10/03/2010 07:20 GMT+7

Ba Tơ - con người, vùng đất anh hùng...

VÕ QUÝ CẦU
VÕ QUÝ CẦU

TT - Ngày mai (11-3), tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức mittinh kỷ niệm 65 năm ngày khởi nghĩa Ba Tơ và công bố quyết định của Chủ tịch nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang cho đội du kích Ba Tơ.

CLd8Mcp1.jpgPhóng to
Núi Cao Muôn - căn cứ của đội du kích Ba Tơ - giờ vẫn một màu xanh thẳm, dưới chân núi có chiếc cầu treo bắc qua suối Nước Nẻ - Ảnh: V.Q.C.

Cụ Võ Phấn - 97 tuổi, có năm người thân trong tổng số 17 cán bộ, đội viên của đội du kích tham gia khởi nghĩa Ba Tơ và là một trong ba người trong đoàn quân khởi nghĩa hiện còn sống (cùng với trung tướng Nguyễn Đôn, đại tá Phạm Hương) - nhớ lại: Những năm đó tại Quảng Ngãi, quân Pháp lập nhà tù Di Lăng (Sơn Hà) và ở huyện lỵ Trà Bồng để giam những người yêu nước và sau khi mãn hạn tù lại chuyển về căng an trí (nơi giam lỏng người tù) ở Ba Tơ để tiếp tục giam lỏng. Chúng cho rằng cách quản thúc chỉ đi lại, làm ăn trong bán kính 500m và mỗi ngày phải tập hợp để điểms danh ẽ làm tù chính trị phai nhạt ý chí đấu tranh và rừng thiêng nước độc sẽ giết dần giết mòn người tù.

Niềm tự hào của các thế hệ

Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Trần Trung Chính nói: “Ba Tơ được nhiều người biết đến là nhờ có khởi nghĩa Ba Tơ, có đội du kích Ba Tơ được công bố quyết định tuyên đương Anh hùng LLVT vào ngày 11-3 và huyện Ba Tơ đã được hai lần tuyên dương anh hùng gồm Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới là mừng. Nhưng vấn đề còn lại là giáo dục ý thức cách mạng, truyền cho các thế hệ một niềm tin.

Cũng chính vì điều này nên thị trấn Ba Tơ, nay đã là một thị trấn huyện lỵ sầm uất nằm bên quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi với Tây nguyên, có nhiều con đường mang tên những lãnh đạo, đội viên du kích Ba Tơ như trung tướng Phạm Kiệt, Trần Quý Hai, Trần Lương (tức Trần Nam Trung)...

Tháng 12-2009, phân hiệu Ba Vì của Trường THPT Ba Tơ được hình thành trường mới, Huyện ủy Ba Tơ lại chọn tên là Trường THPT Phạm Kiệt, người chỉ huy đội du kích Ba Tơ, cũng là cách để giáo dục con cháu sống mãi niềm tin từ một quá khứ hào hùng”.

Ký ức một thời...

Thời điểm đó cụ Phấn cùng chú ruột là Võ Nhiếp, người em con của bà cô ruột là Lê Đồng và bạn tù Nguyễn Nhạn đi buôn cau, làm ruộng, hốt thuốc bắc, chăn vịt để sống và chờ thời cơ. Rồi từ nhà lao Buôn Ma Thuột, ông Phạm Kiệt (tức trung tướng Phạm Kiệt) mãn hạn tù lại bị Pháp chuyển về quản thúc tại căng an trí nên những tù nhân được ông trao đổi về tình hình thế giới như Hồng quân Liên Xô đã phá vòng vây của phát xít Đức.

Tại châu Á, quân Đồng minh đang chiến tranh với phát xít Nhật nên theo tinh thần nghị quyết T.Ư 8 (tháng 12-1941) của Đảng, những chiến sĩ cộng sản tích cực chuẩn bị chờ thời cơ.

Cụ Phấn nói khi đó những ông “an trí” có giá lắm. Bởi vì tất cả đều có học, có tinh thần yêu nước, đã trải qua chốn lao tù nên mặc dù bị quản thúc họ đã được đồng bào dân tộc H’Re trong vùng thương yêu và cai đội lính khố xanh cũng nể phục. “Mình có em gái là Võ Thị Bân đã cùng mẹ lên thăm anh trai ở căng an trí rồi đem lòng yêu người đồng chí của mình là Nguyễn Nhạn. Để rồi gia đình của tôi ở căng an trí lại có thêm một thành viên mới” - cụ Phấn kể.

Rồi tình hình diễn ra đúng như nghị quyết T.Ư 8. Sau khi quân Nhật, Pháp bắn nhau vào ngày 9-3-1945 đã tạo thời cơ cách mạng. Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi, những người “an trí” nhanh chóng thành lập ban khởi nghĩa, tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Trước khởi nghĩa một ngày, cụ Phấn có người em trai là Võ Thứ (tức trung tướng Võ Thứ), học bậc đệ tam ở Trường trung học Mai Xưa (Quảng Ngãi) đã cùng mẹ lên thăm anh rồi tự nguyện sung vào đội quân khởi nghĩa tước súng địch, bao vây chiếm nha kiểm lý của chính phủ Nam triều rồi đánh chiếm đồn Ba Tơ. Sau khởi nghĩa, đội du kích Ba Tơ được thành lập và tổ chức tuyên thệ “Hi sinh vì Tổ quốc” tại hang Én, rồi vượt sông Liêng tiến về núi Cao Muôn để thành lập căn cứ.

Đại tá Phạm Hương, 92 tuổi, nguyên đội viên du kích Ba Tơ, kể: “Ở chiến khu Cao Muôn, ban ngày nóng, đêm lạnh, vắt và bọ chét nhiều vô kể”. Nhưng mặc cho gặp rất nhiều khó khăn, những đội viên du kích đã tích cực tập luyện. Trong sương mù Cao Muôn, từ sáng sớm đã vọng về những bước chân rầm rập, tiếng hô vang của đội viên du kích.

Để đảm bảo lương thực, đội du kích đã phân công ông Hương cùng một số cán bộ về vùng đồng bằng huy động lương thực, thực phẩm chuyển lên bằng đường sông. Ông Hương kể: “Mỗi đêm chúng tôi đi ba chuyến, xuất phát lúc 3g sáng. Qua huyện lỵ Nghĩa Hành và đồn Đá Chát phải ngụy trang cẩn thận. Có lúc Nhật kiểm soát gắt gao, giả dạng người đi buôn mạn ngược cũng không thoát, đành phải bỏ thuyền đi luồn trong lau lách lên Ba Động để động viên bà con góp gạo và đào khoai lang bỏ vào gùi, gùi lên núi cho anh em...”.

Từ núi rừng Ba Tơ, đội du kích Ba Tơ xuôi về đồng bằng thành lập đại đội Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám tham gia tổng khởi nghĩa cướp chính quyền vào tháng 8-1945 ở Quảng Ngãi, và trở thành lực lượng nòng cốt trong kháng chiến chống Pháp ở khu vực Nam Trung bộ.

jM4Qwt5b.jpgPhóng to
Đại tá Phạm Hương, nguyên đội viên du kích Ba Tơ, kể lại những ngày gian khổ mà hào hùng trên căn cứ Cao Muôn - Ảnh: V.Q.C.

Hai lần anh hùng

Tại vùng chiến khu Cao Muôn xưa dòng sông Liêng nước vẫn trong xanh. Nhưng dưới chân núi Cao Muôn bây giờ có những bản làng của đồng bào H’Re tươi màu ngói mới. Có một chiếc cầu treo được xây dựng bắc qua suối Nước Nẻ đổ ra dòng sông Liêng nên không phải lội suối như ngày nào. Tại căn cứ Nước Sung, Nước Lá đã được Nhà nước xây dựng bia di tích.

Theo con đường bêtông vòng qua những cánh đồng ruộng bậc thang về thôn Nước Sung, chúng tôi gặp bà Phạm Thị Khai, con gái duy nhất của già Run, một già làng được ông Nguyễn Đôn, chỉ huy phó đội du kích giác ngộ, bị quân Nhật dùng gươm cứa cổ nhưng vẫn không khai báo về tung tích của đội du kích. Bà Khai kể: “Sau ngày đó bản bị đốt thành tro, chiêng, ché, nồi đồng bị quân Nhật đập phá, dân bản gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng chúng đốt nhà thì mình dựng lại, chiêng, ché, nồi đồng thì mình làm ăn rồi mua sắm lại thôi”.

Ông Phạm Văn Truyền, dân tộc H’Re, nguyên bí thư Đảng ủy xã Ba Lang (gồm vùng Nước Sung, Nước Lá trong chiến tranh), hiện tuổi đã ngoài 70. Hỏi chuyện xưa, ông tự hào, cười lớn: “Đồng bào mình tin vào mấy ông “an trí”, tin vào cách mạng đánh Pháp, đuổi Nhật giành độc lập. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng bào H’Re ở Ba Lang đã tự nguyện theo họ của bác Phạm Văn Đồng tham gia đánh Mỹ giải phóng huyện lỵ vào tháng 3-1972, nên được Nhà nước tuyên dương huyện Ba Tơ là Anh hùng lực lượng vũ trang. Anh hùng là phải xứng đáng, mà cuộc sống khó khăn khổ cực thì anh hùng sao được...”.

Thế là những năm sau chiến tranh, được cán bộ đến hướng dẫn cách làm ăn, chăn nuôi trâu bò, ông Truyền bỏ công sức đến từng nhà bảo bà con: “Đồng bào mình theo cách mạng, đánh Pháp, Nhật, Mỹ chạy dài cũng để làm chủ cái rẫy, cái suối để cuộc sống đỡ hơn. Mà muốn thế phải nghe theo lời cán bộ hướng dẫn cách làm ăn mới khá lên được”...

Dân làng ở Nước Sung, Nước Lá đã bỏ nhiều công sức làm đập để có nước tưới lúa, đưa cây mây rừng trên núi cao về trồng ở vườn nhà, rồi nuôi bò, nuôi heo nên cuộc sống dần khá hơn. Anh Phạm Văn Đua, dân tộc H’Re, ở thôn Làng Men, xã Ba Dinh, nói: “Cứ mỗi lần nghe cán bộ nói quê mình có khởi nghĩa Ba Tơ, được tuyên dương anh hùng thời chống Mỹ là sướng cái bụng lắm. Nhưng đã anh hùng rồi mà dân nghèo, xã nghèo thì ngại lắm...”.

Chính vì vậy mà anh chẳng bỏ sót một buổi hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi do cán bộ huyện về hướng dẫn tại xã. Cũng từ đó, trên đồng làng Men thiếu nước tưới, anh bàn bạc cùng bà con chuyển từ trồng lúa sang trồng mía. Cây mía được trồng và chăm bón đúng kỹ thuật nên rất tốt. Cứ mỗi năm anh bán cho Nhà máy đường Phổ Phong 20-30 tấn mía. Năm 2009, chỉ tính riêng cây mía anh có thu nhập trên 100 triệu đồng. Anh Đua được bình bầu là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Chính nhờ niềm tin nỗ lực khôi phục hàn gắn vết thương chiến tranh của nhiều người dân mà huyện Ba Tơ vinh dự được Nhà nước tuyên dương anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Vài nét về khởi nghĩa Ba Tơ

Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ diễn ra ngày 11-3-1945. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi, đồng bào Kinh và đồng bào H’Re từ Trường An, Suối Loa (xã Ba Động) mang giáo mác và biểu ngữ kéo lên châu lỵ Ba Tơ hô vang khẩu hiệu “Đánh đổ quân phiệt Nhật, tẩy sạch thực dân Pháp”, “Việt Nam độc lập” làm quân địch hoảng sợ.

Đến tối 11-3 quân khởi nghĩa do các đồng chí Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn và Nguyễn Khoách chỉ huy, chia thành hai mũi xông vào nha kiểm lý tước vũ khí địch, bắt sống tri châu Bùi Danh Ngũ, tịch thu toàn bộ vũ khí. Sau đó, đoàn quân khởi nghĩa gồm 17 chiến sĩ trang bị 11 khẩu súng được sự hỗ trợ của hàng vạn quần chúng tiến về đánh chiếm đồn Ba Tơ. Quân khởi nghĩa nhanh chóng chiếm đồn, tịch thu 17 súng, 50 hòm đạn, giải phóng châu lỵ Ba Tơ. Sáng 12-3, ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Ba Tơ tổ chức mittinh tuyên bố cuộc khởi nghĩa thắng lợi.

Sáng 9-3-2010, nhiều cụ ông từng là thành viên của hai đại đội Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng (được hình thành sau khi đội du kích Ba Tơ từ chiến khu Cao Muôn tỏa về đồng bằng xây dựng lực lượng tiến hành tổng khởi nghĩa tháng 8-1945) trở về dự lễ kỷ niệm 65 năm ngày khởi nghĩa Ba Tơ.

Cụ Phạm Văn Bình - 90 tuổi, nguyên thành viên đại đội Phan Đình Phùng, hiện sống ở khu tập thể điện lực, TP Thái Nguyên, được người cháu ruột đưa đến Quảng Ngãi dự lễ kỷ niệm - nói: “Được Nhà nước tuyên dương anh hùng cho đội du kích là xứng đáng. Tuổi cao, sức yếu nhưng tôi cũng cố gắng vào để được gặp lại đồng chí, anh em...”.

VÕ QUÝ CẦU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên