Tự động hóa dây chuyền sản xuất không đáp ứng kỳ vọng của Apple. Ảnh: independent.co.uk
Tự động hóa không đáp ứng kỳ vọng của Apple
Theo trang mạng The Information, tập đoàn công nghệ Apple sẽ không sử dụng công nghệ tự động để sản xuất hàng hóa. Sau nhiều lần thất bại trong việc xây dựng hệ thống máy móc để hoạt động như con người, giờ đây Apple muốn trở lại như trước, tức là khai thác sức lao động của con người thay vì robot.
'Robot và sự tự động hóa rất tuyệt vời khi chúng hoạt động. Nhưng nếu như có bất kỳ sự cố gián đoạn nào, trời biết chuyện gì sẽ xảy ra', David Bourne trả lời phỏng vấn The Information khi được hỏi về quãng thời gian hợp tác với nhà máy Foxconn chuyên phụ trách sản xuất linh kiện lắp ráp cho Apple.
Nhà khoa học Bourne, hiện làm việc cho Viện Robot thuộc Đại học Carnegie Mellon (bang Pennsylvania, Mỹ), chia sẻ trước đây ông từng hợp tác với Foxconn về nhiều dự án tự động hóa nhằm sản xuất ra các sản phẩm của Apple. Foxconn là bên thúc đẩy ý tưởng tự động hóa cho Apple.
Năm 2012, Giám đốc điều hành lúc bấy giờ của Apple là Tim Cook đã tới Trung Quốc để kiểm tra kết quả của dây chuyền sản xuất thử nghiệm. Ông chứng kiến robot phụ trách cắt, loại bỏ và sau đó ghép các phần linh kiện để cho ra sản phẩm cuối cùng là một chiếc iPad.
Vào thời điểm đó, Terry Guo – Chủ tịch của Foxconn – nói với Apple rằng dây chuyền lắp ráp này sẽ bao gồm khoảng 1 triệu con robot trong vòng 2 năm nữa.
Tuy nhiên, 7 năm sau, Foxconn mới chỉ sử dụng 100.000 robot trên toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất. Cả Foxconn và Apple đều không đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào nêu rõ lý do vì sao quá trình tự động hóa lại không tiến triển nhanh như dự kiến. Theo The Information, các nguồn tin tiết lộ dây chuyền sản xuất tự động không đáp ứng kỳ vọng của Apple.
Đội ngũ nghiên cứu robot riêng của Apple
Nghe theo gợi ý của Foxconn, năm 2012, Apple mở một phòng thí nghiệm robot bí mật nằm cách trụ sở chính gần 10 km. Đây là nơi làm việc của một đội ngũ các chuyên gia và kỹ sư về robot. Họ được giao nhiệm vụ cắt giảm nhân lực sản xuất đi một nửa. Cụ thể, khi đó Apple muốn có thể đào thải 15.000 công nhân ra khỏi dây chuyền sản xuất.
Cuối cùng, kết quả không thành công. Apple sử dụng một loại keo dính trong quá trình lắp ráp cần sự tỉ mỉ của bàn tay con người. Tương tự, dây chuyền tự động cũng không thể phát hiện lỗi ở các chi tiết siêu nhỏ chỉ có thể cảm nhận qua tay người.
Đến năm 2018, phòng thí nghiệm này bị đóng cửa. Tuy nhiên, đây chưa phải là thất bại lớn nhất của Apple.
Danh hiệu trên phải thuộc về dây chuyền sản xuất tự động Macbook 2015 trị giá hàng triệu USD.
Năm 2014, một phòng sáng tạo ở Cupertino tìm cách tự động hóa việc sản xuất Macbook. Sau đó, dây chuyền tự động hóa được lắp đặt tại một nhà máy ở Trung Quốc và được thiết kế để lắp ráp màn hình, bàn phím và bàn di chuột vào vỏ Macbook.
Trong quá trình hoạt động, băng chuyền xuất hiện vấn đề. Tốc độ đường băng không ổn định và các linh kiện liên tục bị vỡ trong quá trình vận chuyển. Điều tồi tệ hơn là dây chuyền không phải lúc nào cũng biết rõ sai sót ở đâu. 'Nếu một bước bị gián đoạn, dây chuyền tự động hóa không thể tìm ra lỗi sai và sửa chữa', nhà khoa học Bourne giải thích.
Để giải quyết được những nhược điểm do tự động hóa đem lại, Apple tìm về những người thợ lành nghề. Bên cạnh những kỹ năng tỉ mỉ trong quá trình lắp ráp máy mọc, sự linh hoạt của con người trong dây chuyền sản xuất là một điểm cộng lớn cho việc khai thác sức người của các tập đoàn lớn như Apple, Tesla, Boeing...
Thực tế, dây chuyền sản xuất của Apple chỉ hoạt động hiệu quả vào một thời điểm trong năm do các thiết bị của thương hiệu này là sản phẩm theo mùa. Khi các sản phẩm được cập nhật mỗi năm, dây chuyền tự động chỉ có thể được tùy chỉnh cố định cho một vài thiết bị và không thể sử dụng cho những sản phẩm đời sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận