28/10/2017 13:02 GMT+7

Bác tin con phó giám đốc sở có gần 1.000ha đất Long Thành

HÀ MI - MINH GIẢNG
HÀ MI - MINH GIẢNG

TTO - Trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện Long Thành (Đồng Nai) cho biết dữ liệu quản lý đất đai không phát hiện có trường hợp nào một người quản lý vài trăm ha đất chứ đừng nói đến cả ngàn ha.

Bác tin con phó giám đốc sở có gần 1.000ha đất Long Thành - Ảnh 1.

Bản đồ khu vực sân bay Long Thành. Ảnh: VNR

Ngày 27-10, trên một trang tin điện tử xuất hiện thông tin ông Phạm Bá Tùng (sinh năm 1990), con trai ông Phạm Ngọc Thanh - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - sở hữu hơn 950ha đất tại khu vực sân bay Long Thành, Đồng Nai.

Theo thông tin từ trang tin này, tổng diện tích đất đứng tên ông Tùng nằm ở 6 xã thuộc khu vực này với hơn 950ha.

Đặc biệt tại xã Suối Trâu, ông Tùng sở hữu lô đất lên tới hơn 500ha. Toàn bộ diện tích đất này được ông Tùng thu mua từ năm 2016.

Trước thông tin này, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã lên tiếng phủ nhận. Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông khẳng định gia đình ông không sở hữu bất kỳ mảnh đất nào tại Long Thành.

Theo ông Thanh, con trai ông đi học tiến sĩ tại Pháp (học bổng 911 của chính phủ) từ tháng 1-2016 và không liên quan gì đến thông tin mà trang tin này nêu.

Cũng theo ông Thanh, ngay sau khi xuất hiện thông tin trên trang tin này, ông đã báo cáo Thành ủy, Ban tuyên giáo Thành ủy, UBND TP.HCM.

Trong sáng 28-10, ông Trương Minh Phương, trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện Long Thành, đã có buổi trao đổi với báo chí về các thông tin liên quan vụ việc. 

Phóng viên đã đặt một số câu hỏi với ông Trương Minh Phương: 

* Việc trên mạng đang lan truyền thông tin con trai phó giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM đang sở hữu cả ngàn ha đất ở vùng dự án thực hư thế nào, thưa ông?

- Ông Trương Minh Phương: Dữ liệu quản lý đất đai của chúng tôi không phát hiện có trường hợp nào một người quản lý vài trăm ha chứ đừng nói đến cả ngàn ha đất. Vì vậy chuyện con cái lãnh đạo sở hữu cả 1.000ha đất là không chính xác.

Tôi nghĩ có chăng thì có tình trạng người mua, người bán kéo nhau ra phòng công chứng làm hợp đồng mua bán với diện tích nhỏ.

Tôi cũng nói rõ thêm khu vực dự án làm sân bay hơn 5.000ha trên địa bàn 6 xã cả tỉnh Đồng Nai và huyện Long Thành có quy chế chặt chẽ về quản lý đầu tư, xây dựng, không cho chuyển dịch mua bán, chuyển nhượng. 

Với thông tin lan truyền trên mạng như vậy, chúng tôi sẽ kiểm tra lại vùng phụ cận 21.000ha để có thông tin chính thống về chuyện con cán bộ sở hữu gần 1.000ha đất. 

Bác tin con phó giám đốc sở có gần 1.000ha đất Long Thành - Ảnh 2.

Ông Trương Minh Phương - Ảnh: HÀ MI

Diện tích cả huyện chỉ có 43.000ha nên thông tin trên mạng nói có người sở hữu cả ngàn ha rồi hàng trăm ngàn ha thì phải xem lại".

Ông Trương Minh Phương

* Dư luận cho rằng ở vùng phụ cận 21.000ha do chưa có quy hoạch cụ thể nên đã có tình trạng cán bộ đứng sau đi gom đất?

- Nói cán bộ đi gom đất thì chúng tôi chưa phát hiện cán bộ nào cả.

 * Ông nói gì khi thượng tướng Lê Chiêm đã lên tiếng tại Quốc hội có hiện tượng cán bộ về vùng dự án gom đất?

- Nói về cán bộ gom đất thì cán bộ ở đâu chúng tôi không nắm được. Cơ quan nhà nước cũng không cho phép chuyện này. Có chăng là giao dịch dân sự hai bên mua bán đất tự thỏa thuận, lập vi bằng…

Trước đây, khi Quốc hội có chủ trương đầu tư sân bay nên không loại trừ có những người đến địa phương tìm người có nhu cầu bán, chuyển quyền đất.

* Trong trường hợp thiếu tướng Chiêm có những dữ liệu chứng minh được cán bộ gom đất ở dự án thì sao, thưa ông?

- Nếu cán bộ thì thuộc sự điều chỉnh của Luật cán bộ công chức chứ không thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai.

* Thưa ông, trở lại chuyện 21.000ha nói quy hoạch vùng phụ cận nhưng hiện chưa biết vị trí nằm ở đâu cả. UBND tỉnh chỉ đạo ngưng tách thửa, kéo theo việc hạn chế quyền mua bán, chuyển nhượng của dân nên đã xảy ra khiếu nại. Điều này khiến địa phương lúng túng và người bán, người mua kéo nhau ra phòng công chứng làm hợp đồng. Theo ông, giải pháp cho mâu thuẫn này ra sao?

- Diện tích này tỉnh dự kiến quy hoạch vùng phụ cận ven sân bay. Vì vậy theo Luật đất đai, người có giấy chứng nhận quyền sử đất cũng có các quyền của người sử dụng. 

Vấn đề, theo tôi, là phải quy hoạch sớm từng phân khu chức năng. Có quy hoạch rồi thì dễ quản lý hơn vì hiện đang quản lý theo quy hoạch sử dụng đất. Điều này về sau cũng tránh được những vướng mắc trong đền bù, giải tỏa khi làm các dự án ở vùng phụ cận…

* Người dân cũng tâm tư không biết sắp tới giá đền bù ra sao. Bản thân đại biểu quốc hội cũng lo lắng khi giá đền bù và giá thị trường chênh nhau rất lớn?

Người dân ở vùng dự án làm sân bay đúng là có tâm tư. Tiếp xúc cử tri dân cũng hỏi chừng nào làm, sao lâu quá ảnh hưởng đến đời sống của họ. Qua thăm dò, tiếp xúc để triển khai dự án thì đa số đồng tình.

Tôi nghĩ Nhà nước thu hồi đất cũng đã tính toán, phải giải quyết đảm bảo quyền lợi của dân theo các quy định pháp luật.

Tỉnh Đồng Nai cũng đã chuẩn bị các khu tái định cư và giải quyết các chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề, việc làm… cho bà con.

HÀ MI - MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên