17/10/2023 11:52 GMT+7

Ba khía, con sình lầy đi bán chợ xa - Kỳ 2: Săn ba khía giữa rừng khuya

7h tối, chúng tôi theo anh Trần Minh Tiến (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) vào rừng đước cách nhà anh gần 20km. Hôm đó mùng 1-8 âm lịch được xem là vô mùa hội ba khía cái xứ Cà Mau.

Hai mẹ con Bi đi vỏ lãi vào rừng, bắt ba khía - Ảnh: DIỆU QUÍ

Hai mẹ con Bi đi vỏ lãi vào rừng, bắt ba khía - Ảnh: DIỆU QUÍ

Dựng xe máy bên bìa rừng đước, anh Tiến đeo găng tay chân, vác đồ nghề chuẩn bị lội kênh soi ba khía. Tám năm nay, việc này giúp người đàn ông 27 tuổi có thu nhập nuôi gia đình.

Săn ba khía trong đêm ở Cà Mau

Ám ảnh gặp rắn độc

Anh Tiến đã nối bước cha mình, gắn với nghề bắt ba khía gần 8 năm  - Ảnh DIỆU QUÍ

Anh Tiến đã nối bước cha mình, gắn với nghề bắt ba khía gần 8 năm - Ảnh DIỆU QUÍ

Đồ nghề anh Tiến khá gọn, đó là chiếc can 30 lít khoét lỗ để bỏ ba khía vào và cây seo dùng chặn ba khía bò sâu vào hang. Ngoài ra, anh còn đeo một túi vải đựng nhái nếu bắt được.

Rừng đêm tĩnh mịch, ánh sáng duy nhất để soi đường và bắt ba khía là đèn pin mà anh đội đầu. Dẫn chúng tôi đi dọc kênh ven rừng đước, anh lội xuống kênh bắt đầu công việc mưu sinh.

Ba khía bám lên chân đước, anh Tiến vừa lội nước vừa quan sát từng gốc. "Mình soi đèn chân đước để tìm ba khía, nó nằm im re à. Có con bò lên bãi bồi hoặc trên cây đước thì chụp bằng tay, còn chạy vô hang thì lấy cây seo chặn lại cho nó trở ngược ra", anh cho biết thêm lội dưới kênh phải mang găng để hạn chế trầy xước khi bị cây cối, vật nhọn đâm trúng.

Theo thợ săn ba khía này, nếu tính tới thời điểm hiện tại thì lẽ ra ba khía ra ít nhất cũng phải ba đợt rồi, từ đực tới cái. "Năm nào cũng đều đều, mà năm nay lại ít nhất so với các năm, chỉ ra được một lần", anh vừa nói vừa nhìn vô cái can chỉ lèo tèo vài con ba khía sau gần nửa tiếng lội kênh.

"Chắc tại biển đánh vô nhiều quá làm giảm diện tích rừng, với nhiều người đổ xô đi bắt nên số lượng ít lại", anh nghĩ.

Người đàn ông 27 tuổi vẫn nhớ hồi 13, 14 tuổi theo cha đi bắt ba khía. "Cha tôi bắt nhiều lắm, mỗi lần tới mùa hội đi một đêm bắt được cả trăm ký. Hồi xưa lúc nước lớn, ba khía nối đuôi nhau chùm chùm leo lên chân cây đước, nhiều khi một gốc đước có một, hai, thậm chí ba ký ba khía. Còn giờ cảnh đó hiếm lắm", anh nói.

Mọi năm, cứ tới mùa ba khía hội, những người như anh Tiến thường chỉ bắt ở mé sông chứ chẳng cần lên rừng, thời gian luôn vào ban đêm song không có giờ cố định, có khi 2, 3 giờ khuya đi tới sáng mới về.

"Nước ngập ngang lưng quần thì một đêm vậy tôi lội khoảng 5 tiếng đồng hồ không nghỉ. Mùa nước nổi thì đi tới khi nào nước xuống, ba khía không còn lên cây, với lại trời sáng thì về thôi. Nếu không phải ngày hội thì bắt ba khía bằng cây seo, đi lên rừng lúc rừng khô, lấy cái seo chọc vào miệng hang chặn đầu rồi bắt.

Lúc đang đi bắt mà trời mưa thì ba khía sẽ bò ra nhiều hơn, nắng thì trốn vô hang, mà mưa nhiều quá cũng không có ba khía luôn, rồi hôm trước có mưa thì ngày sau đi sẽ không có, nó núp hết", anh chia sẻ kinh nghiệm.

Soi ba khía trong rừng đêm, anh Tiến bảo mình ngại nhất là khi vỏ lãi bị hư máy, khi đó phải bơi về. Anh chia sẻ: "Có khi gặp rắn độc như hổ mây, mình phải kỹ. Còn chuyện bị cua kẹp hay trầy xước thì nhiều lắm, mà mần ăn thì phải chấp nhận thôi".

Soi bắt ba khía trở thành nghề mưu sinh của nhiều dân rừng Cà Mau - Ảnh: THANH DŨNG

Soi bắt ba khía trở thành nghề mưu sinh của nhiều dân rừng Cà Mau - Ảnh: THANH DŨNG

Thợ săn nhí

Anh Tiến cho hay ở xứ này, nhiều đứa trẻ độ 11 - 12 tuổi là có thể kiếm tiền được từ ba khía. Và cậu bé Tạ Văn Bi là một trong số đó. Cũng dân xứ Rạch Gốc, Cà Mau, nhà sát mé sông lớn, Bi mới 13 tuổi đã kiếm tiền nhờ nhập "đội quân" soi ba khía đêm. Học hết lớp 5, nhà nghèo, cậu nhóc phải nghỉ học, nhường cơ hội đến trường cho em gái.

Mới 13 tuổi nhưng Tạ Văn Bi rất thạo soi ba khía đêm để mưu sinh  - Ảnh THANH HUYỀN

Mới 13 tuổi nhưng Tạ Văn Bi rất thạo soi ba khía đêm để mưu sinh - Ảnh THANH HUYỀN

Bi da ngăm đen, gầy gò, ít nói nhưng khá nhanh nhẹn trong cuộc mưu sinh. Tối, chúng tôi theo mẹ con Bi vào rừng đêm soi ba khía. Hai mẹ con mang theo một số đồ nghề, chầm chậm chạy vỏ lãi ra sông. Người mẹ cầm lái, còn Bi lội xuống, đi dọc mé sông, sình lút ngang ống chân.

"Mình theo sát nó để kiếm ba khía tiếp với coi chừng nó, lỡ có sự cố gì còn đỡ được", mẹ Bi kể.

Màn đêm đặc quánh trùm cánh rừng đước, chỉ một đoạn ánh sáng phát ra từ chiếc đèn pin đội đầu, từng lời của "đội quân" chúng tôi mồn một vọng vào tĩnh mịch. Vừa lội nước, Bi vừa nói kinh nghiệm quan sát của mình: "Ba khía khi nước lớn thì bò lên gốc đước, nước ròng thì nó leo lên bờ chỗ có bùn, mình thấy thì bắt. Thấy cua, nhái thì mình cũng bắt luôn".

"Ba khía cái bự quá kìa Bi ơi, ra đây bắt nè!", mẹ Bi gọi vang, rồi khoe chúng tôi rằng dù nhỏ tuổi nhưng Bi soi ba khía giỏi dữ thần. "Có con rớt từ cây đước xuống nước mà nó mò chụp được luôn", người mẹ nói.

Còn với Bi, bắt ba khía vừa là niềm vui vừa là kế sinh nhai. Bi không giấu được niềm vui mỗi lần chụp được con ba khía bự. Tối đó, sau hơn hai tiếng lội nước, chiến lợi phẩm của Bi là 3kg ba khía và một con nhái to.

Thu nhập giảm theo lượng ba khía

Theo anh Tiến, mọi năm vào mùa hội ba khía, chịu khó đi cả đêm có thể bắt được 50 - 60kg ba khía, kiếm khoảng 1,7 - 2 triệu đồng, song không nhiều người làm được. Còn người có vuông, ba khía tụ ở đó thì bắt được nhiều hơn.

"Vô mùa hội ba khía, mấy người lớn tuổi bắt cũng được tại ba khía không nhạy, không bò, với lại số lượng nhiều. Còn lúc bình thường, người nào giỏi thì bắt một đêm cũng kiếm được năm, bảy trăm ngàn, còn lại thì một, hai trăm ngàn", anh nói thêm nay do lượng ba khía giảm dần, nhiều người phải chuyển nghề khác để kiếm sống, trong đó có anh rể anh.

Gần tám năm mưu sinh nhờ con ba khía, Tiến tâm sự nghề này thu nhập bấp bênh nhưng được cái không phụ thuộc vô ai, bữa nào mệt thì nghỉ. Vô mùa hội, anh Tiến một đêm kiếm cỡ năm, bảy trăm ngàn, song có những ngày chưa tới 2kg. Để trang trải, ban ngày anh bắt cua, vọp, cá thòi thòi, đập hàu. Vợ anh ở nhà giữ con, thi thoảng mới đi rừng.

Còn Bi, cậu nhóc tâm sự dù đêm nào cũng phải lội nước mấy tiếng đồng hồ, song em chẳng mệt chút nào vì đã làm quen hai, ba năm nay.

"Ban ngày con với mẹ đi mò ốc, tối con đi bắt ba khía, nhái với thằng bạn ở ngoài lộ lớn, có bữa thì bắt ba khía với mẹ. Bình thường được bảy, tám chục ngàn, bữa nhiều thì hơn trăm ngàn. Một buổi đi hai, ba tiếng, chừng nào mệt thì về", Bi nói tiền bán ba khía, đều đưa hết cho mẹ.

Sau đêm săn ba khía, sáng sớm những nông dân như anh Tiến, như Bi sẽ đem đến bán cho các vựa thu mua. Hiện các vựa mua vào 35.000 - 45.000 đồng/kg do ba khía đang vào mùa cái, mùa đực giá cao hơn. Ba khía con lớn có thể lên tới 60.000 đồng/kg.

Đi sớm giành bãi

Dân miệt cuối nước cho biết soi ba khía trong rừng ven biển dành cho những người không có vuông, mỗi người có một vạt rừng quen để bắt.

"Có những nhóm bạn ghe, khoảng 5 - 6 chiếc đi sớm từ 4h - 5h chiều để đậu trước, lấy bãi. Bữa nào mình vô sớm thì có mình ên, còn đi trễ cỡ 7h thì không vô đó được vì không thể giành chỗ người ta.

Còn ai có đất sản xuất đi vào vuông bắt nhiều hơn. Ở rừng phòng hộ, mình được địa phương cho bắt ba khía, miễn là đừng chặt phá cây rừng. Còn vô vuông của người ta sẽ bị đuổi vì có tôm, cua, cá của họ trong đó", anh Tiến tâm sự.

-------------------

Mỗi năm từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch, vùng rừng ngập ven biển vào mùa ba khía hội, và hy vọng sinh kế cũng đặt vào đây.

Kỳ tới: Mùa hội ba khía

Ba khía, con sình lầy đi bán chợ xa - Kỳ 1: Rừng ba khía nơi cuối nướcBa khía, con sình lầy đi bán chợ xa - Kỳ 1: Rừng ba khía nơi cuối nước

Loài cua rừng gắn liền với nhiều giai thoại vùng đất ngập mặn trù phú tận cùng Tổ quốc giờ thành món ăn nổi tiếng, nghề muối ba khía cũng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên