07/11/2015 11:12 GMT+7

Băm chặt rừng Tây nguyên

TRUNG TÂN (trungtan@tuoitre.com.vn)
TRUNG TÂN (trungtan@tuoitre.com.vn)

TT - Theo kết quả kiểm kê rừng của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), trong bảy năm (từ năm 2008-2014) diện tích rừng tự nhiên tại Tây nguyên mất hơn 358.700ha, tương đương mỗi năm mất hơn 51.200ha rừng.

Lực lượng kiểm lâm phát hiện những bãi gỗ lớn trong rừng. Trong ảnh: những cây gỗ quý trên đỉnh núi của rừng Nam Sa Thầy (Kon Tum) bị chặt hạ - Ảnh: Thái Bá Dũng

Trong khi đó, với gần 16.000ha rừng phải trồng thay thế tại 240 dự án, đến nay toàn vùng chỉ mới trồng được 1.007ha.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, độ che phủ rừng toàn vùng Tây nguyên đã sút giảm trong 10 năm qua, xuống còn 45,8% (bao gồm cả diện tích cây cao su trên đất lâm nghiệp, còn độ che phủ rừng thực tế chỉ đạt 32,4%)...

Tan nát rừng xanh

Ngày 23-10, người dân báo tin có một xe tải đang chở gỗ vừa đốn hạ trong khu du lịch sinh thái Bản Đôn (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) ra khỏi cửa rừng. Cơ quan chức năng huyện Buôn Đôn đã chốt chặn, bắt giữ tang vật đưa về hạt kiểm lâm xử lý. Người đốn hạ vận chuyển cây gỗ này là một sĩ quan quân đội thuê xe dân sự vào đưa gỗ ra ngoài.

Đây không phải là sự việc cá biệt.

Nạn phá rừng cũng liên tục xảy ra tại Vườn quốc gia Yok Đôn (Buôn Đôn) từ đầu năm 2015 đến nay. Theo một lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, chín tháng đầu năm 2015 Vườn quốc gia Yok Đôn đã có gần 600 cây gỗ quý các loại bị đốn hạ (với khoảng 300m3 gỗ).

Rừng bị phá nhiều nhất tại các khu vực giáp ranh giữa vườn - sông Srêpôk - các buôn liền kề nhưng chưa được kiểm soát. Ngoài ra việc vận chuyển lâm sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt những đường vận chuyển ngoài địa phận vườn vẫn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn.

Ông Nguyễn Hữu Thiện - phó cục trưởng Cục Kiểm lâm (nguyên giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn) - thông tin từ năm 2013 đến nay Nhà nước có chủ trương cho phép trục vớt gỗ trôi dạt theo suối Đắk Đam (trong Vườn quốc gia Yok Đôn), thuộc khu vực vành đai biên giới do đồn biên phòng 747 quản lý.

“Tuy nhiên có biểu hiện lợi dụng việc trục vớt gỗ để hợp thức hóa gỗ khai thác và vận chuyển ra ngoài” - ông Thiện cảnh báo.

Ông Y Đ’hăm ÊNuôl - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk - thẳng thắn: chủ trương cho trục vớt gỗ trôi dạt là “bùa” để đầu nậu, lâm tặc hợp thức hóa gỗ khai thác trái phép tại khu vực này đưa ra ngoài tiêu thụ.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, trong chín tháng đầu năm 2015, tỉnh đã tổ chức 26 đợt kiểm tra tại các điểm nóng phá rừng như Ea H’Leo, Cư M’Gar, Ea Súp, M’Đrắk... và tịch thu hơn 500m3 gỗ các loại.

Tính đến hết tháng 10-2015, toàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra 1.559 vụ vi phạm lâm luật, thu 2.680m3 gỗ các loại.

Rừng bị xâm phạm và tàn phá dữ dội như vậy nhưng những vụ chặt phá quy mô với mức độ khốc liệt nhất phải kể đến chính là các dự án khoanh nuôi, bảo vệ và cải tạo trồng rừng, trồng cao su.

Theo Ban chỉ đạo Tây nguyên, toàn vùng có 801 dự án trồng, cải tạo, chuyển đổi trồng cao su với diện tích 226.000ha. Lâm Đồng là tỉnh có số dự án lớn nhất với 510 dự án, diện tích hơn 96.500ha.

Kế đến là Đắk Lắk có 105 dự án với diện tích khoảng 44.500ha. Tỉnh Đắk Nông cũng có 36 dự án với hơn 10.500ha...

Gỗ quý tại rừng Nam Sa Thầy (Kon Tum) bị lâm tặc đốn hạ chờ đưa đi tiêu thụ  - Ảnh: Bá Dũng

Dự án đến đâu, rừng tàn đến đó

Rừng Tây nguyên bị phá hoại nhiều nhất là từ các dự án khoanh nuôi, bảo vệ và cải tạo trồng rừng, trồng cao su. Có nơi sau khi được giao dự án trồng rừng, doanh nghiệp tự ý cắt rừng sang nhượng cho người khác hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Cụ thể, mới đây Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Phúc Nguyên (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) vì đã tự ý trồng 150ha cao su trên diện tích được quy hoạch trồng rừng nguyên liệu.

Tương tự, Công ty TNHH thương mại và sản xuất Lộc Phát (huyện Ea H’Leo) cũng bị Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đắk Lắk xử phạt vì đã trồng 48ha cà phê trong dự án trồng rừng mà doanh nghiệp này được giao.

Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp còn tự ý bao chiếm, sử dụng đất rừng trái hoàn toàn với mục đích ban đầu. Ví như Công ty TNHH Anh Quốc (Ea Súp) xây dựng trái phép năm lò đốt than tại dự án mà doanh nghiệp này được giao để trồng cao su và quản lý bảo vệ.

Trong khi đó, diện tích trồng cao su của doanh nghiệp này thì còi cọc, chết phần lớn, khu vực rừng phải bảo vệ, khoanh nuôi liên tục bị xâm hại...

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh có trên 26.400ha rừng, đất rừng bị người dân (chủ yếu là dân di cư ngoài kế hoạch) xâm hại, sử dụng trái phép. Tuy nhiên, năm 2014 và 10 tháng đầu năm 2015 toàn tỉnh mới thu hồi được 827ha.

Tương tự, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Đắk Nông đã giao 41 dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn cho các doanh nghiệp với tổng diện tích rừng hơn 31.600ha, trong đó có hơn 14.300ha rừng tự nhiên phải quản lý, bảo vệ.

Đến nay có gần 4.800ha rừng tự nhiên bị tàn phá, gần 8.300ha rừng và đất rừng bị người dân lấn chiếm, xâm canh.

Trong năm 2014, Thanh tra Chính phủ cũng đã có kết luận nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2004-2011 vì có “biểu hiện sự buông lỏng quản lý trong thời gian dài, có nhiều sai phạm khuyết điểm”.

Cụ thể, công tác quản lý của các công ty lâm nghiệp bị buông lỏng, diện tích rừng và đất rừng được giao không cân xứng với năng lực thực tế nên không bảo toàn được tài nguyên rừng, đất đai.

UBND tỉnh đã cho thuê đất, giao đất, giao rừng cho các doanh nghiệp hạn chế về năng lực tài chính và kỹ thuật, kinh nghiệm trồng cao su, trồng rừng...

NGUYÊN NHÂN

DIỆN TÍCH (ha)

TỈ LỆ (%)

Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (trồng cao su, cây công nghiệp, ăn quả...)

94.814

26,4

Phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy...

88.603

24,6

Sai số trong công tác điều tra rừng năm 2008

so với năm 2014

134.902

37,6

Chuyển đổi sử dụng rừng sang làm thủy điện,

hạ tầng giao thông, công trình công cộng...

33.706

9,39

Nguyên nhân khác: sạt lở, cháy rừng, suy giảm rừng...

6.770

2,01

“Xe gỗ chạy ào ào là cớ làm sao?”

Trong một cuộc họp với Tổng cục Lâm nghiệp mới đây, ông Y Đ’hăm ÊNuôl - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk - cho rằng việc mất rừng tại địa phương là do sự “buông lỏng quản lý”.

Ông Y Đ'hăm ÊNuôl nghi ngờ: “Cây gỗ chứ đâu phải cây kim sợi chỉ mà dễ giấu, dễ lọt? Để đưa gỗ từ trong rừng ra phải đi qua nhiều trạm kiểm lâm, đồn biên phòng, vậy mà xe gỗ vẫn ào ào là cớ làm sao? Gần đây, Bộ Công an vây bắt một xưởng gỗ chứa hàng ngàn khối gỗ quý ngay tại TP Buôn Ma Thuột mà địa phương cũng... mù tịt” (!).

Cũng trong cuộc họp với Tổng cục Lâm nghiệp vào tháng 9-2015, ông Đỗ Quang Tùng, giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn - giãi bày: theo quy định thì trong khuôn viên vườn nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác lâm sản phụ, chăn nuôi gia súc và canh tác.

Tuy nhiên có khoảng 1.000 con trâu, bò được chăn thả trong vườn, mỗi ngày có khoảng 500 người ra vào rừng, trong vùng lõi còn có buôn Đrăng Phốk với hàng trăm hộ sinh sống.

“Điều này tạo điều kiện cho những người khai thác gỗ, lâm tặc, đầu nậu trà trộn để ra vào rừng khai thác, vận chuyển gỗ ra ngoài khiến tình hình khu vực này vô cùng phức tạp” - ông Tùng thông tin.

Một lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây nguyên cho rằng việc suy giảm diện tích rừng tại Tây nguyên là do việc tổ chức triển khai các dự án khoanh nuôi, cải tạo, trồng rừng, cao su chưa đảm bảo đúng quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, trình tự thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp.

Thậm chí còn xảy ra tình trạng có nơi “lách luật”, chia nhỏ dự án (dưới 1.000ha) trong vùng chuyển đổi hàng ngàn hecta để không phải lập thủ tục trình các cấp có thẩm quyền. Có địa phương còn giao cho doanh nghiệp tự khảo sát, lập dự án chuyển đổi, tạo kẽ hở trong quản lý.

“Một số doanh nghiệp lại không có năng lực tài chính, thiếu lao động tham gia dự án, thiếu trách nhiệm trong bảo vệ rừng để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng trái pháp luật nhưng không ngăn chặn, có nơi còn làm ngơ. Cá biệt có doanh nghiệp được giao dự án còn tự ý “cắt đất” bán lại để lấy tiền” - vị này phân tích.

Phải xử lý “đầu nậu” gỗ, phạt doanh nghiệp làm mất rừng

Về giải pháp hạn chế nạn phá rừng, ông Y Đ’hăm ÊNuôl cho rằng lực lượng kiểm lâm, công an phải lên được danh sách những đầu nậu để tuyên truyền, vận động hoặc bằng các biện pháp mạnh để ngăn chặn từ ban đầu. Gỗ đã chở ra đến đường rồi mới bắt thì rừng đã tan hoang rồi.

“Phải gắn trách nhiệm kiểm lâm địa bàn với rừng, nếu để xảy ra những vụ phá, vận chuyển gỗ lớn phải kiểm điểm, kỷ luật. “Không thể đổ qua đổ lại cho nguyên nhân khách quan, chủ quan gì nữa” - ông Y Đ'hăm ÊNuôl nói.

Ông Nguyễn Bá Ngãi - phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - cho rằng để công tác bảo vệ rừng đạt hiệu quả thì giữa lực lượng kiểm lâm và bộ đội biên phòng, công an địa phương cần phối hợp chặt chẽ.

“Cán bộ kiểm lâm cùng bộ đội biên phòng về các bản làng, đi tuần tra dọc biên giới cùng bộ đội biên phòng để nắm bắt tình hình và đưa ra giải pháp thì hiệu quả bảo vệ rừng mới đạt kết quả cao” - ông Ngãi đề nghị.

Một lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây nguyên cho rằng để chấm dứt giao dự án tràn lan và bị lấn chiếm thì trung ương phải kiểm soát mạnh tay nạn “chia nhỏ” dự án (dưới 1.000ha) để dễ giao cho doanh nghiệp, kiên quyết thu hồi các dự án không hiệu quả, bị lấn chiếm.

Bên cạnh đó phải có biện pháp yêu cầu trồng bù rừng ở các dự án phải trồng rừng thay thế, “bắt đền” những doanh nghiệp làm mất rừng...

“Trong một số chuyến bay khảo sát hiện trạng rừng gần đây, chúng tôi quan sát một số khu vực rừng đã bị cạo trọc từ trong vùng lõi để làm nương rẫy. Có những nơi, đoàn công tác còn thấy những bãi gỗ đã khai thác để chất đống giữa rừng.

Với tình trạng phá rừng thì nhanh mà “vá” rừng lại chậm như hiện nay thì tình hình sắp tới sẽ ngày càng trở nên phức tạp” - vị này nhận định.

TRUNG TÂN (trungtan@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên