06/01/2013 08:43 GMT+7

Ba người và một giấc mơ

MINH TRANG
MINH TRANG

TT - Những tiếng đàn day dứt từ đôi tay người nghệ sĩ guitar Nguyễn Lê Tuyên trong đêm mở màn Giấc mơ cao nguyên tại TP.HCM đã làm nhiều người... nổi da gà! Nhưng đó chỉ là một trong nhiều điều đáng nói tại buổi trình diễn này...

FLvMP3WD.jpgPhóng to

Salil Sachdev (trái) và nghệ sĩ guitar Nguyễn Lê Tuyên “phiêu” trong phần trình diễn tác phẩm Tiếng gọi của núi rừng - Ảnh: Minh Trang

Kéo dài từ đêm 4-1 đến hôm nay 6-1 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, triển lãm tranh và trình diễn nghệ thuật mang tên Giấc mơ cao nguyên của song tấu GuiHangtar (Nguyễn Lê Tuyên và Salil Sachdev) và họa sĩ trẻ Trung Nghĩa đang tạo được tiếng vang trong giới thưởng lãm.

Một họa sĩ trẻ sinh ra từ núi rừng Tây nguyên. Một nghệ sĩ người Úc gốc Việt - giảng viên âm nhạc tại ĐH Quốc gia Úc (ANU), người nổi tiếng với những nghiên cứu và phát triển kỹ thuật “đồng song âm họa ba ngắt” và áp dụng vào các giai điệu âm hưởng Tây nguyên, những đề án về nghiên cứu âm nhạc Tây nguyên... Một giáo sư người Mỹ gốc Ấn - người say mê tìm tòi và “phải lòng” những nhạc cụ bộ gõ như trống nước, hang (gần giống chiêng), trống chân... của các dân tộc trên thế giới. Xuất phát điểm không giống nhau, ngành nghề cũng không mấy liên quan, vậy nên nếu có một lý do để “biện minh” cho sự kết hợp giữa ba người đàn ông này trong một buổi thưởng tranh - nghe nhạc thì có thể chỉ có một lý lẽ duy nhất: cái duyên của những người làm nghệ thuật.

Đêm 4-1, khán giả ở nhiều độ tuổi, nhiều tầng lớp đã kéo về Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM để lần đầu tiên lắng nghe tâm sự chân thành của các tác giả qua 20 bức vẽ và 7 bản nhạc được viết nên từ chính cảm hứng về Tây nguyên. Đứng giữa Sài Gòn chật chội, mà trong phút chốc, tiếng guitar từ tốn, ngọt lịm của Nguyễn Lê Tuyên hòa cùng tiếng róc rách, trong trẻo như tiếng suối nguồn đâu đó ở bộ gõ làm từ hai quả bầu chứa nước (xuất xứ từ châu Phi) của Salil đã thổi bay mọi bức bối, đưa người nghe miên man trong một vùng không gian khoáng đạt của đại ngàn. Nhắm mắt lại để rồi thổn thức khi bên tai vang lên giai điệu của bản Giã từ núi rừng - một bản guitar solo đặc biệt được nghệ sĩ Nguyễn Lê Tuyên viết riêng cho sự kiện lần này, sử dụng những âm hưởng của cồng chiêng Tây nguyên. Tác giả chia sẻ: “Tôi đặt mình vào vị trí của con tê giác ấy để cảm nhận lúc nó lang thang một mình trong rừng, nhen nhóm hi vọng tìm được đồng loại cho đến khi tuyệt vọng, bị bắt, bị giết và nhận ra mình chẳng còn một đồng loại nào... để viết nên bản nhạc này”. Thế nên chẳng ngạc nhiên khi Giã từ núi rừng khi tươi vui, hào hùng, lúc lại bi thương, ai oán như một lời hờn trách cuối cùng của con vật đáng thương.

Người ta vẫn nghe nhiều đến chuyện hô hào bảo vệ động vật, đừng giết hại thú rừng... nhưng có lẽ cuộc hội tụ này là một trong những thông điệp được chuyển tải một cách mạnh mẽ, nồng nhiệt nhất, dễ khiến con người rùng mình, khiếp sợ cho chính tội ác của mình.

Rất có lòng tin vào chữ “duyên”, nghệ sĩ Nguyễn Lê Tuyên cho biết trong dự án âm nhạc nghệ thuật mới dự kiến thực hiện tại Mỹ, song tấu GuiHangtar gồm anh và Salil Sachdev sẽ lại kết hợp cùng họa sĩ Trung Nghĩa, giáo sư - tiến sĩ Trần Quang Hải mang đến những bất ngờ nho nhỏ cho khán giả.

YqUQPKSU.jpgPhóng to

Tác phẩm Vũ khúc ban chiều (vẽ bằng chất liệu lửa, khói đất trên giấy) của Trung Nghĩa

Vẽ môi trường từ những thứ... tàn phá môi trường

Trung Nghĩa (sinh năm 1980) vốn tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP.HCM, hành nghề kiến trúc sư nhưng anh lại gửi niềm đam mê sống vào âm nhạc và hội họa. Nắng xuân ngời, Sao em còn buồn (Mỹ Tâm hát), Điều ước (Bằng Kiều, Minh Tuyết hát)... là những ca khúc tương đối phổ biến của Trung Nghĩa. Còn với hội họa, Trung Nghĩa đam mê cũng lắm mà... vật vã cũng nhiều. Có thể nói, với triển lãm cá nhân lần đầu tiên này, Trung Nghĩa ngay lập tức gây ấn tượng với một chủ đề hội họa đương đại và phong cách vẽ không giống ai.

Là một người con của cao nguyên, hít thở không khí cao nguyên, hay viết và vẽ về cao nguyên là điều tự nhiên. Nhưng ý tưởng triển lãm chợt mạnh mẽ khi Trung Nghĩa tiếp cận với chương trình “Nói không với sừng tê giác” của Hội Bảo vệ động vật và thiên nhiên hoang dã WWF. Những giấc mơ cao nguyên lại trở về với một người đang sống ở đô thị. Nhưng vẽ như thế nào, vẽ bằng chất liệu gì thì đó là điều Trung Nghĩa trăn trở. Suốt hai năm nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm... cuối cùng Trung Nghĩa tìm ra một kỹ thuật vẽ thật độc đáo. Anh vẽ môi trường từ những thứ... tàn phá, hủy diệt môi trường. Cụ thể là anh sử dụng chất liệu từ khói cây đèn dầu, từ cây bút lửa (pyrography), chất dẫn cháy, đất cao nguyên trộn hóa chất, chì màu...

Xem tranh của Trung Nghĩa thấy cực kỳ gợi cảm giác, cái cảm giác của lần đầu tiên. Lần đầu tiên được thấy một bức tranh vẽ bằng khói đèn dầu, bằng lửa hơ trên giấy (hơ làm sao mà giấy không bốc cháy, và giấy cháy sém theo ý đồ họa sĩ). Lần đầu tiên được thấy màu đất đỏ bazan chói nắng trong tranh. Lần đầu tiên thấy một ý thức vẽ (thông qua nghiên cứu học thuật). Có thể nói tranh của Trung Nghĩa kết hợp giữa sự bay bổng của tâm hồn và sự chỉn chu của kỹ thuật. Và sự kết hợp này đã thành công đáng kể.

Trong triển lãm Giấc mơ cao nguyên có âm nhạc, nhưng có lẽ nhạc tính đã có sẵn từ trong những bức tranh rồi.

VIỆT QUÊ

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên