22/08/2016 12:12 GMT+7

Ba năm lặng lẽ thính phòng...

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Đêm 20-8 là một đêm ca Huế đặc biệt, kỷ niệm ba năm ra đời chương trình ca Huế thính phòng tổ chức tại Bảo tàng Văn hóa Huế (25 Lê Lợi, Huế).

Đêm kỷ niệm ba năm chương trình ca Huế thính phòng có cả nhóm Ca đàn Huế tại Quảng Nam và giáo phường ca trù Thăng Long (Hà Nội) vào dự - Ảnh: MINH TỰ
Đêm kỷ niệm ba năm chương trình ca Huế thính phòng có cả nhóm Ca đàn Huế tại Quảng Nam và giáo phường ca trù Thăng Long (Hà Nội) vào dự - Ảnh: MINH TỰ

Ba năm qua, đều đặn đêm thứ ba và thứ sáu hằng tuần (từ 19g30-20g45), căn phòng nhỏ ấm cúng trong tòa nhà có lối kiến trúc như một lâu đài cổ bên bờ sông Hương lại réo rắt tiếng đàn, tiếng ca.

Khi “ông bầu” của Câu lạc bộ ca Huế - nhà thơ Võ Quê nhắc lại cái đêm 20-8 của ba năm trước, chợt nghe tiếng xuýt xoa: mới đó mà đã ba năm! Vâng, ít ai tin rằng “sân chơi” ca Huế rất “chịu chơi” này lại tồn tại đến ba năm, trừ những người trong cuộc chơi đó.

Khán phòng sang trọng, nghệ sĩ toàn là giọng ca, giọng đàn thượng thặng của ca Huế, từ các bậc lão thành như Minh Mẫn, Thanh Hương, Thanh Tâm, các bậc lão luyện như Thái Hùng, Kim Vàng, Khánh Vân, Lệ Hoa, Quỳnh Hoa, cho đến những cái tên xuất sắc của ca Huế hiện nay như Thu Hằng, Thúy Hồng, Mai Sao, Ý Nhi...

Bài bản và phong cách biểu diễn chính hiệu ca Huế thính phòng nghiêm ngặt, chặt chẽ. Vậy mà miễn phí hoàn toàn!

Bộ môn ca Huế có hai dòng: dân gian và thính phòng. Ca Huế dân gian phục vụ cho đại chúng với những bài đơn giản, dễ hát, dễ nghe (như cách ca Huế trên sông Hương và các nhà hàng).

Ca Huế thính phòng vốn chỉ biểu diễn trong cung cấm của vua hay các tư gia của quan lại thời xưa, với những bài bản có tính bác học, cách biểu diễn trang trọng, trong không gian nhỏ đúng như hai chữ “thính phòng”.

Nghệ sĩ sống bằng nghề ca Huế thì cũng phải “chạy sô” ca Huế trên sông Hương hoặc các nhà hàng “đặt sô”, nhưng họ rất cần một không gian trang trọng để hát với người tri âm. Nên khi nhà thơ Võ Quê đưa ra ý tưởng về chương trình ca Huế thính phòng, các nghệ sĩ đồng ý ngay tắp lự!

Nhà thơ Võ Quê cho biết sân chơi này mở ra không chỉ để có chỗ chơi ca Huế đích thực, mà còn muốn tạo một môi trường để các bậc thầy nghệ sĩ truyền nghề, lớp nghệ sĩ trẻ có chỗ để thực hành đúng bài bản.

Đây cũng là nơi đào tạo những người sáng tác bài bản mới, để ca Huế sống với đời sống hiện tại.

Và sau cùng, mong mỏi của những người chủ sân chơi là đào tạo khán giả cho ca Huế. Nhà thơ Võ Quê nói ba năm nhìn lại thấy đã đi đúng hướng. Đúng hướng thì sẽ tiếp tục năm thứ tư chứ? Ông cười: “Nói thiệt, lâu dài thì chưa dám chắc, nhưng cứ như hiện tại thì vẫn còn chơi tiếp được”.

Nghe “ông bầu” Võ Quê và các nghệ sĩ cười nói một cách vô tư lự mà cảm thấy chạnh lòng làm sao. Sân chơi tao nhã ấy sẽ tiếp tục ra sao, nếu nghệ sĩ chỉ đàn hát bằng niềm đam mê nghệ thuật?

Ca Huế đã được công nhận là di sản quốc gia (tháng 6-2015) và nếu xem đây là một “bảo tàng sống của ca Huế” rất độc đáo thì sao chính quyền lại không có một khoản kinh phí tương xứng cho việc bảo tồn di sản này?

Không chỉ thế, đó còn là một sản phẩm du lịch rất đặc sắc thì ngành du lịch cũng cần góp tay đầu tư để ca Huế thính phòng được phục vụ du khách một cách bền vững hơn.

“Bảo tàng sống” của ca Huế

Ba năm trước, Bảo tàng Văn hóa Huế được thành lập và tọa lạc tại tòa nhà cũng thuộc loại đẹp nhất Huế hiện nay.

Nhà thơ Võ Quê liền gặp giám đốc bảo tàng Huỳnh Đình Kết và đề nghị: “Cho chúng tôi một phòng, chúng tôi sẽ tạo ra một phòng trưng bày ca Huế bằng những hiện vật sống”. Giám đốc bảo tàng đồng ý ngay.

Những hiện vật sống đó chính là những nghệ sĩ gạo cội bậc thầy vẫn say sưa ca Huế trong suốt bao nhiêu năm qua, mặc cho đói rét dập vùi và người đời lãng quên. Họ là của quý hiếm mà UNESCO gọi là “Báu vật nhân văn sống”.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên