Bãi giữ xe tự ý tăng giá

NGỌC LIÊN
NGỌC LIÊN

TT - Một bạn đọc phản ảnh: “Sáng 5-7, bãi giữ xe trước chợ Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận, TP. HCM) thu phí giữ xe 4.000 đồng/xe máy trong khi trước đó chỉ thu 3.000 đồng/xe”.

e3hrPiwg.jpgPhóng to

Bãi giữ xe trước chợ Phú Nhuận - Ảnh: Ngọc Vinh

Thực tế cho thấy sáng 6-7, nhân viên bãi giữ xe trước chợ Phú Nhuận thu tiền giữ xe của người đi chợ là 4.000 đồng/xe máy, nhưng chủ bãi xe khẳng định không có chuyện tăng giá giữ xe. Một phụ nữ gửi xe tại đây bức xúc: “Khi tôi thắc mắc sao tăng giá giữ xe thì nhân viên bãi xe nói do chợ tăng thuế”.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Bảo, phó ban quản lý chợ Phú Nhuận, cho biết không hề có chuyện tăng thuế, tăng phí giữ xe. “Chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý nếu phát hiện bãi giữ xe thu tiền quá giá” - ông Bảo nói.

Góp tiền ủng hộ nghiệp đoàn nghề cá

Ngày 6-7, bà Từ Thị Thu Hạnh, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đồng Hới (Quảng Bình), cho biết đã có hơn 200 triệu đồng do người lao động ở TP Đồng Hới và trên toàn tỉnh đóng góp nhằm hỗ trợ hai nghiệp đoàn nghề cá ở xã Bảo Ninh và phường Hải Thành (Đồng Hới). Hai nghiệp đoàn nghề cá này được thành lập ngày 4-7 với tổng số 303 đoàn viên.

Tiền quyên góp đợt này và về sau, ngoài trợ giúp khó khăn khi gặp thiên tai, rủi ro của các đoàn viên trong hai nghiệp đoàn, sẽ dùng hỗ trợ các tàu đánh bắt xa bờ của nghiệp đoàn.

Nhà máy chế biến thức ăn gia súc gây ô nhiễm

Gần 70 hộ dân ở hẻm 69 đường 30-4, P.Hưng Lợi, Q.Ninh Kiều (TP Cần Thơ) phản ảnh nhiều năm nay họ phải sống trong môi trường ô nhiễm nặng do Nhà máy chế biến thức ăn gia súc Cataco hoạt động ngày đêm ngay tại khu dân cư đông đúc.

Ông Đặng Xuân Hòa, người dân ở khu vực trên, cho hay dân ở đây đã kiến nghị rất nhiều lần lên chính quyền và địa phương cũng đã xử phạt công ty này, nhưng đến nay người dân vẫn phải sống chung với mùi hôi thối, tiếng ồn và côn trùng... khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Hữu Cẩn, chủ tịch UBND P.Hưng Lợi, Q.Ninh Kiều, cho biết phường đã ghi nhận ý kiến của người dân và yêu cầu nhà máy chế biến thức ăn gia súc nói trên khử mùi, dọn dẹp và phát quang sạch sẽ quanh khu vực. Theo ông Cẩn, phường đã kiến nghị lên cấp trên xem xét di dời nhà máy chế biến trên sang nơi khác trong thời gian sớm nhất.

Thu hồi 9 dự án chậm triển khai

Qua rà soát các dự án khu dân cư, khu đô thị và tái định cư trên địa bàn, UBND TP Cần Thơ đã thu hồi chín dự án nhiều năm không triển khai. Trong đó, có thể kể các dự án sau: hai khu tái định cư tại P. An Bình (Q.Ninh Kiều); dự án tái định cư tại P.Châu Văn Liêm (Q.Ô Môn); khu tái định cư thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền); khu cao ốc văn phòng, khách sạn cao cấp và khu dân cư lô 3D; khu dân cư dọc đường dẫn cầu Cần Thơ lô số 6 (Q.Cái Răng); khu đô thị hai bên đường Nguyễn Văn Cừ (Q.Ninh Kiều)...

Theo UBND TP Cần Thơ, có bảy dự án cơ quan chức năng sẽ tiếp tục mời chủ đầu tư để rà soát gồm hai dự án khu nhà vườn cồn Khương thuộc P.Cái Khế và P.An Thới (Q.Ninh Kiều), hai khu tái định cư tại P.Long Hòa (Q.Bình Thủy) và các khu tái định cư, nhà ở phục vụ công nhân Khu công nghiệp Hưng Phú lô 16 và lô 16B. Những dự án này có bồi hoàn nhưng tiến độ chậm, gây khó cho người dân trong vùng quy hoạch, chủ đầu tư không tích cực triển khai dự án...

Bán gà con nhuộm phẩm màu ở Sóc Trăng

Liên tiếp nhiều ngày qua, tại Sóc Trăng có khá nhiều người từ các tỉnh khác mang gà con có màu sắc sặc sỡ đến bán. Người bán cho biết đây là giống gà “lông nhung”, rất quý và hét giá 15.000 - 25.000 đồng/con khiến nhiều người mắc bẫy. Việc bán gà con nhuộm phẩm màu tại một số chợ ở Sóc Trăng, Tuổi Trẻ đã từng phản ánh.

Ông Quách Văn Tây, chi cục trưởng Chi cục Thú y Sóc Trăng, cho biết sẽ cử cán bộ kiểm tra các trường hợp mua bán gà con “lông nhung”. Nếu phát hiện có tình trạng gian lận, bán gà không rõ nguồn gốc, chi cục sẽ phối hợp các cơ quan chức năng xử lý.

jZ7cm11T.jpgPhóng to

Gà “lông nhung” được bán ở công viên 30-4, TP Sóc Trăng Ảnh: H.DươngSao cắt định mức, tăng giá nước?

* Chị Võ Thị Thanh Hóa (ngụ đường Phan Văn Hân, P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) phản ảnh từ năm 1994 đến nay, gia đình chị sử dụng nước sạch với định mức 4m3/nhân khẩu. Thế nhưng hóa đơn tiền nước tháng 5 và tháng 6 Công ty Cấp nước Gia Định đã tự ý cắt định mức và tính giá nước đến 11.000 đồng/m3. Theo chị Hóa, trước đây nhà chị trả tiền nước chỉ khoảng 150.000 đồng/tháng, nhưng tháng 6 tiền nước lên đến 253.000 đồng. Khi chị Hóa gọi điện đến Công ty Cấp nước Gia Định thắc mắc thì được nhân viên ở đây cho biết sẽ cắt nước nếu chị không đóng tiền nước tháng 5 và tháng 6.

Ông Đặng Ngọc Hà, cán bộ Công ty Cấp nước Gia Định, cho biết việc đăng ký định mức nước được công ty kiểm tra thường xuyên nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Ngày 13-3, công ty đã gửi giấy mời chị Võ Thị Thanh Hóa đến công ty đăng ký lại định mức nước, nhưng sau hai tháng chị Hóa vẫn không đến đăng ký nên công ty đã tính giá nước của gia đình chị Hóa theo giá không có định mức (11.000 đồng/m3). Theo ông Hà, chị Hóa cần liên hệ nhanh chóng với công ty để công ty xem xét, tính lại hóa đơn tiền nước tháng 5 và tháng 6 theo giá trong định mức.

“Mới giải quyết từ ngọn”

Đó là khẳng định của ông Huỳnh Văn Chín, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Lâm Đồng, tại phiên trả lời chất vấn của kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 4, khóa VIII diễn ra tại Đà Lạt ngày 6-7 khi nói về nạn khai thác khoáng sản trái phép.

Ông Chín thừa nhận nạn khai thác khoáng sản trái phép đang diễn ra tràn lan trong tỉnh nhưng nóng nhất vẫn là hoạt động khai thác thiếc lậu ở huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt, cao lanh tại TP Bảo Lộc và cát tại huyện Cát Tiên, trong khi đơn vị quản lý nhà nước lĩnh vực này là Sở Tài nguyên và môi trường Lâm Đồng đã lực bất tòng tâm. Nguyên nhân được lý giải là do địa bàn rộng trong khi người ít nên đơn vị không thể theo dõi, bao quát được hết mọi thông tin, quá trình hoạt động khai thác khoáng sản trái phép diễn ra từ dưới cơ sở. Lâu nay cơ quan chức năng chỉ truy bắt những đối tượng từ nơi khác đến làm thuê cho các đầu nậu nên mới giải quyết “cái ngọn” của vấn nạn này.

Trong phần trả lời chất vấn của mình, ông Nguyễn Văn Hương, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng, đã đề cập đến việc thu hồi dự án xuống cấp, đầu tư không hiệu quả như là một trong những biện pháp cứng rắn của Lâm Đồng để phục hồi và phát triển các danh thắng tại Đà Lạt.

NGỌC LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên