Chương trình Giai điệu tự hào tháng 5 phát trên VTV1 tối 26-5.
Bên cạnh những phóng sự phỏng vấn nhân vật, kể lại tình cảm của Bác Hồ dành cho Quân đội nhân dân Việt Nam, Giai điệu tự hào cũng tái hiện nhiều ca khúc đi cùng năm tháng: Vì nhân dân quên mình, Bộ đội về làng, Bước chân trên dải Trường Sơn...
Bác Hồ gần gũi, cốt cách như ông tiên
Chương trình Giai điệu tự hào tháng 5 phác họa lại chân dung Bác Hồ thông qua lời kể của những nhân chứng.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh - nguyên phó cục trưởng Cục tác chiến, Bộ Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam - gặp Bác Hồ ở Trường Văn hóa quân đội đóng tại Lạng Sơn.
Lúc đó, Bác đến thăm một cách bất ngờ. Khi xe dừng, Bác bảo "các chú dẫn Bác xuống nhà bếp".
Ông Ninh kể: "Trên những chiếc bàn dài, ruồi bu ghê quá, Bác vừa đi vừa quạt ruồi. Các cô ở nhà bếp sợ lắm nhưng Bác chỉ dặn lần sau Bác lên thăm, làm sao không còn có ruồi nữa. Không khí rất vui vẻ".
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nói, khi tiếp xúc với Bác, ông ấn tượng "râu tóc của Bác đẹp lắm. Đẹp hơn bất cứ bức ảnh nào. Bác có cốt cách như ông tiên, không bao giờ giận dữ với cấp dưới mà thương yêu, bao dung lắm".
Sau này, mỗi khi ông Ninh gặp khó khăn, nghĩ đến những huy hiệu mà Bác đã thưởng, lại có một sức mạnh ghê gớm giúp ông hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào.
Đại tá Nguyễn Xuân Mai, nguyên tổng biên tập báo Phòng Không - Không Quân, kể về "tấm ảnh lịch sử" trong sự nghiệp của mình.
Năm 1965, dù hơn 70 tuổi, Bác vẫn đến trận địa pháo cao xạ đóng tại sân bay Bạch Mai (Hà Nội) động viên các chiến sĩ trong Trung đoàn tên lửa SAM-2 đầu tiên của quân đội ta trước giờ ra quân đi chiến đấu.
Lúc bấy giờ ông Nguyễn Xuân Mai là phóng viên của Quân chủng Phòng không không quân. Bác đến một khẩu đội pháo thăm, sau khi nói chuyện với các chiến sĩ xong, Bác đứng lên hỏi khẩu đội trưởng: "Các chú ở đây đội cái mũ sắt trên đầu có nặng lắm không? Có nóng lắm không?" rồi Bác cầm mũ sắt và đội lên đầu Bác.
Đúng lúc ấy, ông Mai bấm máy được tấm hình ý nghĩa đó. Đó là ngày 19-7-1965, tới giờ ông vẫn nhớ như in.
Bác nói miền Nam trong trái tim Bác, ai nghe cũng rung động nên lên đường
Đại tá Nguyễn Viết Sinh (quê Nghệ An) nhập ngũ năm 1961, là một trong những chiến sĩ Trường Sơn thồ hàng vào miền Nam đầu tiên.
Sau khi trải qua huấn luyện, ông gia nhập Đoàn 559 làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa qua dãy Trường Sơn nối liền chi viện hai miền Nam - Bắc.
Ông kể lúc đó, súng đạn, thực phẩm… cho miền Nam chỉ có thể thồ vào bằng sức người. Leo đèo quá dốc, không cẩn thận, người đi trước choán hết người đi sau.
Khi xuống dốc, người đi sau gần như giẫm lên đầu người đi trước. Trời thì mưa rét. Trên đỉnh Trường Sơn mưa dầm gió bấc.
"Ban đầu, có anh em chỉ thồ được 15 - 20kg hàng. Có người chỉ thồ được 5kg. Sau được tôi rèn lên, có người mang 15 - 20kg, 30 - 40kg, thậm chí 50kg là thường", ông Sinh nhớ lại.
Ông nói mỗi ngày cuốc bộ 40kg. Các chiến sĩ Trường Sơn đều tìm cách tự nâng dần số lượng hàng trên vai. Khẩu hiệu lúc đó là "một viên đạn là một quân thù, một cân hàng là đồng bào miền Nam bớt đổ máu".
Thời điểm cao điểm nhất, vào năm 1965, ông mang hơn 75kg mỗi ngày trong khi người chỉ nặng 57 - 58kg.
Trong 4 năm, với 1.089 ngày làm việc, ông Nguyễn Viết Sinh đã thồ 55 tấn hàng trên lưng, đi qua quãng đường có chiều dài 41.025km, tương đương một vòng trái đất theo đường xích đạo.
Ngày 1-1-1967, đại tá Nguyễn Viết Sinh là một trong ba chiến sĩ Trường Sơn đầu tiên của Đoàn 559 được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là chiến sĩ giao liên Trường Sơn thồ hàng và dẫn quân có quãng đường dài nhất.
Ông nói lúc đó vào chiến trường theo lời kêu gọi của Bác Hồ, không ai nghĩ mình làm vì thành tích, danh hiệu… Bác nói "Miền Nam trong trái tim Bác', người Việt Nam nào cũng có trái tim, ai nghe cũng rung động nên lên đường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận