Nguyễn Duy Tùng là người đàn ông có khuôn mặt rạng rỡ, nước da ngăm đen, khỏe mạnh, rắn chắc, 33 tuổi, quê gốc Phú Thọ, nhưng mảnh đất nơi anh kiếm sống trước khi lên đường là Nghệ An, với nghề làm bánh mì. Anh ngồi trò chuyện với chúng tôi sau bữa tối tại phòng ăn ở Đại sứ quán Việt Nam tại Santiago. Chưa đầy 24 giờ nữa Tùng ra sân bay về Hà Nội. Đây là buổi tối cuối cùng của Tùng trên mảnh đất Nam Mỹ, nơi anh đặt bước chân đầu tiên ở Lima (Peru) ngày 8-9-2012. Tùng bị buộc phải trở về Việt Nam với hai cảnh sát áp giải, vì anh là một trong ba thuyền viên Việt Nam đã liều mình nhảy xuống dòng biển chảy xiết ngoài vịnh Santiago để bơi vào bờ, đào thoát khỏi con tàu họ đang làm thuê.
Cuộc “đổ bộ” bất đắc dĩ
Tùng nhớ lại, đó là đêm 13-1-2013 tại một địa điểm cách bờ 3km ở vùng biển cực nam Chile, trong lúc con tàu Đài Loan dừng tạm để chờ đi vào vùng biển Argentina. Ba thuyền viên Việt Nam gồm Nguyễn Duy Tùng, Phạm Văn Xuân (25 tuổi, quê Hà Tĩnh) và Lê Xuân Trung (35 tuổi, quê Nghệ An) quyết định rời tàu khi đã quá sức chịu đựng. Họ buộc bốn cái phao vào một tấm ván gỗ nguyên là vạt giường trên tàu thành một cái bè, thả xuống vịnh Santiago rồi từng người một đu dây từ boong tàu cao 5m so với mặt biển xuống bè. Sau hai tiếng chèo tay nhằm theo hướng bờ, họ lên đất liền chỉ với mỗi người một bộ đồ làm việc trong hầm đông lạnh trên tàu, 20 cái bánh bao lấy trộm mang theo, trong túi không có một xu.
Suốt một đêm, một ngày lang thang, tìm việc không thành công, ba thuyền viên Việt đành nhờ một người Chile gọi điện cho cảnh sát. Báo của Chile mô tả: “Với quần áo trên người vẫn còn ướt, ba công dân Việt Nam ngơ ngác bước trên các đường phố ở khu vực Punta Arenas, các cử chỉ ra hiệu bằng tay là phương tiện chủ yếu để nhận biết nguyên cớ nào đã đưa ba thuyền viên Việt Nam đến đây”. Do ba người không biết tiếng Anh cũng như tiếng Tây Ban Nha, cảnh sát Chile phải dùng đến công cụ dịch thuật của Google cho đến khi có người của Đại sứ quán Việt Nam tại Chile đến làm việc.
Cũng theo báo Chile, ba công dân Việt Nam này dù sao vẫn còn may mắn hơn nhiều so với bốn thuyền viên Trung Quốc - những người cũng mạo hiểm nhảy xuống biển trong hoàn cảnh tương tự vào tháng 12 năm ngoái - phải bơi trong làn nước giá lạnh của eo biển Magallanes và rồi cuối cùng hải quân Chile đã tìm thấy thi thể ba người, người thứ tư vẫn chưa tìm thấy. Rất may cho ba thủy thủ Việt là vào thời gian này nước ấm, còn bình thường nước ở đây lạnh buốt, chỉ cần ngâm trong nước chừng vài phút là chết cóng.
Làm cực khổ mà không nhận được tiền
Vì sao ba thuyền viên phải nhảy khỏi tàu Đài Loan? Duy Tùng kể lại: “Cháu đi theo hợp đồng làm việc cho tàu đánh bắt cá Đài Loan từ một công ty ở Hà Nội trong thời gian hai năm, với mức lương được hứa là 450 USD/tháng. Nếu tính cả thưởng thì bình quân 500-600 USD. Trước khi đi cháu phải đặt cọc 12,5 triệu đồng, lương được trả về gia đình ở Việt Nam”.
Lý do của cuộc “vượt biển bằng bè 3 km” được Tùng giãi bày: “Cuộc sống và làm việc trên tàu quá cơ cực, kham khổ. Ngày làm việc mười mấy tiếng, không được nghỉ ngày nào, ăn uống toàn là cá mực đánh được, nướng bằng cách để lên ống khói tàu. Hôm nào không có việc thì chủ chỉ cho ăn cháo và rau, đói ăn rau nhưng đau không có thuốc, ai đau ốm cũng vẫn phải làm việc, có viên thuốc nào mang theo được thì chia nhau. Lương 450 USD nhưng bị trừ ở trên tàu 50 USD, về nhà trừ tiếp 50 USD, còn 350 USD cũng chưa thấy nhà nhận được sau ba tháng làm việc. Suốt mấy tháng trời nào có thấy mặt thuyền trưởng, chỉ làm việc và tiếp xúc với cai”. Tôi hỏi tại sao lại nhảy xuống ở vùng biển Chile, Tùng nói: “Nhìn vào bờ thấy những trang trại trồng nho thì hi vọng sẽ xin được việc làm ở đấy, như đi hái nho, vào xưởng nấu rượu...”.
Kết thúc may mắn
Những ngày ở Chile, dù mang tội “nhập cảnh trái phép” vào nước này nhưng đối với ba thuyền viên Việt Nam thì như những ngày nghỉ an dưỡng sau thời gian làm việc cực khổ trên tàu cá. Ban đầu họ được bố trí ở chỗ của cảnh sát, sau đó được chuyển đến một khách sạn, sát ngày về nước thì được đưa đến Đại sứ quán Việt Nam ở một ngày, một đêm để tiện ra sân bay.
Lúc đến sứ quán, đích thân bà đại sứ Hà Thị Ngọc Hà đi chợ mua đồ ăn. Nhà ăn đại sứ quán mấy ngày liền phải phục vụ thêm người, vì cứ mỗi đợt một thuyền viên Việt Nam đến lại có hai cảnh sát Chile đi kèm. Sau khi có quyết định của tòa án, hai cảnh sát này đi kèm thuyền viên Việt Nam về bàn giao tận Hà Nội.
Trong những ngày mới “đổ bộ” và bị cảnh sát tạm giữ, báo chí Chile đưa tin, nhiều người dân ở Santiago mang đến cho ba thủy thủ Việt Nam đồ dùng, quần áo, thức ăn, nước uống. Phía Chile còn đưa ba người đi bệnh viện khám sức khỏe. Trước khi về lại Việt Nam, mỗi thuyền viên được cảnh sát đưa đi phố một ngày để dạo chơi, tham quan thành phố.
Nhưng nhìn Tùng cho dù là đang mãn nguyện lúc đứng trong sân tòa đại sứ trước khi chia tay, vẫn thấy cái vẻ lo âu và coi như mất đứt 12,5 triệu đồng với ba tháng lương hơn 1.000 USD chưa được trả rồi, cứ thấy thương thương. Tùng cũng bày tỏ sự lo lắng về việc bị phạt hợp đồng vì đã bỏ trốn: “Khổ quá thì trốn, không nghĩ lại làm mọi người tốn kém thế này”.
Tôi rút túi dúi cho Tùng 20.000 peso (khoảng 40 USD) với lời dặn “qua sân bay nhớ mua vài hộp kẹo cho con gái (7 tuổi) ở nhà nhé”. Anh chàng cảm ơn trong nụ cười bẽn lẽn và khi được hỏi “có biết chỗ này là tương đương bao nhiêu đôla không?”, anh chàng bảo “cháu cũng chả biết”. Có lẽ Tùng cũng chưa hình dung hết những gì đang đợi mình khi xuống sân bay ở Hà Nội.
Sẽ kiểm tra việc 3 tháng chưa nhận được lương Ông Nguyễn Hữu Phong, phó tổng giám đốc Công ty XKLĐ thương mại và du lịch (TTLC, thuộc Tổng công ty Công nghiệp ôtô VN), xác nhận hai trong ba lao động trên là thuyền viên do TTLC đưa đi. Đó là Lê Xuân Trung và Nguyễn Duy Tùng. Người còn lại là Phạm Văn Xuân do Công ty Cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ (Inmasco, thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 Bộ GTVT) đưa đi. Theo ông Phong, sáng sớm 28-3, thuyền viên Lê Xuân Trung đã được hai cảnh sát Chile đưa về đến sân bay Nội Bài. Phía TTLC đã tổ chức đoàn đến sân bay để đón Trung và hai cảnh sát. Thuyền viên Trung đã về quê ở Nghệ An ngay sau khi làm xong thủ tục hải quan tại sân bay. Còn ông Đỗ Hoàng Lê, phó giám đốc Inmasco, cho hay do thông tin không chính xác nên sáng 30-3, đoàn của Inmasco đã không đón được thuyền viên Phạm Văn Xuân cùng hai cảnh sát Chile, vì mọi người đã xuống sân bay Nội Bài ở chuyến bay trước đó. Phía Inmasco đã cố liên lạc với thuyền viên Xuân nhưng không được. Ông Nguyễn Hữu Phong khẳng định việc các thuyền viên tự ý bỏ trốn khỏi tàu là vi phạm hợp đồng. Thuyền viên tự ý bỏ trốn sẽ bị mất toàn bộ tiền đặt cọc trước khi đi và số tiền lương chưa được nhận. Hơn nữa, người lao động sẽ phải trả mọi chi phí phát sinh liên quan như chi phí ăn, nghỉ, vé máy bay về nước... “Chúng tôi sẽ thanh lý hợp đồng với thuyền viên sau khi lao động cuối cùng về nước. Trong những trường hợp như thế này, vì biết là sai, vi phạm hợp đồng nên người lao động thường không mặn mà gì đến việc thanh lý hợp đồng. Vì thế, mọi chi phí phát sinh liên quan, mà cụ thể trong vụ việc này là chi phí ăn, nghỉ suốt từ giữa tháng 1 đến cuối tháng 3-2013 ở Chile, hay tiền vé máy bay nếu phía Chile đòi hỏi thì TTLC sẽ phải đứng ra thanh toán hết. Bộ LĐ-TB&XH (tức “quỹ hỗ trợ XKLĐ” - PV) cũng không hỗ trợ doanh nghiệp trong những vụ việc như thế này. Xung quanh thông tin về điều kiện thuyền viên làm việc trên tàu cá Đài Loan vất vả, ăn uống kham khổ mà lương thực nhận chỉ còn 350 USD/người/tháng, thậm chí gia đình chưa nhận được lương, cả ông Phong và ông Lê đều nói thuyền viên là nghề đặc trưng, trước khi đi các thuyền viên đều được giáo dục định hướng và đọc kỹ các điều khoản hợp đồng trước khi ký. Đánh cá trên biển không có quy định về giờ giấc, mà phụ thuộc vào công việc. Mẻ lưới đang kéo dở thì không thể nói tôi đã làm việc đủ tám tiếng là hết giờ. Vì thế toàn bộ thuyền viên trên tàu đều phải làm cho xong phần việc, và thời gian ngoài tám tiếng quy định sẽ được tính vào giờ làm thêm. Có ngày làm tám tiếng, thậm chí hơn mười tiếng/ngày, nhưng cũng có những lúc tàu di chuyển từ vùng biển này sang vùng biển khác 15-20 ngày thì các thuyền viên chỉ ở trên tàu, không phải làm gì mà vẫn được hưởng lương. Theo ông Lê, theo hợp đồng thì mức lương tháng là 450 USD, nhưng người lao động sẽ bị chủ tàu trừ 50 USD/người/tháng tiền ăn, sinh hoạt phí trên tàu. Khi chủ tàu chuyển lương, phía công ty sẽ chuyển về gia đình thuyền viên và mức phí theo hợp đồng là 8,3% tiền lương tháng của thuyền viên. Còn việc gia đình thuyền viên chưa nhận lương suốt ba tháng qua, ông Lê cho biết sẽ yêu cầu bộ phận liên quan kiểm tra, vì hằng tháng công ty chuyển lương về đều có sổ sách lưu giữ đầy đủ. ĐỨC BÌNH |
Phóng to |
Thuyền viên Nguyễn Duy Tùng (giữa) kể lại câu chuyện của mình cho KTS Tạ Mỹ Dương, cảnh sát Chile và nhân viên Đại sứ quán Việt Nam - Ảnh: Tạ Mỹ Dương cung cấp |
Phóng to |
Thuyền viên Nguyễn Duy Tùng, một trong ba người đã quyết định thoát khỏi “địa ngục trần gian” bằng cách nhảy xuống biển để vào bờ bằng một chiếc vạt giường - Ảnh: Tạ Mỹ Dương |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận