Hai bờ sông Chao Phraya đoạn chảy qua Bangkok - Ảnh: Eurasia Review
Không ít nơi đã thành công nhưng cũng có nơi loay hoay tìm cách dung hòa các lợi ích như dòng Chao Phraya.
Được mệnh danh là "Con sông của những vị vua", sông Chao Phraya dài hơn 370km chảy từ Bắc xuống Nam, khi đi qua Bangkok đã chia thủ đô Thái Lan thành hai bờ Đông - Tây. Dòng sông đã cung cấp thực phẩm, nước ngọt, an ninh và vận tải trong suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 cho Bangkok.
Trong cơn bão đô thị hóa của những năm sau đó trong thế kỷ 20, con sông dần mất đi vai trò và chỉ được quan tâm trở lại trong vài thập niên gần đây.
Dự án "Dòng Chao Phraya cho tất cả"
Khi lên cầm quyền, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha công bố tầm nhìn biến Bangkok thành "Venice của phương Đông" bằng cách làm sạch các con kênh và sông lớn, tái phát triển cảnh quan và thúc đẩy giao thông đường sông.
Năm 2015, sau chuyến thăm Hàn Quốc, vị thủ tướng nảy sinh ý tưởng phát triển một lối đi dạo dọc bờ sông Chao Phraya ở Bangkok. Lấy cảm hứng từ lối đi dạo ven suối Cheonggyecheon (dự án cải tạo Thanh Khê Xuyên nổi tiếng ở Seoul), dự án mang tên "Đường đi dạo trên sông Chao Phraya" ra mắt.
7km đường đi bộ và làn đường dành cho xe đạp sẽ chạy dọc theo cả hai bờ sông Chao Phraya của Bangkok, kéo dài từ Cầu Rama VII đến Cầu Pinklao. Dự án sẽ kết hợp với những bức tường chắn có tác dụng ngăn lũ lụt.
Theo Cơ quan quản lý đô thị Bangkok (BMA), dự án chỉ là một phần trong siêu dự án "Dòng Chao Phraya cho tất cả" với lời cam kết bờ sông thuộc về tất cả người dân và mọi người đều có quyền tiếp cận các không gian công cộng ven sông. BMA cũng hy vọng dự án sẽ ngăn chặn sự xâm chiếm hai bờ sông ở những khu vực chưa phát triển.
Các phần việc cần làm để dòng Chao Phraya mở cho tất cả khá nhiều, bao gồm: tăng cường cảnh quan bờ kè, cải tạo các bến cảng, cải thiện kiến trúc ven sông, xây dựng các khu vực dịch vụ công cộng, tạo ra các tuyến đường để tiếp cận bờ sông tốt hơn, cải tạo các kênh đã có, hỗ trợ các cộng đồng dân cư đang phát triển, tôn tạo các địa điểm tôn giáo, xây dựng các công trình tạo điểm nhấn, và cuối cùng là xây dựng một lối đi bộ dọc theo Chao Phraya.
Công trình điểm nhấn cho toàn bộ dự án là Bảo tàng Bangkok mới.
Kế hoạch phát triển bờ sông Chao Phraya ở Bangkok - Ảnh chụp từ clip công bố năm 2020
Khi bánh răng dự án bị kẹt
Mặc dù có nhiều ý định tốt, dự án đường đi dạo ven sông vấp phải sự phản đối của các nhóm bảo vệ môi trường và một số nhà khoa học xuất phát từ thiết kế. Chính quyền muốn đổ hàng loạt trụ bêtông để chống đỡ cho tuyến đường, kết hợp bên ngoài là một bức tường bêtông đổ cao để ngăn lũ.
Tuy nhiên, giới khoa học đã phản đối với lý do điều này sẽ khiến dòng sông hẹp hơn và nước sẽ chảy xiết hơn, gây xói lở hai bờ sông Chao Phraya nhanh hơn về phía hạ nguồn.
Khoảng 20 nhóm vận động hành lang, kiến trúc sư và nhà quy hoạch kêu gọi chính quyền xem xét lại dự án vì điều đó sẽ phá hủy bản sắc vốn có của sông Chao Phraya. Bản sắc đó nằm ở sự mở của không gian, tiếp cận từ cả trên bờ lẫn bên dưới sông.
Một lý do phản đối khác là dự án đường đi dạo trong quá khứ. Kế hoạch ban đầu, do ông Winai Somphong đề xuất năm 1993, tập trung vào ý tưởng xây dựng một đường cao tốc dọc theo sông Chao Phraya nhằm giải tỏa giao thông cho nội đô.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 và bất ổn chính trị trong những năm sau đó đã dẫn đến kế hoạch bị lãng quên. Sau trận lụt lịch sử năm 2011 và chính biến năm 2014, dự án được hồi sinh nhưng với thiết kế mới, nhiều không gian xanh hơn.
Năm 2018, một nhóm các nhà quy hoạch, kiến trúc sư nộp đơn kiện BMA vì cho rằng dự án sẽ phá hủy cảnh quan sinh thái và ảnh hưởng đến giao thông đường sông.
"Bangkok sẽ mất đi sự quyến rũ của mình nếu con sông trở thành một thứ gì đó nhìn như ở thành phố phương Tây, không phải là một thành phố châu Á có những sinh kế trên mặt nước" - ông Yossapon Boonsom, một kiến trúc sư cảnh quan và đồng sáng lập của Friends of the River - nhóm vận động bảo vệ sông Chao Phraya - nêu ý kiến.
Vào tháng 2-2020, sau nhiều tranh cãi và dựa trên các thiết kế thay thế của những người phản đối, một tòa án ở Bangkok yêu cầu BMA đình chỉ dự án đường đi dạo và thay đổi thiết kế. Ngày 30-3-2021, tòa hành chính tối cao quyết định giữ nguyên phán quyết của tòa cấp thấp và dự án vẫn bất động đến ngày nay.
Không thể phủ nhận bầu không khí chính trị ở Thái Lan tác động không nhỏ đến việc dự án bị phản đối. Chính quyền đã rất quyết liệt và thúc đẩy mạnh mẽ dự án nhưng sự phản đối còn lớn hơn đã khiến mọi việc lâm vào bế tắc.
Theo tờ Bangkok Post, giả sử như chính quyền "vén tất cả các màn bí mật" và giải thích các chi tiết trong dự án song song việc lắng nghe các ý kiến phản biện và đưa những yếu tố này vào quá trình ra quyết định thì sự phản đối có thể đã bớt gay gắt.
Phối cảnh về dự án đường đi dạo dọc sông Chao Phraya - Ảnh chụp từ clip công bố năm 2020
Câu chuyện Thanh Khê Xuyên
Con suối Thanh Khê dài 10km ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đã quá nổi tiếng khi bị chính quyền lấp rồi lại hồi sinh sau hơn 30 năm.
Ông Lee Myung Bak khi lên làm thị trưởng Seoul năm 2002 (về sau lên làm tổng thống) đã quyết định phá dỡ đường cao tốc và tái lập suối Thanh Khê.
Sự thành công này, ngoài ý chí chính trị mạnh mẽ của ông Lee, còn nhờ vào mô hình tam giác mà Seoul đã áp dụng. Đó là ủy ban tiếp thu ý kiến công dân, ban chỉ đạo dự án và nhóm nghiên cứu dự án.
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận