Phóng to |
Trong nhiều hoạt động, người nữ bác sĩ kiêm bí thư chi đoàn Trung tâm Tam Bình còn hướng dẫn các em nhỏ thực hiện theo những lời Bác dạy.
Từ những ánh mắt trẻ thơ
Với tấm bằng y sĩ, Anh Trường nộp đơn vào Sở LĐ-TB&XH TP.HCM. Ngày đầu về công tác tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, nhìn những ánh mắt trẻ thơ khát khao tình yêu thương, Anh Trường hiểu rằng mình đã thuộc về nơi này. Ở đây còn có những bé có HIV. Lạ thay, chính điều đó lại thôi thúc cô y sĩ trẻ quyết ở lại với các em.
“Tôi muốn góp một phần những gì mình học được để chăm sóc, chữa bệnh cho các em. Các em không có cha mẹ lại mắc bệnh hiểm nghèo, thấy thương nhiều lắm. Tôi tự nhủ không thể bỏ nơi này mà đi”- Anh Trường tâm sự.
Danh hiệu Bác sĩ Nguyễn Anh Trường được Thành đoàn TP.HCM trao tặng Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch năm 2011 dành cho những thầy thuốc trẻ tiêu biểu. Mới đây, Trường còn được tuyên dương thanh niên tiên tiến “Làm theo lời Bác” cụm miền Đông Nam bộ năm 2011. |
Chăm sóc trẻ có HIV dù nói ra hay không nhiều người cũng ngần ngại. Với nữ y sĩ này thì ngược lại, Trường rất tự tin trong công việc, thậm chí gắn bó với các bé một cách thoải mái.
“Nắm vững kiến thức và phòng tránh lây nhiễm cho các bé thì mình sẽ thấy mọi việc bình thường. Thậm chí mình còn phải hướng dẫn các bé lớn biết cách giữ gìn sức khỏe, phòng tránh lây nhiễm cho những người xung quanh”- Anh Trường cho biết.
Lúc cao điểm trung tâm có đến 300-400 trẻ. Vì thế việc chăm sóc, chữa bệnh cho các bé là áp lực với bộ phận y tế của trung tâm. Nhiều hôm Trường về đến nhà đã quá nửa đêm.
Nuôi dưỡng tình yêu thương
Để nâng cao chuyên môn, Trường đã học lên đại học lấy bằng bác sĩ và hiện giờ là phó trưởng phòng y tế của trung tâm. Khi tách những trẻ "có H” (HIV) đến một trung tâm khác để nuôi dưỡng, ở Trung tâm Tam Bình chỉ còn lại những trẻ mồ côi, khuyết tật, Trường lại dành nhiều thời gian hơn cho các em. Trường là người đề ra sáng kiến “đào tạo các bảo mẫu chuyên về vật lý trị liệu” giúp trẻ khuyết tật, đặc biệt là trẻ bại não khắc phục những khiếm khuyết, hòa nhập cuộc sống tốt hơn.
“Trước đây, các bảo mẫu tại trung tâm chưa từng được đào tạo, tập huấn về cách chăm sóc cho các trẻ bại não. Trẻ thường nằm một chỗ bất động, tay chân, thân mình gồng cứng gây khó khăn trong việc chăm sóc, cho ăn dễ bị sặc, chậm phát triển vận động... Do đó, các bé thường xuyên mắc các bệnh về đường hô hấp do nằm lâu gây ra tình trạng ứ đọng phổi, suy dinh dưỡng, táo bón, co giật, động kinh... Tôi nhận thấy cần có một đội tập vật lý trị liệu cho các cháu nhằm phục hồi chức năng cho nhóm trẻ này, tuy không hồi phục được hoàn toàn nhưng sẽ giúp trẻ hòa nhập cộng đồng, giảm nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, cải thiện tình trạng co cứng cơ”- bác sĩ Anh Trường cho biết.
Với các em đang đi học, Trường gần gũi để hướng dẫn các em làm theo Năm điều Bác Hồ dạy. Những lần dẫn các em tham gia các kỳ trại, Trường luôn chăm sóc các bé từ miếng ăn, giấc ngủ và cùng chơi đùa với các bé.
Trải lòng với yêu thương, Anh Trường bày tỏ: “Bác dạy lương y như từ mẫu, huống chi mình lại làm việc ở môi trường rất cần sự yêu thương dành cho các bé. Tình cảm mà các bé dành cho mình làm cho cuộc sống mình vui hơn”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận