử lại Huyền Như về tội tham ô tài sản - Ảnh: T.T.D.

ACB, NaviBank “phải chịu trách nhiệm”

Cùng gửi tiền vào VietinBank giống năm công ty, cùng bị chiếm đoạt, nhưng hai ngân hàng ACB và NaviBank đã bị viện kiểm sát đề nghị bác toàn bộ kháng cáo liên quan đến việc xác định tư cách tham gia tố tụng, về trách nhiệm dân sự trong vụ án. Viện kiểm sát cho rằng hai ngân hàng này đã tự đặt mình vào tình trạng pháp lý để pháp luật không thể bảo vệ.

Theo đó, viện kiểm sát cho rằng ACB là một ngân hàng thương mại, biết rất rõ những quy định về hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng và hoàn toàn có khả năng kiểm tra nguồn tiền phi pháp dù đã được gửi vào VietinBank.

Tuy nhiên, những người được giao nhiệm vụ theo dõi hoàn toàn vì động cơ, mục đích cá nhân không quan tâm đến diễn biến của số tiền trong tài khoản.

“Việc mất tiền của ACB xuất phát từ lỗi của lãnh đạo ACB và Huỳnh Thị Bảo Ngọc và lỗi của nhân viên ACB tạo điều kiện thuận lợi cho Huyền Như chiếm đoạt. Chính ACB đã giao dịch trái pháp luật nên không được pháp luật bảo vệ, và vì lý do đó ACB phải chịu trách nhiệm về việc bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 718 tỉ đồng”.

Về việc bác kháng cáo của NaviBank, đại diện viện kiểm sát cho rằng cũng giống ACB, NaviBank đã có hành vi trái pháp luật là gửi tiền vào VietinBank để hưởng lãi suất chênh lệch bằng cách lập các hợp đồng tín dụng giả tạo để lách luật cho vay.

NaviBank cũng biết rõ và hoàn toàn có thể theo dõi các khoản tiền nhưng vì động cơ và mục đích cá nhân nên đã không quan tâm, những người có trách nhiệm tại NaviBank đã bỏ mặc các hợp đồng và nhận tiền lãi từ nhân viên của Huyền Như giao, không có bằng chứng nào cho thấy tiền này là do VietinBank trả.

Do đó, xuất phát từ lỗi của NaviBank và các nhân viên đã khiến NaviBank tự đặt mình vào tình trạng pháp lý khiến pháp luật không thể bảo vệ. Vì vậy, NaviBank phải chịu trách nhiệm của hậu quả xảy ra.

Trong phần tranh luận lại với đề nghị của viện kiểm sát, luật sư Lưu Văn Tám, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ACB, cho rằng cùng “việc gửi 718 tỉ đồng từ ACB vào VietinBank so với năm công ty kia giống về hình thức, giống về nội dung, giống về bản chất vấn đề”, bởi vậy luật sư Tám đề nghị hủy phần dân sự liên quan đến ACB để không ảnh hưởng đến quyền lợi của ACB.

Kiến nghị khởi tố bị can đối với hai phó giám đốc VietinBank chi nhánh TP.HCM

* Xem xét trách nhiệm của nguyên giám đốc VietinBank chi nhánh TP.HCM

Trong phần phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện viện kiểm sát cho rằng một sai sót ở bản án sơ thẩm cần phải khắc phục, đó là không thu hồi đầy đủ số tiền là vật chứng vụ án đã bị Huyền Như chiếm đoạt để trả lại cho các bị hại. 

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thị Lành, phạm tội cho vay lãi nặng, đã cho Như vay hơn 7.841 tỉ đồng, thu lời bất chính 1.186 tỉ đồng, nhưng bản án sơ thẩm chỉ tuyên thu hồi 150 tỉ đồng mà không phân tích tại sao.

Qua kết quả xét hỏi tại phiên tòa, số tiền thu lời bất chính của Lành trong kết luận điều tra và cáo trạng là chính xác. Bởi vậy Lành còn phải nộp 1.036 tỉ đồng, bị cáo Phạm Văn Chí còn 5,3 tỉ đồng.

Viện kiểm sát nhận định: “Đây là sai phạm nghiêm trọng của bản án sơ thẩm, về xử lý vật chứng cần được khắc phục ở cấp phúc thẩm. Riêng bị cáo Nguyễn Thiên Lý bị tuyên thu hồi ít hơn số tiền cáo trạng xác định, tuy nhiên bị cáo Lý có kháng cáo nên xem xét dưới góc độ kháng cáo”.

Đại diện viện kiểm sát cũng đề nghị:

* Bác kháng cáo của Huyền Như và kiến nghị của bà Nguyễn Thị Lang (mẹ Huyền Như) đối với biệt thự trị giá 43 tỉ đồng ở Hội An. Viện kiểm sát cho rằng biệt thự này được Huyền Như vay tiền mua, rồi để mẹ đứng tên mà bà Lang không hề biết. Bởi vậy cần phải được tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án.

* Hủy một phần bản án sơ thẩm đã xét xử Huyền Như và đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của năm doanh nghiệp.

* Sửa bản án sơ thẩm theo hướng kiến nghị Bộ Công an khởi tố bị can đối với ông Trương Minh Hoàng và Nguyễn Thị Minh Hương (phó giám đốc VietinBank TP.HCM) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời đề nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an xem xét trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Sẽ - nguyên giám đốc VietinBank chi nhánh TP.HCM.

Trước đó, vào ngày khai mạc phiên tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi cho các nguyên đơn dân sự, bị hại đã có kiến nghị tòa triệu tập ông Nguyễn Văn Sẽ đến tòa để đảm bảo việc xét xử với tư cách nhân chứng, hội đồng xét xử hứa sẽ áp dụng pháp luật để triệu tập ông Sẽ.

Tuy nhiên khi phần xét hỏi diễn ra, các luật sư yêu cầu được hỏi ông Sẽ thì hội đồng xét xử cho biết tòa đã gửi giấy triệu tập nhưng hiện gia đình ông Sẽ không còn ở nơi cư trú.

* Kiến nghị cơ quan điều tra, nếu vụ án này có tội tham ô tài sản thì điều tra rõ những sai phạm trong quản lý tài chính, tiền tệ, trong công tác kiểm tra nội bộ của VietinBank, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân VietinBank để xử lý theo quy định của pháp luật.

* Khắc phục những thiếu sót nghiêm trọng của bản án sơ thẩm liên quan đến việc xác định địa chỉ và tư cách tham gia tố tụng, tài sản kê biên... để đảm bảo việc thi hành án khi bản án phúc thẩm có hiệu lực...

 

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên