28/09/2014 06:30 GMT+7

​Bác sĩ cử tuyển, nên cử ai?

VÂN TRƯỜNG - LAN ANH ghi
VÂN TRƯỜNG - LAN ANH ghi

TT - Nếu không đào tạo hệ cử tuyển thì không thể có bác sĩ, dược sĩ về làm việc lâu dài ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

 

Đó là ý kiến của ông PHẠM VĂN LÌNH (hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Cần Thơ).

Ngày 25-9 tại TP Cần Thơ, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã họp với ban giám hiệu Trường ĐH Y dược Cần Thơ, Bộ GD-ĐT và báo Tuổi Trẻ để trao đổi, làm rõ thêm vấn đề đào tạo bác sĩ cử tuyển mà báo Tuổi Trẻ phản ánh trên các số báo ngày 22, 23 và 24-9. 

Diễn đàn chủ nhật giới thiệu một số ý kiến tại cuộc họp và thêm ý kiến từ đại biểu Quốc hội và Bộ Y tế.

Người dân cần có nhiều bác sĩ giỏi

Tại cuộc họp này, Vụ văn hóa - xã hội thuộc Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết sau khi báo Tuổi Trẻ đăng bài “Có nên đào tạo bác sĩ cử tuyển?”, có rất nhiều bạn đọc bình luận trên Tuổi Trẻ Online gây xôn xao dư luận.

Trong đó có nhiều ý kiến băn khoăn về chất lượng của số sinh viên cử tuyển ra trường, thậm chí đề nghị ngừng đào tạo bác sĩ cử tuyển.

Hiện nay, một số gia đình có con em đang học hệ cử tuyển muốn cho con nghỉ học vì sợ ra trường không có việc làm; bị phân biệt đối xử khi đi làm việc; một số sinh viên có học lực khá, trung bình bị mặc cảm.

Trường ĐH Y dược Cần Thơ đã thông tin thêm những vấn đề về công tác đào tạo và giải pháp để nâng chất lượng đầu ra đối với sinh viên hệ cử tuyển.

Theo PGS.TS Nguyễn Trung Kiên - phó hiệu trưởng, trường đang đào tạo 429 sinh viên cử tuyển ngành y đa khoa. Trước đó đã có 47 bác sĩ cử tuyển tốt nghiệp. Dự kiến năm 2015 số sinh viên đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp khoảng 80 người.

“Nhiều sinh viên cử tuyển không tốt nghiệp đúng thời gian thiết kế cho chương trình đào tạo bác sĩ 6 năm thì phải học đến 7-8 năm, thậm chí 9 năm. Một số sinh viên không đạt yêu cầu theo quy định thì nhà trường trả về địa phương. Tuy nhiên cũng cần khẳng định không phải tất cả sinh viên cử tuyển đều tốt nghiệp trung bình mà vẫn có những em tốt nghiệp loại khá” - ông Kiên nói.

Về thông tin bác sĩ không biết ruột thừa nằm ở đâu, thạc sĩ - bác sĩ Phan Văn Khoát, Trường ĐH Y dược Cần Thơ, nói rõ thêm: “Sinh viên y đương nhiên biết ruột thừa nằm ở đâu, nhưng cá biệt có sinh viên y năm thứ 6 (năm cuối) khi được tôi yêu cầu vẽ vị trí tương quan của ruột thừa trong ổ bụng thì không vẽ được chính xác”.

Ông Lê Xuân Trung, tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, nói không phải đến bây giờ báo chí mới đề cập vấn đề bác sĩ cử tuyển.

“Sở dĩ chúng tôi nêu lại vì muốn tìm kiếm giải pháp tích cực hơn đối với hệ đào tạo này. Điều quan trọng nhất là người dân sẽ được hưởng lợi khi ở địa phương mình có nhiều bác sĩ giỏi phục vụ. Người dân sống ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số vốn đã chịu rất nhiều thiệt thòi. Cho nên chúng ta cần giúp họ có cuộc sống tốt hơn, trong đó có việc bảo đảm các dịch vụ khám chữa bệnh tốt như ở những nơi khác” - ông Xuân Trung nói.

Ông Dương Quốc Xuân, phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, đề nghị các bên cần ổn định tình hình dư luận và tư tưởng của sinh viên cử tuyển, giúp các em yên tâm học tập.

Riêng Trường ĐH Y dược Cần Thơ tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt đối với sinh viên hệ cử tuyển, để các em có điều kiện trở thành những bác sĩ giỏi phục vụ người dân ở địa phương nơi mình sinh sống.

Ông Phạm Văn Lình, hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Cần Thơ, phát biểu tại cuộc làm việc của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ - Ảnh: V.Trường
Ông Phạm Văn Lình, hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Cần Thơ, phát biểu tại cuộc làm việc của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ - Ảnh: V.Trường

* Ông PHẠM VĂN LÌNH (hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Cần Thơ):

Đề nghị tiếp tục đào tạo bác sĩ cử tuyển

Nếu không đào tạo hệ cử tuyển thì không thể có bác sĩ, dược sĩ về làm việc lâu dài ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Với chủ trương đảm bảo chất lượng trong quá trình học tập và chất lượng thi tốt nghiệp, nhà trường xét và đánh giá kết quả học tập theo đúng quy chế.

Nếu không đạt yêu cầu thì phải học thêm một năm, hai năm hoặc ba năm.

Nếu không đủ điểm tích lũy trong năm học thì cho ngưng tiến độ, buộc thôi học, không công nhận tốt nghiệp. 

Trong các khóa có 69/94 sinh viên tốt nghiệp đúng thời gian khóa học, chiếm 73,5%. Số còn lại phải học thêm 1-2 năm để tích lũy đủ khối lượng kiến thức theo chương trình đào tạo mới được công nhận tốt nghiệp. 69 bác sĩ, dược sĩ cử tuyển ra trường (23,5% loại khá, còn lại là trung bình và trung bình khá), chúng tôi đánh giá chất lượng đào tạo tốt.

Việc đào tạo hệ cử tuyển rất khó khăn vì các em có hạn chế về phương pháp học và phương pháp tự học, về năng lực tiếp thu trên lớp. Nhưng với kinh nghiệm qua 10 năm giảng dạy cho đối tượng này, đặc biệt sau ba khóa tốt nghiệp, chúng tôi đã rút ra được những bài học kinh nghiệm để tăng cường đảm bảo chất lượng đào tạo cho đối tượng này.

Nhà trường đề nghị Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế tiếp tục cho phép trường đào tạo cử tuyển, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cũng là nguyện vọng và mong muốn của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào đang sinh sống ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

* Ông VÕ TRỌNG HỮU (vụ trưởng Vụ văn hóa - xã hội Ban chỉ đạo Tây Nam bộ):

Cần sơ kết, đánh giá

Quy trình đào tạo cử tuyển từ việc báo cáo nhu cầu đào tạo, phân bổ chỉ tiêu đến khâu xét tuyển ở các địa phương diễn ra công khai, dân chủ đúng hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương. Khi xảy ra sự việc tiêu cực (vụ cử tuyển con cán bộ Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Trà Vinh - PV), cấp ủy, chính quyền địa phương đã kịp thời xử lý, uốn nắn. Không phải tất cả sinh viên cử tuyển đều là con, cháu của cán bộ, phải “chạy” để được vào học cử tuyển. 

Hiện nay nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn thiếu và yếu. Phần lớn cơ sở y tế công lập đều trong tình trạng quá tải, xã hội hóa về y tế đạt hiệu quả chưa cao, y tế tư nhân phát triển chậm. Tỉ lệ xóm, ấp có nhân viên y tế chỉ đạt 79%. Trung bình chỉ có 4,8 bác sĩ/10.000 dân (cả nước 7,5 bác sĩ/10.000 dân); riêng tỉnh Hậu Giang chỉ có 3,6 bác sĩ/10.000 dân.

Để đạt mục tiêu đến năm 2020 có 9 bác sĩ/10.000 dân và 2,2 dược sĩ/10.000 dân, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long cần phải đào tạo hơn 7.068 bác sĩ và hơn 3.095 dược sĩ. Tương ứng mỗi năm phải đào tạo gần 1.173 bác sĩ và hơn 512 dược sĩ. Do đó phải tăng cường đào tạo nguồn nhân lực y tế bằng nhiều hình thức, trong đó có việc đào tạo bằng hình thức cử tuyển.

Đề nghị Ban chỉ đạo Tây Nam bộ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD-ĐT và các bộ ngành có liên quan tham mưu cho Chính phủ tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá tình hình thực hiện nghị định 134 về cử tuyển để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc, đề ra giải pháp thực hiện tốt chính sách cử tuyển trong thời gian tới.

* Ông NGUYỄN CÔNG KHẨN (cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế):

Sẽ “đào tạo liên tục”

Ông Nguyễn Công Khẩn - Ảnh: Hoàng Ngọc
Ông Nguyễn Công Khẩn - Ảnh: Hoàng Ngọc

Bộ Y tế đã ban hành thông tư hướng dẫn đào tạo liên tục, các tỉnh thành được yêu cầu bắt buộc đào tạo liên tục cho các thầy thuốc như một tiêu chí bắt buộc với người hành nghề.

Năm 2014 có khoảng 200 bác sĩ hệ cử tuyển ra trường. Số này sau khi về tỉnh thì tỉnh sẽ thực hiện đào tạo thêm cho bác sĩ.

Ngành y tế cũng đang triển khai dự án hợp tác với Ngân hàng Thế giới về kiểm định chất lượng y khoa giai đoạn 2013-2017. 

Hiện bộ đã “bắt mạch” được những yếu kém, khó khăn trong đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và dự định triển khai đánh giá chất lượng thực tế của nhóm bác sĩ cử tuyển đã ra trường, xem thực tế họ làm việc ra sao...

Chúng tôi cũng coi đây là biện pháp ngắn hạn, đáp ứng nhu cầu nhân lực trước mắt, về lâu dài sẽ phải có những hình thức khác để có đủ nhân lực.

* Đại biểu Quốc hội TRẦN NGỌC TĂNG:

Duy trì chính sách cử tuyển cho vùng sâu vùng xa

Ông Trần Ngọc Tăng - Ảnh: Lan Anh
Ông Trần Ngọc Tăng - Ảnh: Lan Anh

Tôi cho là trong giai đoạn còn thiếu cán bộ y tế ở vùng sâu vùng xa thì nên duy trì chính sách cử tuyển để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe.

Nhưng cử tuyển phải đúng đối tượng, đúng địa chỉ là những khu vực đang thiếu thầy thuốc, nhất là sau khi đi học các em trở về địa phương mình được cử đi học để làm việc hoặc theo sự phân công và nhu cầu của địa phương.

Tuy nhiên, đối tượng được cử tuyển đi học bác sĩ nên sàng lọc từ đầu nguồn, đẩy mạnh đưa nhóm y sĩ đang công tác trong ngành y tế, đã có thời gian làm việc lâm sàng đi học thêm bốn năm để trở thành bác sĩ.

Ngày trước từng có những giáo sư, thầy thuốc rất giỏi vốn chỉ tự học hoặc ban đầu chỉ học trung cấp y khoa. Tôi cũng biết có những y sĩ làm việc rất giỏi và đào tạo thầy thuốc cử tuyển từ nhóm này sẽ hiệu quả.

Song song với đó là các em học sinh tốt nghiệp THPT đang sống ở vùng khó khăn, đang thiếu cán bộ y tế. Nếu các em chưa đạt về yêu cầu học vấn thì có thể phụ đạo thêm và cho các em theo học dự bị thêm một năm để đủ điều kiện học chuyên môn. Khi các trạm y tế xã ở vùng khó khăn đã đủ bác sĩ làm việc thì có thể dừng chương trình này.

* Đại biểu Quốc hội PHẠM ĐỨC CHÂU:

Nên đào tạo y sĩ thành bác sĩ

Ông Phạm Đức Châu - Ảnh: V.Dũng
Ông Phạm Đức Châu - Ảnh: V.Dũng

Đang có một đội ngũ lớn các y sĩ có thâm niên, nếu đầu tư đào tạo từ đội ngũ này sẽ hiệu quả hơn là đào tạo từ học sinh THPT học lực trung bình hoặc khá đi học bác sĩ.

Nếu đào tạo bác sĩ chất lượng kém mà đưa ra chữa bệnh thì rất nguy hiểm, có khi chữa “lợn lành thành lợn què”.

Phải thay đổi theo hướng đầu tư khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến xã phường tốt lên, còn đội ngũ nhân lực ở các vùng chưa có bác sĩ thì sử dụng y sĩ đào tạo lên bác sĩ.

Ở bệnh viện, hai yếu tố quan trọng nhất là thiết bị và nhân lực, chứ còn vỏ bệnh viện khang trang mà không có nhân lực giỏi cũng không hiệu quả, như ở Thừa Thiên - Huế tôi thấy có hai bệnh viện mới xây mà không có bác sĩ giỏi, thành ra không có cả bệnh nhân.

 

VÂN TRƯỜNG - LAN ANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên