30/12/2009 08:49 GMT+7

Bác sĩ gia đình ở Đà Nẵng

TÚ PHƯƠNG
TÚ PHƯƠNG

TT - Ở Đà Nẵng hiện có hai địa chỉ chăm sóc sức khỏe được gọi là “bác sĩ gia đình” (BSGĐ). Đó là Phòng khám gia đình (50-52 Nguyễn Văn Linh) do bác sĩ người Úc Ross Bernays phụ trách và Trung tâm BSGĐ (73 Nguyễn Hữu Thọ).

ThAlte3w.jpgPhóng to
Bệnh nhi được khám tại Trung tâm bác sĩ gia đình ở Đà Nẵng - Ảnh: Tú Phương

Phòng khám gia đình có khách hàng chủ yếu là những người nước ngoài đang sinh sống tại Đà Nẵng hoặc những người cần chứng nhận y tế để làm thủ tục đi nước ngoài. Còn khách hàng của Trung tâm BSGĐ phần lớn là người dân Đà Nẵng và một số tỉnh lân cận.

Theo BS Trần Hùng - giám đốc Trung tâm BSGĐ, hoạt động của trung tâm này là nhận chăm sóc sức khỏe ban đầu, giúp kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ hằng năm, lưu trữ và bảo mật hồ sơ sức khỏe - dưới dạng bệnh án điện tử - để theo dõi cho các thân chủ. BS Hùng cho biết thêm nhờ nắm chắc bệnh án, trung tâm hỗ trợ từ xa cho bệnh nhân thân chủ để xử lý các tình huống về sức khỏe, thăm bệnh và điều trị cho họ tại nhà khi cần thiết. Trong những trường hợp khác sẽ gửi người bệnh đến đúng BS chuyên khoa hoặc bệnh viện phù hợp để điều trị.

Một người gắn bó nhất với Trung tâm BSGĐ là ông Đ.T. (56 tuổi, Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng) với 541 lượt khám. Ông nói mỗi lần thấy sức khỏe bất ổn là gọi đến trung tâm, có khi ông còn được chăm sóc sức khỏe tại nhà, hướng dẫn xử lý các tình huống đơn giản...

Kể từ khi được cấp phép hoạt động (năm 2003) đến nay, Trung tâm Bác sĩ gia đình đã tiếp nhận theo dõi, quản lý 38.000 hồ sơ sức khỏe đăng ký khám lâu dài. Trong đó, tháng cao nhất có 3.000 lượt người tái khám và khoảng 500 người đăng ký mới để được theo dõi sức khỏe lâu dài.

Chi phí tính theo mỗi lần khám bệnh, xét nghiệm, chụp X-quang, điều trị vật lý trị liệu và khám tại nhà. Theo BS Hùng, khám tại nhà mất nhiều thời gian, thiếu trang thiết bị hỗ trợ, chi phí cũng cao hơn, thậm chí đắt gấp đôi nhưng nhiều thân chủ không thể đến trung tâm khám nên các y, BS phải đến tận nhà. BS Hùng cũng mong muốn phát triển rộng mô hình này để mỗi người dân Đà Nẵng trong tương lai có một BS cho riêng mình suốt đời.

Còn ông N.Đ.B. (72 tuổi, P.Hòa Thuận Đông, Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) - đăng ký với Trung tâm BSGĐ gần bốn năm, đã được khám, điều trị 92 lượt về các bệnh tăng huyết áp, thiểu năng tuần hoàn não - cho biết ông lựa chọn BSGĐ vì muốn có BS luôn nắm rõ tình trạng bệnh của mình. “Nếu đẩy mạnh mô hình này hơn nữa, nhiều người dân như tôi sẽ được lợi, vừa tránh cảnh chen chúc và chờ đợi ở các bệnh viện vừa tiết kiệm thời gian, không phải chạy ngược chạy xuôi tìm kiếm BS tin cậy” - ông B. nói.

Theo BS Nguyễn Út - phó giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, thực tế bệnh viện ở Đà Nẵng có nhiều khoa thường quá tải, phải bố trí giường đôi, giường ba, nhất là vào thời điểm có các dịch bệnh thông thường. Ngành y tế TP khuyến khích mô hình BSGĐ để người dân được quản lý sức khỏe một cách khoa học và tiếp cận dịch vụ y tế gần nhất, tránh tình trạng những bệnh nhẹ thông thường cũng đến bệnh viện. Trong đề án quy hoạch tổng thể ngành y tế TP có chú trọng nâng cấp các bệnh viện hiện có, đồng thời xây dựng, mở rộng một số bệnh viện mới cả hệ thống y tế công lập và ngoài công lập. Đó cũng là cách để việc chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn và góp phần chia sẻ, giảm tải cho các bệnh viện hiện nay.

TÚ PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên