06/07/2023 10:56 GMT+7

Bãi rác Đa Phước: Mùi hôi lại tấn công đô thị

Những ngày qua, người dân khu vực Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM) lại than phiền mùi hôi từ bãi rác Đa Phước gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống.

Bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM) được chôn lấp mỗi khi mưa là mùi hôi thối lan tỏa khắp nơi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM) được chôn lấp mỗi khi mưa là mùi hôi thối lan tỏa khắp nơi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường từng trả lời năm 2024 sẽ hết mùi hôi khi bãi rác Đa Phước đóng cửa, tuy nhiên đến nay điều đó chưa có gì là chắc chắn.

Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, người dân TP thải ra khoảng 10.000 tấn rác/ngày và được xử lý bởi năm cơ sở xử lý rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh) và Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc (huyện Củ Chi).

Trong đó, Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước nhiều năm qua trở thành "điểm nóng" về môi trường khi người dân liên tục phản ảnh mùi hôi phát tán từ bãi chôn lấp rác của công ty này.

Đồ họa: TUẤN ANH

Đồ họa: TUẤN ANH

Định chuyển nhà vì không chịu nổi

Từ tháng 5, 6 trở đi khi TP.HCM bước vào mùa mưa là lúc gió mùa tây nam hoạt động mạnh.

Đây cũng là thời điểm người dân sinh sống tại khu vực nam TP bao gồm khu Phú Mỹ Hưng (quận 7), khu Đa Phước (huyện Bình Chánh), huyện Nhà Bè kêu trời vì mùi hôi từ bãi rác Đa Phước phát tán theo gió. Nhiều năm qua cứ "đến hẹn lại... hôi", người dân các khu vực này lập hẳn một nhóm trên mạng xã hội để thông báo tình hình, tập hợp ý kiến gửi tới cơ quan chức năng.

Phản ảnh với Tuổi Trẻ, chị Quỳnh Như (sống tại phường Tân Phong, quận 7) cho biết thời gian này nhà chị "đau đầu" với mùi hôi phát tán từ bãi rác Đa Phước.

"Mùi hôi không chỉ thoảng qua như khi chúng ta đi ngang xe rác hay các bãi rác nhỏ ngoài đường mà nó luẩn quẩn trong không khí rất khó chịu. Ngày nắng mùi hôi thường xuất hiện vào chiều tối, khoảng 17h - 19h.

Còn ngày mưa thì bất chợt khi nào có gió là có mùi hôi, chỉ cần quên đóng cửa sổ, trúng luồng gió là cả nhà ám mùi nửa tiếng mới hết.

Nhà tôi phải đóng cửa sổ quanh năm, lỡ quên là mùi hôi bay vào thì phải mở máy hút từ bếp và bật công suất lớn nhất để xử lý.

Đôi khi ngồi ăn các quán ăn ngoài trời ở khu vực này mà trúng lúc mùi rác phát tán thì chỉ có bỏ luôn chứ nuốt không nổi", chị Như bức xúc.

Chị Như cho biết trước đây gia đình sống tại TP Thủ Đức (quận 2 cũ), sau này con gái chuyển trường qua quận 7 nên gia đình qua đây mua nhà. Tuy nhiên, sau hai năm chịu đựng mùi hôi từ tháng 6 tới tháng 11 thì hiện gia đình chị đang rao bán căn nhà này để về lại nơi cũ sinh sống.

Hiện nay, bãi chôn lấp của VWS nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước được TP.HCM giao xử lý 6.000 - 6.800 tấn rác/ngày theo hình thức chôn lấp hợp vệ sinh.

Câu chuyện mùi hôi phát sinh từ bãi rác Đa Phước không phải là mới, các cơ quan chức năng TP, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiều lần kiểm tra, xử lý.

Và chính VWS cũng đã có nhiều giải pháp xử lý môi trường nhưng cứ vào tầm mùa mưa, khi gió tây nam xuất hiện thì người dân khu vực dưới gió như khu Phú Mỹ Hưng, khu Nam TP... đều than phiền mùi rác lại gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Khi nào bãi rác đủ công suất thiết kế thì đóng cửa, TP chuyển sang công nghệ đốt rác mới xử lý triệt để mùi hôi. Dự kiến đến năm 2024 sẽ hết công suất bãi rác.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng trả lời báo chí ngày 3-1-2020

Bao giờ hết chôn lấp?

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã từng nhìn nhận công nghệ chôn lấp rác phù hợp ở thời điểm đầu tư nhưng gần đây đã bộc lộ điểm yếu là khó xử lý triệt để mùi hôi.

Theo Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia mà Thủ tướng phê duyệt, yêu cầu tỉ lệ chôn lấp rác ở đô thị giảm còn 30% năm 2025 và 10% năm 2030. Riêng tại TP.HCM, TP đặt ra mục tiêu giảm tỉ lệ chôn lấp rác còn 20% vào năm 2025 (hiện nay trên 70%).

Trong đó, 80% lượng rác phát sinh sẽ được xử lý bằng công nghệ tiên tiến đốt rác phát điện và tái chế, hướng tới năm 2030 có 100% lượng rác được xử lý hoàn toàn theo công nghệ này, không phải chôn lấp.

Để hoàn thành mục tiêu này, cuối năm 2019 nhà máy tích hợp xử lý chất thải rắn Vietstar và nhà máy xử lý, đốt rác của Công ty cổ phần đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa (nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc) lần lượt được khởi công và dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2020, nhưng đến nay cả hai nhà máy vẫn chưa hoàn thành.

Trong khi đó, ba dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác khác của Công ty Xử lý chất thải Việt Nam, Công ty cổ phần Tasco và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục pháp lý về đầu tư.

Theo tính toán, hai nhà máy của Công ty cổ phần Vietstar và Công ty cổ phần đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa đến năm 2025 mới hoàn thiện, nếu các thủ tục trôi chảy. Còn các dự án khác khó có thể hoàn thiện vào thời gian trên.

Bên cạnh đó, công suất xử lý tối đa của Công ty cổ phần Vietstar và Công ty cổ phần đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa là 4.000 tấn/ngày.

Điều này có nghĩa dù các nhà máy trên có hoàn thiện cũng không đạt được chỉ tiêu đặt ra. Chưa kể, hiện tại hợp đồng giao rác của TP cho hai đơn vị này chỉ có 2.200 tấn/ngày.

Xe lấy rác đi ngang qua khu dân cư trên quốc lộ 50, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh - Ảnh: T.T.D.

Xe lấy rác đi ngang qua khu dân cư trên quốc lộ 50, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh - Ảnh: T.T.D.

Theo Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, dự báo đến năm 2025 lượng rác sinh hoạt sẽ tăng đến 13.000 tấn/ngày. Và khối lượng này có thể lên đến 16.600 tấn/ngày vào năm 2030.

Trước thực tế trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xin UBND TP.HCM xem xét, gia hạn thêm hai năm để có thêm thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Trong thời gian này, sở kiến nghị TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổ chức thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc bằng phương thức PPP theo đúng quy định hiện hành để kịp thực hiện các nội dung tiếp theo.

Đồng thời sở này sẽ cùng tổ công tác liên ngành thẩm định các dự án xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP chưa được cấp chủ trương đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ xử lý để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Còn về khu xử lý rác Đa Phước, năm 2020 giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết khu chôn lấp này sẽ đầy công suất thiết kế và bị đóng cửa vào năm 2024.

Theo kế hoạch, nếu muốn tiếp tục hoạt động thì VWS phải chuyển đổi công nghệ xử lý rác sang đốt rác phát điện khoảng 3.000 tấn rác/ngày, chấm dứt việc chôn lấp.

Tuy nhiên, hiện nay với công suất các nhà máy đốt rác phát điện được khởi công, phê duyệt tầm khoảng 7.500 - 8.000 tấn/ngày, như vậy so với lượng rác phát sinh dự kiến vào năm 2025 lên tới 13.000 tấn/ngày thì vẫn còn khoảng 5.000 tấn rác/ngày chưa biết xử lý ra sao.

Đây rõ ràng là bài toán khó cho TP nếu như việc đầu tư các nhà máy đốt rác phát điện chậm trễ như thời gian qua.

Anh Quang, chủ quán cà phê bida võng, cho biết phải căng tấm nilông đễ giảm bụi và tiếng ồn khi xe ra vào khu vực lấy rác Đa Phước (ấp 1, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.

Anh Quang, chủ quán cà phê bida võng, cho biết phải căng tấm nilông đễ giảm bụi và tiếng ồn khi xe ra vào khu vực lấy rác Đa Phước (ấp 1, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.

Xử lý rác khu tây bắc ổn hơn tây nam

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM, cho rằng với thực tế hiện nay thì TP cần đóng cửa bãi rác Đa Phước càng sớm càng tốt.

Theo ông Thuận, bãi rác này đã ảnh hưởng quá nhiều tới đời sống người dân khu Nam TP nhiều năm qua.

Hơn nữa, VWS cũng đang trong quá trình lập đề xuất, báo cáo công nghệ, báo cáo đầu tư để chuyển đổi công nghệ sang đốt rác phát điện, rồi báo cáo quy hoạch điện để trình các bộ ngành thông qua. Do đó để hoàn thiện dự án là rất tốn thời gian.

"Theo tôi, TP nên chuyển rác về hẳn Khu liên hợp xử lý rác Tây Bắc tại huyện Củ Chi để xử lý. Ở đây ngoài hai nhà máy của Công ty cổ phần Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa, chúng ta còn có bãi chôn lấp dự phòng số 3 (thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP) có thể tiếp nhận rác nếu đóng cửa bãi rác Đa Phước.

Hiện nay bãi số 3 chỉ đang tiếp nhận khoảng 1.200 tấn rác/ngày, đây là rác sau xử lý của Công ty cổ phần Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa", ông Thuận nói.

Phân tích kỹ hơn, ông Thuận cho biết về địa lý, đặc điểm dân cư thì khu vực tây bắc hoàn toàn thuận lợi hơn khu Nam TP. Ở đây hiện tại còn thưa dân cư, địa chất cũng thích hợp hơn để đưa rác về.

Như vậy, TP hoàn toàn có thể đưa rác về xử lý tại đây trong hai năm xin gia hạn thêm để hoàn thiện hạ tầng xử lý rác theo công nghệ hiện đại, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường.

Ông Thuận góp ý thêm TP cần nâng cao vai trò của công ty trực thuộc nhà nước, cụ thể là vai trò của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. Đơn vị này thuộc TP nên sẽ làm tốt vai trò công ích và TP sẽ có thể thưởng phạt được, còn với đơn vị tư nhân thì rất khó.

Các nhà máy đốt rác phát điện chờ gỡ khó

Nhà máy xử lý rác của Công ty cổ phần VietStar (trái) và Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi - Ảnh: LÊ PHAN

Nhà máy xử lý rác của Công ty cổ phần VietStar (trái) và Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi - Ảnh: LÊ PHAN

Trong lúc công nghệ chôn lấp rác đã lỗi thời, không còn phù hợp thì các dự án đốt rác phát điện đã chuẩn bị nhiều năm vẫn còn đang ở bước "chạy đà" và nếu thủ tục suôn sẻ thì cũng phải hai năm nữa mới có thể về đích.

Các nhà máy đốt rác phát điện tại TP.HCM thuộc Công ty cổ phần Vietstar và Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa khởi công năm 2019, dự kiến đến năm 2020 sẽ xử lý hàng ngàn tấn rác mỗi ngày.

Thế nhưng quá hạn hơn ba năm, các nhà máy này vẫn "nằm trên giấy". Nguyên do sự chậm trễ này vì vướng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 và Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Ngày 15-5, Chính phủ đã ký ban hành Quy hoạch điện VIII. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các đơn vị đủ điều kiện nộp hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế cơ sở dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác sang đốt phát điện. Hiện tại TP.HCM đang tiến hành các thủ tục để thúc đẩy nhanh quá trình này.

Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhanh chóng tổng hợp, trình UBND TP phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 nhà máy tích hợp xử lý chất thải rắn Vietstar.

Sở Công Thương làm việc với Công ty cổ phần Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa tổng hợp, tham mưu TP nội dung về thủ tục bổ sung các dự án vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn vào lưới điện quốc gia.

Bản thân Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các sở ngành liên quan đôn đốc Công ty cổ phần Vietstar và Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác.

Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định hiện nay dự án chuyển đổi công nghệ của Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa chỉ có thể hoàn thành vào giai đoạn cuối năm 2025, trong trường hợp hai công ty nỗ lực hoàn thiện toàn bộ thủ tục pháp lý dự án trong năm 2023, đồng thời triển khai xây dựng nhà máy, lắp đặt thiết bị trong thời gian rút ngắn từ 18 đến 24 tháng.

Các dự án của các đơn vị xử lý còn lại hiện đang thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Do đó, quá trình thực hiện thủ tục pháp lý của các đơn vị này sẽ không kịp hoàn thành trong năm 2023 và thậm chí kéo dài do một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Còn đối với VWS thì khó đi đến thống nhất vì đơn vị này đề xuất đơn giá xử lý khá cao so với các dự án có cùng công nghệ hiện đang triển khai.

Trong khi đó, dự án xử lý rác mới kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP vẫn đang ở bước thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Nhà máy xử lý rác của Công ty cổ phần VietStar (trái) và Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi - Ảnh: LÊ PHAN

Nhà máy xử lý rác của Công ty cổ phần VietStar (trái) và Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi - Ảnh: LÊ PHAN

Phạt 1,5 tỉ đồng vi phạm ở bãi rác Đa PhướcPhạt 1,5 tỉ đồng vi phạm ở bãi rác Đa Phước

TTO - Đơn vị xử lý môi trường tại bãi rác Đa Phước (TP.HCM) bị Tổng cục Môi trường xử phạt hơn 1,5 tỉ đồng vì 5 vi phạm trong vận hành.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên