20/09/2024 09:16 GMT+7

Bà nội nuôi heo quanh năm, nuôi nấng cháu bị bỏ rơi học đến cao đẳng

Để có 10 triệu đồng nộp tiền học cho cháu nội Hoàng Yến Linh, bà Trương đã bán đi đàn heo con, vét đến hạt tiêu cuối cùng được 30kg… nhưng vẫn không đủ, mà phải nhờ cậy thêm bà con, xóm giềng.

Hai bà cháu Hoàng Yến Linh nương tựa vào nhau. Linh mong nhanh chóng tốt nghiệp để chăm nội

Bà nội nuôi heo quanh năm chăm đứa cháu bị bỏ rơi vào cao đẳng - Ảnh 1.

Những tờ giấy khen của cô cháu nội Hoàng Yến Linh trở thành động lực để bà và cháu cùng cố gắng vượt khó - Ảnh: HOÀNG TÁO

Tân sinh viên Yến Linh trú tại thôn Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) đã nhập học ngành quản trị khách sạn Trường cao đẳng FPT Polytechnic Đà Nẵng.

Dù điểm đủ xét tuyển đại học, cô chọn học cao đẳng vì trường này sẽ tốt nghiệp sau hai năm để có thể sớm đỡ đần bà nội.

Cánh cửa đại học là ước mơ cháy bỏng, mình sẽ học liên thông khi điều kiện kinh tế cho phép. Nhưng trước mắt cần rút ngắn thời gian ra trường để san sẻ một phần gánh nặng với bà.

HOÀNG YẾN LINH

Ở với bà nội từ lúc 3 tháng tuổi

Bà Lê Thị Trương (65 tuổi, bà nội Linh) nhớ mãi ngày cháu gái theo về với bà. Đó là ngày giỗ ông cố, cả nhà bốn người vào đón mẹ con bé Linh ra chơi. "Mẹ nó bảo cháu bú sữa ngoài được rồi, bà cứ bồng ra trước. Ai ngờ đó cũng là ngày mẹ nó bỏ đi biền biệt" - bà Trương vuốt mái đầu bạc, sụt sùi thương cháu nội xa mẹ khi mới hơn ba tháng tuổi.

Bốn năm sau, ba Linh có gia đình mới rồi ra ở riêng. Cuộc sống ruộng vườn, làm thợ xây quanh vùng chỉ đắp đổi qua ngày. Cô bé ở với ông bà nội và bà cố. Thế rồi năm 2021, ông nội lâm bệnh hiểm nghèo. Bà Trương vừa lo chăm chồng ở viện lại vừa tranh thủ bắt xe đi về xem đứa cháu nhỏ ở với bà cố khi ấy đã 90 tuổi.

Ông nội Linh không qua khỏi. Khó khăn chồng chất vì chỉ ít lâu sau đó, bà cố già yếu cũng ra đi. Ngôi nhà chỉ còn hai bà cháu nương tựa vào nhau.

Bà nội nuôi heo quanh năm, chăm đứa cháu bị bỏ rơi vào cao đẳng - Ảnh 2.

Ngoài giờ học, Linh giúp bà nuôi heo, chăn bò. Cô thường mang sách vở để tranh thủ ôn bài - Ảnh: HOÀNG TÁO

Bà Trương có 3 sào ruộng mỗi năm chỉ được một vụ lúa, lúc được mùa thì thu về 800kg. "Số lúa này không bán được, vì để bà cháu ăn quanh năm, phần còn lại nuôi heo và bò. Tôi có thêm sào ngô cũng để chăn nuôi, một sào lạc thì bán được ít đồng đi chợ mắm muối", bà Trương nói.

Quanh nhà còn có mảnh đất nhưng trũng thấp nên không trồng được gì, chỉ có ít buồng chuối bán khi chín đến.

Nhà có một con bò mẹ và một con bê nuôi 2 năm bán được giá thì 10 triệu đồng. "Tôi cũng muốn nuôi 2-3 bò mẹ nhưng mùa đông rét mướt không chăn thả được. Tôi phải đi cắt cỏ, xin chuối cây, xay vỏ đậu, ngô và thóc lép về trộn cho bò ăn. Tôi già yếu rồi, không đủ sức chặt và vác chuối nữa", bà Trương kể. Bà cũng có nuôi 2 con heo nái, mỗi lứa xuất chuồng trừ chi phí tiết kiệm được đôi triệu.

Những lúc bà đau ốm hoặc ngày nghỉ học, Yến Linh đi chăn bò cho gia đình và cả xóm theo phiên. Cô thường mang theo sách vở, khi đàn bò không phá lúa của dân thì tranh thủ ôn bài.

Cô tân sinh viên cần Tiếp sức đến trường: Chọn cao đẳng vì chỉ cần hai năm tốt nghiệp

Bà nội nuôi heo quanh năm, chăm đứa cháu bị bỏ rơi vào cao đẳng - Ảnh 3.

Gia cảnh khó khăn, lớn lên bằng tình thương của bà, Linh đặt mục tiêu tốt nghiệp loại giỏi và tìm cách học liên thông sau đó - Ảnh: HOÀNG TÁO

Trường cao đẳng Linh chọn sẽ học suốt trong năm, không nghỉ hè nên hai năm là tốt nghiệp. Linh kể bà nội ăn uống tằn tiện nên gầy và xanh xao, người hay mệt.

"Bác sĩ bảo bà bị u tuyến giáp, thận teo, suy nhược cơ thể, hở van tim. Bác sĩ khuyên đi mổ u tuyến giáp, nếu không u bướu ăn mòn sức khỏe. Nhưng bà nói tốn nhiều tiền, không làm. Mình chạnh lòng lắm" - Linh bộc bạch.

Linh nói cánh cửa đại học là ước mơ cháy bỏng. Cô sẽ học liên thông khi điều kiện kinh tế cho phép. Việc cần làm trước mắt là rút ngắn thời gian ra trường để san sẻ một phần gánh nặng cho bà.

Thầy Trần Quốc Quân - chủ nhiệm hai năm lớp 10 và 11 của Linh tại Trường THPT Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) - đánh giá cô là học trò ngoan, ý thức học tốt và học lực khá dù thiếu vắng sự chăm sóc của cha mẹ.

"Hai năm làm chủ nhiệm, hiểu hoàn cảnh nên tôi vẫn xin quà Tết, thỉnh thoảng hỗ trợ gạo, dầu ăn, ít tiền... động viên hai bà cháu. Thật sự trong hoàn cảnh ở với bà, thiếu vắng tình thương của bố mẹ mà nếu không có nghị lực và đủ quyết tâm, có lẽ Linh đã nghỉ học lâu rồi. May mắn là bạn rất hiếu học" - thầy Quân chia sẻ.

Hè vừa rồi, Linh xuống thị trấn xin làm đóng cá đông lạnh, cá khô. Cứ đóng mỗi thùng 10 - 12kg được trả công 10.000 đồng. Làm nhiều, ngồi đau lưng, công việc không ổn định, tùy lúc được nắng được cá họ mới gọi. Khi không có cá, cô chuyển qua bán nước mía. Làm được ngày công ít nhiều gì Linh đều gửi bà nội, nên hết hè cũng được gần 3 triệu đồng dành nhập học.

"Mình đã tìm được quán cà phê chịu nhận, nhưng chờ lịch học ổn định chút mới dám đi làm để có thể tự trang trải. Mục tiêu phải tốt nghiệp loại giỏi, tìm một công việc ổn định ở Đà Nẵng và tháng lương đầu nhất định sẽ dành tặng bà" - Yến Linh kể về kế hoạch của mình khi trao đổi với chương trình Tiếp sức đến trường.

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Tiếp sức đến trường: Mẹ nhận mình cả đời thất học, con gái điểm thi hạng 26 toàn tỉnh Quảng Trị- Ảnh 4.

Mời bạn quét mã QR này để đăng ký, giới thiệu tân sinh viên khó khăn cần tiếp sức đến trường. Chương trình nhận thông tin đến hết ngày 20-9-2024

Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Bà nội nuôi heo quanh năm chăm đứa cháu bị bỏ rơi vào cao đẳng - Ảnh 4.

Đồ họa: TUẤN ANH

Xuất đàn heo, vét hạt tiêu cho cháu đi học - Ảnh 2. Tấm vé Tiếp sức đến trường đưa em vào giảng đường đổi thay số phận

Mùa Tiếp sức đến trường 2014, từ sự giới thiệu của một thầy giáo, cô học trò nghèo đã được kết nối và nhận suất học bổng ân tình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên