Xu hướng tìm kiếm thông tin làm đẹp qua TikTok ngày một nhiều hơn, dẫn đến “thị trường” béo bở cho các "bác sĩ" mạng - Ảnh: Chụp màn hình
Theo báo cáo của We Are Social, có khoảng 40 triệu người trên 18 tuổi tại Việt Nam dùng ứng dụng TikTok, con số này đưa Việt Nam lên vị trí thứ 6 toàn cầu về lượng người dùng sau các quốc gia Mỹ, Indonesia, Brazil, Nga, Mexico.
Tại Việt Nam, hashtag #pttm thu hút 551,3 triệu lượt xem, #nangmui lên đến 813,7 triệu lượt xem trên TikTok. Mạng xã hội này đã và đang trở thành kênh marketing với những "chiến dịch" rầm rộ để tìm kiếm những khách hàng có nhu cầu làm đẹp.
Thật giả khó lường
Nếu như ở mạng xã hội Facebook, hàng loạt các phòng khám, viện thẩm mỹ mạo danh được tạo ra nhằm "câu" khách thì trên nền tảng TikTok, vô vàn tài khoản "bác sĩ X", "Doctor Y", "chuyên gia C"... xuất hiện, khiến người xem "thật giả khó lường".
Một tài khoản TikTok có tên M.L. đã tạo rất nhiều kênh khác nhau để thực hiện chiêu trò câu khách. Không cung cấp bất kỳ thông tin gì về chứng chỉ hành nghề cũng như địa chỉ nơi làm việc, nhưng L. cứ thản nhiên đăng tải các đoạn clip tư vấn kinh nghiệm nâng mũi và thực hiện phẫu thuật, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Khi khách hàng muốn đến gặp trực tiếp để tư vấn thì người này vòng vo "không gửi hình trước sẽ không gặp nhé, anh block bây giờ".
Không những thế, L. còn đăng tải trên trang Facebook cá nhân những nội dung PR quá mức như "sắp vào bệnh viện làm sụn sườn, sẽ nổi tiếng ở Việt Nam trong phẫu thuật tạo hình mũi, sửa mũi hư"; hay quảng bá qua các đoạn clip thực hiện phẫu thuật cho khách là người Thái, người Malaysia.
Khi PV tra cứu trên cổng đăng ký hành nghề khám chữa bệnh của Bộ Y tế, không có bất kỳ thông tin gì của vị "bác sĩ" này. Đồng thời, qua tìm hiểu, tháng 9-2020 trên trang Facebook cá nhân người này thường đăng tải các bài viết kinh doanh quần áo online.
Đến tháng 10-2020, một cơ sở thẩm mỹ được M.L. đại diện pháp luật thành lập ở Bình Dương và tất cả bài viết kinh doanh quần áo trước đó đều được khóa lại. Tuy nhiên, khi đến địa chỉ được đăng ký kinh doanh PV không thấy bất kỳ cơ sở nào hoạt động.
Cách đây không lâu, trên TikTok cũng từng lan truyền video một nam thanh niên mặc quần áo phẫu thuật, thực hiện phẫu thuật, nhưng khi đang thao tác trên khuôn mặt khách, người này đã kéo khẩu trang xuống và dùng tay nhảy múa theo điệu nhạc.
Đáng chú ý, người này cũng chính là chủ cơ sở thẩm mỹ không có giấy phép hành nghề ở Hà Nội, nơi gây ra cái chết của cô gái 28 tuổi (quê Long An) sau 2 tháng nâng mũi tại đây. Dù người này phủ nhận hành nghề "tay ngang" nhưng rất nhiều thông tin nhận định thanh niên này từng hành nghề cắt tóc, sau đó học nghề thẩm mỹ và... tự mở cơ sở.
Một trường hợp khác, vị "bác sĩ" tự xưng với tài khoản tên B.S.N. (ngụ TP.HCM), nổi tiếng trên TikTok qua những clip chia sẻ hình ảnh về nâng mũi thẩm mỹ thu hút hơn 340.000 người theo dõi, 10 triệu lượt thích. Theo tìm hiểu của PV, tháng 8-2020 vị "bác sĩ" này từng bị tố cáo gây biến chứng lòi sụn mũi khi hành nghề không đủ chuyên môn.
Gần đây kênh TikTok của người này lại bị tố sử dụng hình ảnh khách hàng và đăng thông tin sai sự thật. Cụ thể chị G.V. (TP.HCM) cho biết từng đến thẩm mỹ viện nơi "bác sĩ" làm việc để tư vấn sửa mũi, chị V. được nhân viên chụp ảnh và ghi hình sau đó đăng lên kênh TikTok với nội dung đã sửa thành công mũi cho chị, dù chỉ mới đến tư vấn.
Trên cổng tra cứu thông tin hoạt động khám chữa bệnh TP.HCM, vị này cũng không có tên trong danh sách người hành nghề. Đồng thời, Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) - nơi "bác sĩ" này thực hành ngoại khoa - cho biết trong quá trình học việc tại khoa, do không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn nên người này không được cấp chứng chỉ hành nghề tạo hình thẩm mỹ.
Các “bác sĩ” câu khách bằng những đoạn clip tự tay thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ - Ảnh: Chụp màn hình
Cần mạnh tay chặn "bác sĩ ảo"
Chính sách cấm đăng tải nội dung cổ xúy giảm cân và nhịn ăn đã được áp dụng trên TikTok, nhưng vẫn chưa có biện pháp mạnh với các dạng clip về kết quả sửa mũi, hành trình nâng ngực... Vì thế các "bác sĩ" tự xưng vẫn ngang nhiên chèo kéo khách hàng.
PGS.TS Đỗ Quang Hùng - phó chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM - cho biết chỉ bác sĩ thẩm mỹ có chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động tại một địa chỉ nhất định mới được thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ và thực hiện tại địa chỉ đó mà thôi.
"Những bác sĩ mạo danh là những người làm liều, họ chỉ vì lợi nhuận chứ không vì khách hàng, không vì cái tâm. Có nhiều cơ sở hoạt động chui trong thời gian khá lâu nhưng chẳng hiểu sao chính quyền địa phương và người dân xung quanh vẫn thản nhiên, không phát giác, để những trường hợp đáng tiếc xảy ra", bác sĩ Hùng chia sẻ.
Theo bác sĩ Hùng, quy định mới yêu cầu bác sĩ ít nhất phải có bằng chuyên khoa 1 liên quan lĩnh vực thẩm mỹ và thời gian thực hành 54 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Chỉ một số đơn vị nhất định được phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ như ĐH Y dược TP.HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y Hà Nội..., còn những nơi gọi là "viện" đào tạo thẩm mỹ, "học viện" làm đẹp, thực chất chỉ được đào tạo kỹ thuật viên làm đẹp ngoài da, không được phép phẫu thuật hoặc làm dịch vụ xâm lấn.
Có hay không cơ chế kiểm soát, chấn chỉnh với "bác sĩ mạng"?
Theo Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, tại TP.HCM, mỗi năm có khoảng 250.000 người thực hiện dịch vụ thẩm mỹ, trong đó 12.000 ca phẫu thuật đặt túi ngực và khoảng 100.000 người có độ tuổi trung bình 25 - 35 phẫu thuật thẩm mỹ các loại.
Để kiểm soát và chấn chỉnh việc quảng cáo của các cơ sở hành nghề y, dược và dịch vụ thẩm mỹ trên mạng xã hội và Internet, Bộ Y tế đã chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những vi phạm về đăng tải nội dung quảng cáo không đúng trên các trang mạng xã hội.
Dù văn bản đã triển khai từ năm 2021, nhưng hiện vẫn chưa kiểm soát được tình trạng "bác sĩ" tung hoành trên mạng xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận