Kỳ 1: Bác sĩ đứng tên chỉ là “cây cảnh”
Phóng to |
Chân dung các bác sĩ dỏm (từ trái qua): Đỗ Quang Thuần, Đỗ Quang Vinh, Trịnh Trúc Khiêm, Trần Cao Cường |
Nổi cộm vấn nạn này là hệ thống nha khoa trải dài trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7 và H.Nhà Bè).
Gia đình bác sĩ dỏm
Các thành viên trong gia đình “bác sĩ” Đỗ Quang Thuần đang làm việc tại bốn phòng nha khoa (đều nằm trên đường Huỳnh Tấn Phát) gồm: Nam Sài Gòn (P.Tân Thuận Đông, Q.7), Phú Xuân (P.Phú Mỹ, Q.7), Nam Sài Gòn, Hoàng Bảo (thị trấn Nhà Bè, H.Nhà Bè). Ông Thuần phụ trách hai phòng nha khoa Nam Sài Gòn. Em trai của ông Thuần là ông Đỗ Quang Vinh phụ trách phòng nha khoa Phú Xuân. Vợ của ông Thuần là bà Tâm phụ trách phòng nha khoa Hoàng Bảo.
Ngày 31-3, liên hệ qua điện thoại, “bác sĩ” Thuần bảo khách đến nha khoa Nam Sài Gòn (H.Nhà Bè). Vừa thấy bệnh nhân bước vào, ông Thuần giới thiệu: “Chào em, anh là bác sĩ Thuần, em vào luôn bên trong anh khám”. Dù xưng là bác sĩ nhưng ông Thuần không cần đeo khẩu trang, mặc áo blouse khi khám cho khách. Sau khi khám và xem hình ảnh X-quang chụp răng số 8, “bác sĩ” Thuần khẳng định phải nhổ răng này. “Nó mọc lệch quá, đâm hẳn vào răng số 7. Kiểu này phải phẫu thuật thôi em à. Đây là ca khó. Anh nhận làm cho em, giá 1,5 triệu đồng” - “bác sĩ” Thuần tư vấn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Đỗ Quang Thuần không phải là bác sĩ. Ông Thuần từng theo học y sĩ tại Đại học Y dược TP.HCM. Em trai của ông, “bác sĩ” Vinh và vợ của ông Thuần, “bác sĩ” Tâm đều không có chuyên môn về nha khoa.
Chiều 26-3, một nữ bệnh nhân đến nha khoa Phú Xuân để tư vấn làm răng giả. Sau khi hỏi thông tin về tên, tuổi khách hàng, nhân viên lễ tân gọi điện thoại cho “bác sĩ” Vinh. “Anh Vinh ơi, có khách đến làm răng. Anh chạy về liền nhé” - nhân viên nói. Khoảng 20 phút sau, ông Vinh đến nha khoa Phú Xuân. Cũng như anh trai của mình, “bác sĩ” Vinh chẳng cần đeo khẩu trang, mặc áo blouse, lấy dụng cụ banh miệng bệnh nhân ra khám. “Em có thể làm cầu răng hoặc cấy ghép răng implant (một trụ nhỏ bằng titan được cấy vào trong xương hàm - PV). Làm implant thì chắc chắn hơn nhưng phức tạp, mất nhiều thời gian và chi phí từ 800-1.000 USD. Anh khuyên em nên làm cầu răng cho nhanh và rẻ hơn nhiều. Nếu đồng ý làm cầu răng thì giờ anh đánh dấu và mài hai cái răng, ít hôm nữa là hoàn thiện” - “bác sĩ” Vinh tư vấn. Dù nói mình có thể tự làm implant nhưng suốt cuộc nói chuyện, ông Vinh luôn thuyết phục khách hàng làm cầu răng. Khi người khách này một mực muốn cấy ghép răng, “bác sĩ” Vinh nói: “Cái đó tùy em thôi. Em quyết định đi rồi quay lại anh cấy răng cho. Anh sẽ làm cho em tại đây luôn”.
Còn đối với bà Tâm, dù tự xưng là bác sĩ nhưng không biết chút gì về kỹ thuật làm nha. Chiều 31-3, một nữ khách hàng đến nha khoa Hoàng Bảo tư vấn làm răng giả. “Bác sĩ” Tâm giảng giải về hàng loạt kỹ thuật làm răng giả. Tuy nhiên khi khách hàng đồng ý làm cầu răng, “bác sĩ” Tâm lại nói: “Chị là bác sĩ tư vấn. Sẽ có bác sĩ khác làm cho em”. Để khách tin tưởng, bà Tâm cho biết trước đây bà học bác sĩ ở Đại học Y dược TP.HCM.
Phụ tá lên đời thành bác sĩ
Một trong số đó là ông Trần Cao Cường (quê Kiên Giang), phụ trách phòng nha khoa Nha Việt (đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7).
Ông Cường trước đây là phụ tá tại một phòng nha khoa trên đường Huỳnh Tấn Phát. “Bác sĩ” Cường tự quảng cáo phòng nha của mình có đội ngũ bác sĩ chuyên răng - hàm - mặt. Về chuyên môn, phòng nha này làm cấy ghép răng, chỉnh hình răng hô, móm, điều trị nha chu... Tuy nhiên thực tế phòng nha này chẳng có bác sĩ nào ngoại trừ “bác sĩ” Trần Cao Cường.
Chiều 31-3, khách đến nha khoa Nha Việt, “bác sĩ” Cường đang làm răng cho một khách hàng. Sau khi làm răng xong cho người khách này, ông Cường bảo khách lên ghế khám răng. “Em nên làm cầu răng cho đơn giản và đỡ tốn tiền. Mấy bệnh viện nhiều lúc cứ tư vấn bệnh nhân cấy ghép răng vậy thôi, chứ làm cầu răng sức nhai vẫn tốt. Em làm đi, anh lấy giá hữu nghị” - “bác sĩ” Cường tư vấn.
Ông Trịnh Trúc Khiêm (quê Bình Định), hiện là “bác sĩ” Khiêm, phụ trách hai phòng nha khoa Việt Hàn Style (đường Huỳnh Tấn Phát, P.Tân Thuận Đông và P.Tân Phú, Q.7), cũng xuất thân là một phụ tá nha khoa. Trước đây, ông Khiêm làm phụ tá ở một phòng nha khoa Q.Gò Vấp. Chiều 27-3, sau khi khám cho một bệnh nhân, “bác sĩ” Khiêm cũng tư vấn khách nên làm cầu răng. “Với kinh nghiệm của mình, anh khuyên em nên làm phương pháp này. Anh đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý cho em. Chính anh sẽ làm cho em luôn. Còn có điều kiện thì cấy ghép răng” - “bác sĩ” Khiêm nói.
Hành nghề chui!
Theo hồ sơ tại Phòng quản lý dịch vụ y tế (Sở Y tế TP.HCM), trong số các phòng nha khoa trên, chỉ có phòng nha khoa Phú Xuân và phòng nha khoa Việt Hàn Style có giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, người đứng tên giấy phép không phải là ông Đỗ Quang Vinh và ông Trịnh Trúc Khiêm. Người đứng tên trong giấy phép hoạt động nha khoa Phú Xuân là bác sĩ Nguyễn Đình Việt, còn nha khoa Việt Hàn Style là bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Diệu. Danh sách nhân sự của hai phòng nha khoa này cũng không hề có “bác sĩ” Đỗ Quang Vinh và “bác sĩ” Trịnh Trúc Khiêm. Trong giấy phép hoạt động của nha khoa Phú Xuân, thời gian hoạt động trong ngày chỉ từ 16g-21g. Tuy nhiên, thực tế phòng nha này hoạt động từ 8g-20g hằng ngày. Nha khoa Việt Hàn Style cũng hoạt động ngoài thời gian cho phép.
Các phòng nha khoa Nam Sài Gòn, Nha Việt, Hoàng Bảo không có giấy phép hoạt động. Phòng nha khoa Nha Việt dù không có giấy phép nhưng đã hoạt động hơn hai năm nay! Phòng quản lý dịch vụ y tế cũng cho biết danh sách các “bác sĩ” gồm: Trần Cao Cường, Trịnh Trúc Khiêm, Đỗ Quang Vinh, Đỗ Quang Thuần chưa được Sở Y tế TP.HCM cấp chứng chỉ hành nghề.
Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm Theo một lãnh đạo của Phòng y tế quận 7, trong năm 2014 phòng y tế đã tổ chức nhiều buổi kiểm tra, xử phạt các cơ sở hành nghề y tư nhân. Trong đó có các phòng nha khoa không có giấy phép, người khám chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề. Riêng nha khoa Phú Xuân từng bị phạt do hoạt động không có giấy phép. “Đối với các phòng khám chuyên khoa đang trong quá trình xin lại giấy phép theo quy định mới, phòng y tế đã xin ý kiến của Sở Y tế, UBND quận 7 về việc vẫn cho phép hoạt động theo phạm vi chuyên môn giấy phép cũ, yêu cầu chủ cơ sở ký cam kết thời gian có giấy phép mới” - vị lãnh đạo này nói. Về việc các phòng nha khoa trên đường Huỳnh Tấn Phát tập trung nhiều bác sĩ “dỏm”, phòng khám không phép, một lãnh đạo của Phòng y tế quận 7 cho biết sẽ vào cuộc điều tra, xử lý. Ông Phùng Văn Tín, phó trưởng Phòng y tế H.Nhà Bè, cho biết sau khi báo Tuổi Trẻ đăng bài phản ánh nha khoa Nụ Cười Việt (xã Phước Kiển, H.Nhà Bè) hoạt động không phép, sáng 14-4 Phòng y tế phối hợp cùng Thanh tra Sở Y tế đã đến kiểm tra phòng nha nhưng nơi đây đã đóng cửa! Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về trách nhiệm cụ thể để xảy ra tình trạng trên, ông Bùi Minh Trạng - chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM - khẳng định: “Về nguyên tắc, Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động cho các phòng khám chuyên khoa nên thường xuyên quản lý, hậu kiểm tra, phối hợp với cơ sở, xử lý đúng quy định khi phát hiện sai phạm. Phòng y tế quận huyện lại có vai trò quan trọng trong việc quản lý, phát hiện các cơ sở, cá nhân hành nghề không phép. Chúng tôi đã yêu cầu các quận huyện báo cáo ngay về thông tin báo Tuổi Trẻ nêu”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận