14/10/2018 15:30 GMT+7

Bài học từ… rác

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Ngồi trong phòng học được làm từ vỏ xe tải cũ, chai nhựa và giày, cậu bé Roeun Bunthon chăm chú ôn lại bài học tiếng Anh vừa được dạy. Phòng học ấy thuộc về “Trường Dừa”, nơi học phí được trả bằng rác phế liệu thay vì tiền mặt.

Bài học từ… rác - Ảnh 1.

Các học sinh Trường Dừa phân loại rác - Ảnh: AFP

Các em sẽ là thế hệ các nhà hoạt động bảo vệ môi trường mới của Campuchia, sẽ hiểu rõ việc sử dụng, quản lý và tái chế rác thải

Anh Ouk Vanday chia sẻ

Bunthon từng lang thang ăn xin khắp nơi trước khi đến Trường Dừa. Mọi thứ thay đổi khi cậu được nhận vào lớp học tình thương của Ouk Vanday - người có biệt danh "người rác", một cựu quản lý khách sạn ôm ấp ước mơ một Campuchia không rác thải. Với những đứa trẻ "khát chữ, thừa trải nghiệm đời" như Bunthon, Trường Dừa không chỉ là nơi các em được học toán, ngoại ngữ hay thậm chí là thực hành với máy tính, đó còn là nơi tìm hiểu giá trị của việc giảm rác thải và tái chế.

Học phí tính bằng rác

"Học phí" của Bunthon là một túi nắp chai bỏ đi. "Cháu đã ngừng ăn xin. Mọi thứ gần thay đổi, cháu như có thêm một cơ hội mới làm lại cuộc đời" - cậu bé chia sẻ với Hãng thông tấn AFP.

Nằm trong công viên quốc gia Kirirom của Campuchia, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 115km về phía tây, Trường Dừa được xây dựng hoàn toàn bằng những thứ bỏ đi. Các bức tường được làm từ vỏ xe tải cũ được sơn phết lại, lối vào được trang trí bằng quốc kỳ Campuchia ghép bởi các nắp chai đầy màu sắc. Những thứ này phần lớn đều đến từ 65 học sinh của trường, những mảnh đời đã từng không biết đi về đâu, dưới hình thức học phí.

"Tôi sử dụng rác để giáo dục trẻ em. Bằng cách đưa rác vào lớp học, các em sẽ hiểu được giá trị của việc sử dụng rác một cách hữu ích" - anh Vanday giải thích về lý tưởng của mình.

Cảm hứng của người đàn ông này xuất hiện sau một chuyến đi xuyên Campuchia. Chứng kiến cảnh các địa điểm du lịch ngập trong rác, Vanday hạ quyết tâm phải làm điều gì đó thay đổi thực tế này. Một dự án thí điểm về trường học làm từ rác được Vanday thực hiện ở Phnom Penh năm 2013. Trường Dừa là thành quả sáng tạo thứ hai của anh và vừa được đưa vào sử dụng hơn 1 năm rưỡi.

Người đàn ông 34 tuổi này dự định sẽ mở thêm các lớp học cho khoảng 200 em tại tỉnh nghèo thuần về nông nghiệp Kampong Speu. Nếu không có gì trục trặc, một trường mẫu giáo với các bức tường làm bằng chai nhựa sẽ được mở cửa vào năm tới.

Tâm nguyện của Vanday không dừng lại ở việc dạy chữ cho trẻ em nghèo. Với anh, những đứa trẻ này được đặt niềm tin rằng một ngày nào đó sẽ trở thành các đại sứ, những nhà hoạt động bảo vệ môi trường.

"Không được xin tiền nữa!"

Những cảnh đời khó khăn cũng là nguồn cảm hứng để anh Vanday thành lập Trường Dừa. Ngôi trường hoạt động dựa trên các khoản đóng góp từ thiện và những thầy cô giáo tự nguyện, với hi vọng sẽ giúp được các em có ít cơ hội tiếp cận môi trường giáo dục tại các trường công lập bình thường.

Trường Dừa cũng là nơi giúp những đứa trẻ không có khả năng chi trả cho các lớp học thêm sau giờ học, vốn đã phổ biến ở Campuchia. Giáo dục công lập là miễn phí theo luật, nhưng các bài học bổ sung cho môn tiếng Anh hoặc các môn ngoại khóa khác thì phải trả tiền, từ 5 USD đến vài trăm USD tùy theo trường và vị trí của trường. Trả tiền học thêm cho con em có thể là một khoản đầu tư chật vật cho các bậc phụ huynh tại đất nước thu nhập trung bình dưới 1.400 USD/năm.

Theo AFP, tại các vùng nông thôn hẻo lánh, trẻ em còn được yêu cầu đi xin tiền để "tăng thu nhập gia đình". Vanday muốn chấm dứt thực tế này với các học sinh của anh. "Giáo viên tiếng Anh của cháu không cho cháu đi xin tiền. Cháu rất vui vì điều này. Lớn lên cháu sẽ làm bác sĩ" - Sun Sreydow, 10 tuổi, học Trường Dừa, hồ hởi nói.

Chỉ tính riêng trong năm 2017, Campuchia đã thải ra khoảng 3,6 triệu tấn rác, theo số liệu của Bộ Môi trường Campuchia. Neth Pheaktra, người phát ngôn bộ này, cho biết chỉ 11% trong số rác thải đó được tái chế trong khi gần một nửa bị đốt cháy hay tệ hơn là vứt xuống sông hồ, gây ô nhiễm nặng tại nhiều địa điểm.
Rác thải nhựa đổ ra biển: ô nhiễm trắng! Rác thải nhựa đổ ra biển: ô nhiễm trắng! Trung Quốc dằn mặt Mỹ trả về hàng trăm tấn rác thải Trung Quốc dằn mặt Mỹ trả về hàng trăm tấn rác thải Dọn 1,2 tấn rác trên Dọn 1,2 tấn rác trên 'nóc nhà thế giới' chỉ trong 1 ngày
BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên