28/10/2007 07:38 GMT+7

Bài tango mang tên Kirchner

NGUYỄN QUÂN
NGUYỄN QUÂN

TT - Họ có lẽ là cặp đôi đẹp nhất trong chính trường thế giới. Chồng, Nestor Kirchner là đương kim tổng thống Argentina; vợ, Cristina Fernandez de Kirchner, sắp trở thành nữ tổng thống dân cử đầu tiên.

IDnRJoIo.jpgPhóng to
Tổng thống Kirchner sẽ “nhường ngôi” cho vợ. Ảnh: Reuters
TT - Họ có lẽ là cặp đôi đẹp nhất trong chính trường thế giới. Chồng, Nestor Kirchner là đương kim tổng thống Argentina; vợ, Cristina Fernandez de Kirchner, sắp trở thành nữ tổng thống dân cử đầu tiên.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Người ta thường so sánh Cristina với Hillary Clinton. Họ quả thật có những nét giống nhau. Là luật sư, là thượng nghị sĩ, có chồng là tổng thống. Bà đệ nhất phu nhân 54 tuổi của Argentina cũng từng nhìn nhận những nét giống nhau với Hillary. Nhưng chỉ thế thôi. Bà thậm chí nghĩ rằng con đường chính trị của bà sáng láng hơn nhiều.

Không có đối thủ

Theo kết quả thăm dò của tám cơ quan công bố vào ngày 26-10, bà Cristina không có đối thủ trong vòng bầu cử đầu tiên diễn ra hôm nay (28-10). Dẫu có thể bà không giành được tỉ lệ cần thiết ít nhất 45% phiếu bầu, nhưng bù lại bà rất nhiều khả năng đạt khoảng cách an toàn ít nhất 10% với đối thủ kế tiếp để đường hoàng giành chiến thắng ngay trong hôm nay.

Không ít kẻ cho rằng Cristina không có đối thủ bởi hưởng lợi từ thành quả của chồng. Trong bốn năm cầm quyền, từ tháng 5-2003, ông Kirchner đã vực dậy được nền kinh tế Argentina vốn mắc nợ đến cả trăm tỉ USD hai năm trước đó. Dưới trào Kirchner, kinh tế quốc gia Nam Mỹ này tăng trưởng đều đặn ở mức 8-9% và thậm chí đến đầu năm 2006 còn có đủ tiền trả nợ cho Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Quả thật từ khi bắt đầu vận động tranh cử vào đầu tháng 7-2007, bà Cristina vẫn khẳng định sẽ theo đuổi chính sách kinh tế và cải cách của chồng mình. Những người hiểu chuyện chính trường có thể chỉ trích lối vận động tranh cử mị dân của Cristina, khi không đề cập cụ thể đến các giải pháp cho một đất nước còn đến 1/4 dân số sống dưới ngưỡng nghèo khó. Nhưng người dân thường lại có suy nghĩ giản dị hơn. Một ủng hộ viên tên Floria Garcia lập luận: "Chồng bà ấy đã đưa đất nước này ra khỏi khủng hoảng nên tôi tin bà ta sẽ làm được tốt hơn nữa". Và thậm chí người ta còn vẽ ra viễn cảnh sau khi bà Cristina hoàn tất nhiệm kỳ bốn năm thì chồng bà sẽ trở lại và tiếp sau đó lại là bà... Như nhịp vũ tango.

Bộ đôi xuất sắc

Những người từng bắt tay viết tiểu sử về Cristina cũng tin vào điều đó. Cristina xuất thân từ một gia đình trung lưu có khuynh hướng chính trị. Mẹ là một nhà hoạt động công đoàn, còn cha là một chủ doanh nghiệp vận tải xe buýt. Cha mẹ bà có quan điểm chính trị khác nhau nên từ bé, Cristina đã được sống trong bầu không khí của những cuộc tranh luận.

Bước vào trường luật, bà sớm bộc lộ khuynh hướng theo nghiệp chính trị và cũng vì lẽ đó bà đã gặp Nestor Kirchner vào năm 1974 (cùng học trường luật) khi hai người tham gia Tổ chức đoàn thanh niên Péron. Hai con người trẻ tuổi đầy tham vọng này như là sự bổ khuyết cho nhau trong sự nghiệp, dù mỗi người phát triển theo con đường riêng của mình.

Đôi vợ chồng có hai con này từng sống bằng một văn phòng luật sư. Sau đó, Nestor trở thành thị trưởng Rio Gallegos rồi thành tỉnh trưởng, trong khi Cristina trở thành dân biểu cấp địa phương rồi cấp quốc gia. Trong chính trường, Cristina là một người đầy cá tính. Ở thượng viện, người ta gọi bà là "kẻ nổi loạn" khi bà lớn tiếng độp thẳng vào những vị bộ trưởng "tay nhúng chàm", bà đòi mạnh tay với tình trạng rửa tiền...

Vì lẽ đó, năm 2003, khi ông Nestor vận động tranh cử, các chuyên gia của ông khuyên bà nên lùi lại đôi chút để tránh "lấn át" hình ảnh của ông, bởi ở Buenos Aires người ta chỉ biết ứng viên Nestor Kirchner là "chồng của bà nghị Fernandez". Bà chấp nhận. Thậm chí lúc ông tuyên thệ nhậm chức, bà khiêm tốn theo dõi sự kiện qua truyền hình từ phòng họp của thượng viện.

Có thể nói hiện nay không chính trị gia nào đủ hình ảnh và kinh nghiệm lãnh đạo Argentina như Cristina. Từ khi ông trở thành tổng thống, bà đã trở thành một cố vấn thầm lặng xuất sắc. Alberto Fernandez, chánh văn phòng của ông Nestor, nhìn nhận: "Các ý kiến của bà Cristina luôn được lắng nghe. Trong bốn năm qua, hiếm có quyết định nào của ông Nestor mà bà không tham gia".

Công khai trên chính trường, Cristina luôn ý thức tạo ra hình ảnh một nữ chính trị gia độc lập và sắc sảo. Trong quá trình vận động tranh cử chẳng hạn, bà không đánh bóng bằng báo chí trong nước mà lại có những chuyến công du và trả lời phỏng vấn với báo chí thế giới. Đúng bốn ngày trước khi diễn ra bầu cử, bà mới chấp nhận có bài trả lời phỏng vấn đầu tiên và duy nhất với tờ nhật báo lớn nhất Argentina. Qua tờ Clarin, bà giải thích lý do "dị ứng" với giới truyền thông nước nhà: "(Trả lời phỏng vấn này kia) Để người ta nhìn tôi như một nữ chính trị gia suốt ngày ra rả trên truyền hình hoặc đài phát thanh à. Thôi, cảm ơn. Tôi nhìn vai trò chính trị gia khác thế".

“Bà hoàng Cristina”

431pqJNN.jpgPhóng to

Đây là một biệt danh khác mà báo chí Argentina dành cho đệ nhất phu nhân của mình. Biệt danh này có phần liên quan đến cách thức mà bà Cristina chăm lo sắc đẹp cũng như quần áo của mình. Bà luôn xuất hiện với bộ dạng sang trọng: đồ hiệu nổi tiếng thế giới (bà không ngại xếp hàng chờ mua đồ hiệu mỗi dịp sang Paris), đồng hồ Rolex vàng cẩn kim cương...

Người ta có thể trách cứ bà xa hoa (có kẻ cho rằng mỗi ngày bà có thể mang một đôi giày cao gót mà vẫn không “đụng hàng” suốt cả năm), nhưng giữa những người hiểu bà, Cristina giải thích: “Đó không phải là chuyện phù phiếm, đơn giản tôi ăn mặc sang trọng như thế vì đó là sở thích làm đẹp”. Nhưng phía sau sở thích có vẻ hào nhoáng đó là một nữ chính trị gia mạnh mẽ trong một đất nước có tiếng “đàn ông trị”. Cristina từng giải thích trên tạp chí Newsweek: “Tôi nữ tính chứ không phải vì nữ quyền. Tôi tin tưởng vào việc bảo vệ quyền cho phụ nữ, nhưng không phải dưới cái mác nữ quyền”.

NGUYỄN QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên