21/07/2017 10:53 GMT+7

​Bác sĩ khuyến cáo khi điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

TS.BS. Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tuyệt đối không tăng liều thuốc hạ sốt, không dùng thuốc aspirin hoặc ibuprofen.

Thời điểm hiện tại đang là đỉnh dịch của bệnh sốt xuất huyết. Cả nước đã ghi nhận gần 50.000 ca mắc, trong đó có 15 ca tử vong. Số ca mắc tập trung chủ yếu tại khu vực Đông Nam Bộ, miền Trung và Hà Nội.

Đặc biệt, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội đang tăng nhanh và diễn biến bất thường do không khí ẩm ướt, mưa nhiều, sản sinh ra nhiều ổ muỗi gây bệnh.

Tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ghi nhận nhiều ca bệnh nặng nhập viện, trong đó có những ca bệnh trong tình trạng suy thận và tổn thương gan do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ những sai lầm trong điều trị bệnh tại nhà.

TS.BS. Đỗ Duy Cường đã chỉ ra những sai lầm khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà mà người dân cần tránh.

Đó là tự ý sử dụng thuốc hạ sốt và hạ sốt dồn dập. Do bệnh nhân sốt xuất huyết thường sốt cao, nên người nhà luôn tìm cách giảm sốt cấp tốc, nhất là đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bệnh này sốt do virus, nên nhiệt độ hạ xong lại tiếp tục tăng cao.

Người bệnh chỉ nên dùng thuốc giảm sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ 4-5 lần/ngày, 5-6 giờ/lần. Nếu sử dụng thuốc hạ sốt quá liều liên tục sẽ dẫn đến tổn thương gan, kể cả thuốc hạ sốt nhét hậu môn đối với trẻ em.

Để giảm sốt, người nhà nên cho bệnh nhân mặc đồ mỏng, nằm nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước ấm.

Người mắc sốt xuất huyết tuyệt đối không dùng thuốc aspirin và ibuprofen, vì 2 loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.

“Chỉ nên dùng thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol, tổng liều không quá 60 mg/kg cân nặng trong 24 giờ”, TS.BS. Đỗ Duy Cường khuyến cáo.

Các chuyên gia y tế cũng cho biết, bệnh sốt xuất huyết không có kháng thể miễn dịch đối với những người đã mắc bệnh. Mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong cả đời người vì hiện nay có 4 tuýp virus sốt xuất huyết.

Tất cả các đối tượng đều có thể bị sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh, mà chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Đến nay, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh người mắc sốt xuất huyết kiêng tắm, kiêng ăn sẽ khỏi bệnh, vì vậy người bệnh nên vệ sinh sạch sẽ, bổ sung đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước bù dịch.

Tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị sốt xuất huyết vì có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều người cứ thấy sốt là mua kháng sinh sử dụng, nhưng với với bệnh sốt xuất huyết, dùng kháng sinh không khỏi bệnh.

Bên cạnh việc tránh những sai lầm trên, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân những việc cần làm khi bị sốt xuất huyết. Đó là, trong những ngày đầu mắc bệnh, chỉ cần uống thuốc hạ sốt, bù nước qua đường uống, hoặc uống oresol bù dịch hay truyền nếu có chỉ định của bác sĩ.

Nếu người bệnh được chẩn đoán sốt xuất huyết thì cần được làm các xét nghiệm công thức máu, tiểu cầu hằng ngày để bác sĩ có thể đánh giá mức độ bệnh và có hướng điều trị, tránh tình trạng người bệnh phải vào viện quá muộn, gây những biến chứng đáng tiếc.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên