26/01/2015 09:25 GMT+7

Bài hát Việt: chênh vênh... sống còn

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TT - Bài hát Việt (Ðài truyền hình VN và Công ty CATS phối hợp sản xuất) có thể sẽ dừng lại sau 10 năm kiên trì tìm kiếm và chắp cánh cho những tài năng sáng tác, hòa âm và ca sĩ trẻ.

Vũ Cát Tường trình diễn ca khúc Yêu xa tại đêm chung kết Bài hát Việt 2014. Ca khúc này đã mang về cho cô ba giải thưởng, trong đó có giải Bài hát được yêu thích nhất do khán giả bình chọn - Ảnh: Quang Định
Vũ Cát Tường trình diễn ca khúc Yêu xa tại đêm chung kết Bài hát Việt 2014. Ca khúc này đã mang về cho cô ba giải thưởng, trong đó có giải Bài hát được yêu thích nhất do khán giả bình chọn - Ảnh: Quang Định

Lễ công bố và trao giải Bài hát Việt 2014 đã diễn ra tối 23-1 tại TP.HCM. Giải Bài hát Việt năm 2014 đã thuộc về Bốn chữ lắm của nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng do Trúc Nhân và Thảo Nhi thể hiện.

Ban nhạc Hạc San được trao giải Hòa âm phối khí hiệu quả cho một sáng tác của nhóm: Hoang tàn. Giải thưởng Nhạc sĩ triển vọng thuộc về tác giả Trần Nhật Hà (với ca khúc Có đôi khi). Giải thưởng sáng tạo cho bài hát được trao cho Ngày khát của Huyền Sambi. Ðó là các giải do hội đồng thẩm định bình chọn.

Giải ca sĩ được yêu thích nhất do khán giả bình chọn thuộc về Uyên Linh. Giải bài hát được yêu thích nhất do khán giả bình chọn dành cho Yêu xa của Vũ Cát Tường. Giải thưởng do hội đồng báo chí bình chọn đồng trao tặng cho hai ca khúc: Yêu xa (Vũ Cát Tường) và Bốn chữ lắm (Phạm Toàn Thắng). Ban tổ chức cũng trao giải Cống hiến cho nhạc sĩ An Thuyên.

Trong khi đó hội đồng thẩm định và nhà tài trợ lại trao thêm một giải Cống hiến cho nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh khi gửi đến chương trình năm nay một ca khúc rất đặc biệt dành cho những người mẹ đơn thân mang tên Lời ru một mình. Giải Ðam mê và sáng tạo cho Vũ Cát Tường với Yêu xa.

Nhạc sĩ Lương Minh - phó trưởng ban văn nghệ Ðài truyền hình VN, trưởng ban tổ chức Bài hát Việt (BHV) - xác nhận: “Ðúng là lãnh đạo đài đang rất cân nhắc trong việc có nên tiếp tục duy trì sân chơi này hay không vì BHV cũng đã trải qua chặng đường 10 năm.

Dẫu rằng BHV đã tiếp sức cho rất nhiều nhạc sĩ trẻ và mọi người cũng đã quen với việc hằng tháng sẽ được đón nhận thêm các sáng tạo, thử nghiệm mới nhưng thật sự BHV đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức”.

Sân chơi của tác giả trẻ

Bỏ qua một hai năm đầu ban tổ chức phải mời gọi một vài nhạc sĩ cùng ca sĩ tên tuổi tham gia để “tạo lực đẩy”, nhiều năm trở lại đây BHV đã hoàn toàn là một sân chơi của những người trẻ, những người mới với nhiều thử nghiệm thú vị.

Từ sân chơi này, làng nhạc nhẹ trong nước đã có được Thanh Tâm, Lưu Thiên Hương, Giáng Son, Bảo Lan, Nguyễn Hải Phong, Nguyễn Hồng Thuận, Thành Vương, Sa Huỳnh, Mai Khôi, Ðinh Mạnh Ninh, Nguyễn Xinh Xô, Lê Cát Trọng Lý...

Ðặc biệt trong hai năm qua, BHV đã tạo nên một lớp tác giả trẻ hơn, năng động hơn, đủ “đề kháng” để bước vào thị trường âm nhạc hiện đại: Phạm Toàn Thắng, Huyền Sambi, Phạm Hải Âu, Ðồng Lan, Lê Ðức Hùng, Nguyễn Duy Hùng, Tạ Quang Thắng, Tiên Tiên, Linh Lan, Vũ Cát Tường...

Rõ ràng, BHV ít nhiều có tính ảnh hưởng cũng như mang đến những hiệu quả không hề nhỏ cho thị trường âm nhạc. Chỉ tính riêng năm 2014, hàng loạt ca khúc được yêu thích trên thị trường và có tên trong hầu hết các giải thưởng Làn Sóng Xanh, Pops Awards, Zing Music Awards, YAN Pops Awards đều xuất phát từ BHV như: Bốn chữ lắm, Yêu xa, Trót yêu, Dấu mưa, Nghe ta hồi sinh, Ảo ảnh trưa, Ngày khát, Tôi yêu Việt Nam...

Có không ít tác phẩm được thu live tại BHV, khi đăng tải trên YouTube đã nhận được lượng người xem đáng ngạc nhiên. Ví dụ như ca khúc Bốn chữ lắm đạt hơn 132.000 lượt người xem, Tôi yêu Việt Nam đạt hơn 137.000 lượt người xem, Vết mưa đạt gần 364.000 lượt người xem...

Ðó là chưa kể những bài “hit” khác từ BHV được các ca sĩ hát rộng khắp các sân khấu ca nhạc trong và ngoài nước.

Diện mạo của thị trường âm nhạc

Lượng người xem và quảng cáo chưa như mong đợi

Khó khăn và thách thức lớn nhất của BHV là lượng người xem và lượng quảng cáo thấp so với nhiều chương trình giải trí nằm ở khung 21g.

Nhạc sĩ Lương Minh cho hay toàn bộ chi phí sản xuất BHV nhiều năm qua vẫn chủ yếu từ kinh phí của đài và CATS, trong đó đài vẫn là nơi “mở hầu bao” nhiều hơn.

Quảng cáo trong chương trình thu về không đáng kể và chỉ đủ để hỗ trợ những giải thưởng phụ dành cho khán giả. Rất nhiều giai đoạn BHV không tìm được nhà tài trợ.

Năm 2014 BHV nổi lên với không ít gương mặt trẻ cùng nhiều ca khúc “ăn thị trường” nhưng phải đến live show tháng 7 chương trình mới tìm được đơn vị đồng hành là Mobistar. Hiệu quả kinh tế mang về cho các đơn vị sản xuất gần như không có khiến đài phải suy tính lại.

Nhạc sĩ Huy Tuấn - thành viên hội đồng thẩm định BHV - chia sẻ:

“Ðiều cần ghi nhận và đáng tự hào nhất của BHV là đã sản sinh ra không chỉ một mà đến hai thế hệ nhạc sĩ trẻ, đang làm nên diện mạo của thị trường âm nhạc hiện nay”.

Chính vì điều này, hầu hết các nhà sản xuất âm nhạc, các nhạc sĩ tên tuổi đã gắn bó rất mật thiết với chương trình này trong vai trò cố vấn, hội đồng thẩm định như: Dương Thụ, An Thuyên, Võ Thiện Thanh, Lê Quang, Ðức Trí, Anh Quân, Huy Tuấn, Hoài Sa... đều tỏ ra tiếc nuối nếu BHV dừng tại đây.

Nhạc sĩ trẻ Phạm Toàn Thắng cho rằng việc mất đi BHV sẽ là một thiệt thòi cho những nhạc sĩ muốn khám phá những chân trời khác trong sự nghiệp sáng tác của mình.

“Ðã có không ít sân chơi giúp các tác giả trẻ đưa những sáng tác của mình ra đại chúng nhưng để thử nghiệm, để “tu nghiệp” thì hiện chỉ có một nơi là BHV” - Phạm Toàn Thắng nói.

Trong khi đó, nhạc sĩ Lê Quang thì tâm đắc với khả năng cạnh tranh của sân chơi này. Anh nói: “Những ca khúc tại BHV hiện đang đi vào đời sống rất sòng phẳng. Những sáng tác còn rất mới đó đã chiến đấu rất sòng phẳng và tạo được vị thế riêng của mình so với nhiều thể loại, dòng nhạc khác nhau, mang tính đại chúng của thị trường”.

Tuy không phải là một chương trình đình đám nhưng suốt 10 năm qua, mỗi tháng một số, BHV đều giới thiệu đến bạn yêu nhạc, đến làng nhạc những sáng tác mới, những gương mặt mới.

Thực tế không phải lúc nào những sáng tác đó, những nhân tố đó đều “chấp nhận được”, nhưng ít ra BHV chưa bao giờ mang đến những chuyện hay các sáng tác “tầm phào” - điều đang đầy rẫy trong các chương trình giải trí truyền hình.

Ngay cả ở những năm khó khăn nhất của BHV, những người tạo ra nó vẫn kiên định không thương mại hóa, vẫn kiên trì tạo một sân chơi sáng tác trong sáng. Thật đáng tiếc khi đang trong giai đoạn “đơm hoa”, vườn ươm sáng tác BHV lại đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Ông Nguyễn Quang Minh - tổng giám đốc Công ty CATS - chia sẻ: “Khi cùng thực hiện sân chơi này, chúng tôi đã xác định không đặt nặng vấn đề kinh doanh hay lợi nhuận. Vậy nên 10, 15 hay thậm chí 20 năm đều không đáng gì so với những giá trị cống hiến cho xã hội và giá trị nghệ thuật mà chương trình mang lại.

Cá nhân tôi rất vui mừng khi từ chương trình này chúng ta đã có được thế hệ nhạc sĩ trẻ với thật nhiều sáng tác văn minh, mang đậm chất dân tộc lẫn tính hiện đại.

Ý kiến cá nhân tôi là không nên dừng chương trình lại mà hãy phát huy tính động viên, đồng hành và định hướng của chương trình, tiếp tục tìm tòi, sáng tạo, cải tiến để nó trở nên gần gũi, chuyên nghiệp hơn”.

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên