17/01/2015 11:23 GMT+7

Ba cô giáo giành giải cao nhất

LAM GIANG - NGỌC HẬU - TRẦN THẢO NHI
LAM GIANG - NGỌC HẬU - TRẦN THẢO NHI

TT - Vượt qua hơn 5.000 công trình dự giải, ba công trình của ba cô giáo đến từ tỉnh Quảng Bình, Kon Tum và Tây Ninh đã giành giải nhất Giải nữ giáo viên sáng tạo do Bộ GD-ĐT tổ chức lần đầu tiên.

Cô giáo Võ Thị Ngọc Ánh (Kon Tum) trong tiếng vỗ tay chúc mừng của học trò - Ảnh: Trần Thảo Nhi

Từ tháng 4 đến khoảng tháng 6-2014, ban tổ chức đã nhận được trên 5.000 công trình dự thi. Đặc biệt, có khoảng 50% số công trình dự thi của nữ giáo viên tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngoài ra, có nhiều công trình dự thi của giáo viên đang công tác tại các địa bàn khó khăn như Kon Tum, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lào Cai, Bắc Giang, Thái Nguyên...

Với một cuộc thi thể hiện năng lực ứng dụng công nghệ dạy học hiện đại, việc vắng bóng những địa phương có điều kiện phát triển công nghệ tốt, nhưng lại được sự quan tâm đặc biệt của các cơ sở giáo dục vùng khó khăn là điều đáng suy nghĩ.

98 công trình của các nữ giáo viên đã đoạt giải, trong đó ba giải nhất thuộc về cô giáo Võ Thị Ngọc Ánh - giáo viên toán Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, TP Kon Tum - với sản phẩm “Bộ hình ảnh động và sơ đồ tư duy hỗ trợ giảng dạy hình học 10”; cô giáo Lê Thị Xuân Lộc - Trường mầm non Hoa Mai, TP Tây Ninh - với công trình “Nước và các hiện tượng tự nhiên.

Lĩnh vực phát triển ngôn ngữ, hoạt động: Chuyện sự tích ngày và đêm”; cô giáo Nguyễn Thị Anh Toàn - giáo viên địa lý Trường THCS Hải Đình, Đồng Hới, Quảng Bình - với bài giảng E- Leaning địa lý 6.

Cô Nguyễn Thị Anh Toàn (Quảng Bình) trong bài giảng địa lý lớp 6 - Ảnh: L.Giang
Cô Nguyễn Thị Anh Toàn (Quảng Bình) trong bài giảng địa lý lớp 6 - Ảnh: L.Giang

Học mọi lúc mọi nơi

Cô giáo Nguyễn Thị Anh Toàn (29 tuổi, giáo viên Trường THCS Hải Đình, TP Đồng Hới, Quảng Bình) rất vui khi đoạt giải nhất cuộc thi Nữ giáo viên sáng tạo năm 2014 với bài giảng E-Learning địa lý lớp 6.

Bài giảng E-Learning đoạt giải của cô Anh Toàn chỉ gói gọn trong tiết 23 bài 23 môn địa lý lớp 6 về sông hồ. Khi nghiên cứu làm đề tài giảng dạy này, cô Toàn đã đặt ra mục tiêu cao nhất là giúp cho học sinh, vì một lý do nào đó không đến lớp nghe giảng bài được, thì sau đó chỉ cần mở bài giảng này ra trên máy vi tính là có thể hiểu được bài.

Không chỉ với học sinh mà ngay cả phụ huynh muốn nắm được kiến thức của bài 23 môn địa lý lớp 6 thì mở bài E-Learning địa lý lớp 6 của cô Anh Toàn cũng hiểu một cách dễ dàng bài học để dạy lại cho con cái.

Cô giáo Nguyễn Thị Anh Toàn và học trò - Ảnh: Lam Giang
Cô giáo Nguyễn Thị Anh Toàn và học trò - Ảnh: Lam Giang
Dạy bất cứ môn gì mà học sinh không thích học thì coi như thất bại rồi. Địa lý là môn học của thiên nhiên, đất trời, vốn đã rất sinh động mà các em không muốn học là sao? Vì vậy, tôi quyết tìm kiếm cách tiếp cận mới bằng E-Learning

Với thời gian 45 phút, bài giảng E-Learning địa lý lớp 6 của cô Toàn cung cấp một cách đầy đủ và sinh động kiến thức về địa lý sông hồ cho học sinh. Các câu hỏi sông là gì, hồ là gì, thế nào là phụ lưu, chi lưu, lưu vực sông, lưu lượng nước, chế độ nước sông, nguyên nhân hình thành hồ, phân loại hồ... được trả lời một cách ngắn gọn và dễ hiểu.

Đồng thời bài giảng còn cung cấp thêm nhiều hình ảnh qua tranh vẽ, sơ đồ, ảnh chụp và các đoạn video minh họa một cách sinh động... Với bài giảng như thế, học sinh hiểu bài rất nhanh, làm bài tập một cách dễ dàng và hào hứng vận dụng vào đời sống thực tế.

“Điều quan trọng nhất của bài giảng điện tử này là tôi muốn đề cao việc tự học của học sinh. Phải hiểu được bài các em mới thích thú với môn học và tiếp tục tìm kiếm để nâng cao kiến thức. Với giáo viên thì giúp chúng tôi cập nhật thông tin, tiết kiệm thời gian trong việc chuẩn bị thiết bị, đồ dùng dạy học” - cô Toàn nói.

Không chỉ thế, bài giảng E-Learning địa lý lớp 6 của cô Toàn còn được tích hợp hài hòa nhiều kiến thức của các môn học như: giáo dục công dân, âm nhạc, toán, môi trường... Chính các kiến thức này đã tạo ra hứng thú cho học sinh mỗi khi học môn địa lý của cô Toàn.

Em Phan Thị Cẩm Tú, học sinh lớp 6, cho biết: “Học theo bài giảng E-Learning của cô Toàn em rất thích vì dễ hiểu và dễ nhớ hơn cách học thông thường. Thích nhất là bài giảng có cả hình ảnh và videoclip. Các bạn bị ốm không đến lớp nghe cô giảng bài được đã dùng bài giảng của cô để học và vẫn hiểu bài”.

Bài giảng E-Learning địa lý lớp 6 của cô Toàn đã được đưa vào giảng dạy tại Trường THCS Hải Đình từ học kỳ 2 năm học 2013-2014. Học sinh từ chỗ học môn địa lý một cách thụ động đã chuyển sang chủ động và tự nguyện, hiểu nhanh bài học và chủ động thực hành trên thực tế.

Các buổi học trên lớp mang tính chất mở, không bị gò bó về thời gian và các em có thể học bất cứ lúc nào, học ở trên lớp hay học trên mạng, học cùng bạn bè hay tự học ở nhà. Học sinh các trường khác muốn hiểu và nắm rộng kiến thức hơn về bài 23 địa lý lớp 6 chỉ cần mở bài giảng E-Learning địa lý lớp 6 của cô Toàn ra là học được bài ngay.

Cô giáo Lê Thị Xuân Lộc, Trường mầm non Hoa Mai, Tây Ninh - Ảnh: Ngọc Hậu
Cô giáo Lê Thị Xuân Lộc, Trường mầm non Hoa Mai, Tây Ninh - Ảnh: Ngọc Hậu

“Sự tích ngày và đêm” của cô dạy trẻ

Với đề tài “Câu chuyện Sự tích ngày và đêm”, cô Lê Thị Xuân Lộc (24 tuổi, giáo viên Trường mầm non Hoa Mai, xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) đã dùng hiệu ứng hình ảnh để kể chuyện cho trẻ lớp lá, không chỉ dừng ở nội dung chuyện cổ tích mà còn giáo dục tư duy ngôn ngữ cho trẻ...

Tại lớp học, chúng tôi thấy câu chuyện cổ tích xoay quanh ông mặt trời, mặt trăng và chú gà trống được cô Lộc kể rất sinh động. Kể đến đâu, màn hình chiếu hình ảnh minh họa đến đó. Phía dưới 30 đứa trẻ đang tuổi hiếu kỳ thích thú dán mắt vào màn hình, quên đi sự hiện diện của những người lạ đến tham quan lớp học.

Bằng giọng kể cuốn hút và hình ảnh sinh động trên màn hình, cô Lộc đã dẫn dắt các bé cuốn theo câu chuyện của mình. Khi nói đến ban đêm, màn hình hiện ra ánh trăng sáng trên bầu trời đầy sao. Rồi ngày với chú gà trống có cái mào đỏ rực với tiếng gáy ò ó o. Sau đó là ông mặt trời tươi cười chói lọi hiện ra. Các bé mắt tròn xoe nhìn chăm chăm vào màn hình sống động như nuốt từng lời cô giáo qua những mẩu đối thoại của mặt trăng, mặt trời và chú gà trống...

Cô Lộc (bìa phải) cho các em trả lời câu hỏi trên máy tính - Ảnh: Ngọc Hậu

Kết thúc câu chuyện, cô Lộc cho các bé trả lời bằng cách tương tác với máy tính. Khi cô Lộc hỏi: “Đố các con, ban đêm có gì?”, lúc này màn hình hiện lên ông mặt trăng, ông sao, mặt trời... thì các bé sẽ trả lời bằng cách clik chuột để chọn những hình ảnh phù hợp ban đêm là mặt trăng và ngôi sao. Điều hết sức thú vị là mặc dù giáo án này chỉ dành cho các bé lớp lá nhưng khi đưa vào lớp mầm trẻ vẫn vô cùng thích thú.

Cô Lộc cười tươi: “Ở lứa tuổi này, khi nói ban ngày thì các bé chỉ nhận thức là được cha mẹ đưa đến trường, khi nói ban đêm các bé chỉ nhận thức là được về nhà với cha mẹ. Cho nên tôi muốn các bé nhận thức thêm “ngày và đêm” với những hình ảnh sinh động, ngày có gì và đêm có gì chứ không đơn giản như vậy. Mặc dù đây chỉ là câu chuyện hư cấu mang màu sắc cổ tích nhưng với những hình ảnh sinh động, các em sẽ cảm thấy gần gũi và tiếp thu tốt hơn”.

Hiểu được tâm tính của trẻ là rất thích nghe kể chuyện, khi kể mà có hình ảnh minh họa sẽ tạo hứng thú và kích thích khả năng tư duy của trẻ. Do vậy khi soạn bài giảng, cô Lộc đã cất công sưu tầm hình ảnh trên mạng rồi tự mình dựng hình, viết kịch bản và kiêm luôn cả “đạo diễn hình ảnh” sao cho khi “chạy hình” phải khớp với thời gian kể chuyện. “Với giáo án này, tôi muốn dùng hiệu ứng hình ảnh giúp các em biểu lộ cảm xúc và phát triển tình cảm, nhận thức đối với thế giới xung quanh mình chứ không chỉ nghe một câu chuyện khô khan”.

Sự sáng tạo của cô Lộc không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt nội dung một câu chuyện. Cái hay là cô Lộc còn cho trẻ nhận thức bằng tư duy non trẻ của mình quanh câu chuyện.

Theo đó, cô Lộc xây dựng các trò chơi cho các bé khi kết thúc câu chuyện như: trò chơi lựa chọn màu sắc cho ngày và đêm; cho bé biểu diễn thời trang với các loại mũ khi ra đường vào thời điểm ngày và đêm; sự nổi giận của thiên nhiên... Chính những trò chơi này sẽ giúp các em nắm bắt thế giới, môi trường sinh động xung quanh mình.

Cô Lộc luôn đau đáu, tìm tòi để “làm sao cho bài giảng của mình sinh động hơn”. Sau giờ dạy ở trường, buổi tối về nhà cô giáo trẻ lại tư duy cho giáo án mới. Đi chơi, đi tham quan hay giao lưu học hỏi từ các trường khác, cô Lộc luôn ghi chép, chụp ảnh lưu lại để làm phong phú hơn cho giáo án của mình.

Cô Phạm Thị Sương, hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Mai, cho biết: “Cứ có cơ hội đi xa là cô Lộc chụp ảnh nhà máy, chụp ảnh công nhân đang sản xuất... để đem về trường trình chiếu cho các bé xem. Sau ba năm dạy ở trường, cô Lộc đã chứng tỏ mình là cô giáo trẻ yêu nghề, đầy sáng tạo và nhiệt huyết đối với trẻ em”.

Cô giáo Ánh (giữa) cùng các em học sinh - Ảnh: Trần Thảo Nhi

Đam mê sáng tạo

Nữ giáo viên đam mê sáng tạo Võ Thị Ngọc Ánh (Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành - Kon Tum) cho biết từng là học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành và tốt nghiệp Trường ĐHSP Huế năm 2002, rồi được phân về giảng dạy ngay tại mái trường mình đã nhiều năm theo học. Đến nay cô đã trải qua 13 năm công tác tại trường.

Kể từ tháng 4-2014, ngoài thời gian đứng lớp, hễ rảnh lúc nào cô Ánh lại bắt tay vào công việc. Điều quan trọng nhất tham gia cuộc thi là vốn tích lũy về kinh nghiệm, cả chục năm dạy học đã cho cô phần “nguyên liệu” khá phong phú.

Theo yêu cầu của cuộc thi sáng tạo về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, cô Ánh quyết định chọn đề tài “Bộ video hình ảnh động và sơ đồ tư duy hỗ trợ giảng dạy hình học lớp 10”.

Cô Ánh cho biết: “Với nội dung thực hiện từ những hình ảnh tĩnh, nay mình thiết kế xây dựng thành những hình ảnh động, ví dụ một chiếc máy bay nếu trong sách in phải đứng im, nhưng khi mình thiết kế thì máy bay đó phải có quá trình chuyển động, lấy đà, cất cánh, bay và đáp xuống sân bay... đây là phương pháp sử dụng kiến thức liên môn trong dạy học để giải quyết các vấn đề thực tiễn, thành mô hình trực quan sinh động”.

Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Hạnh - phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành - cho biết cô Ánh là giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi, luôn đam mê sáng tạo khoa học, nỗ lực tìm tòi và đổi mới phương pháp giảng dạy. Năm học 2013-2014 cô đoạt giải ba cuộc thi thiết kế bài giảng E-learning cấp quốc gia. Mọi người còn biết đến cô là giáo viên tận tụy với công việc, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thuyết phục hội đồng chấm giải

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Kim Tự - phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT) - cho biết: “Hội đồng chấm giải hoàn toàn căn cứ vào công trình dự giải chứ không xem xét tới yếu tố vùng miền, con người. Vì thế kết quả giải thưởng cao rơi vào số giáo viên các địa bàn khó khăn không phải do họ được ưu tiên mà công trình của họ thật sự thuyết phục hội đồng.

“Tôi ấn tượng với công trình của cô giáo mầm non Lê Thị Xuân Lộc. Vì nhìn chung, nhiều giáo viên mầm non ở các tỉnh kỹ năng sử dụng công nghệ dạy học chưa tốt. Nhiều người còn ít được tiếp cận với công nghệ dạy học. Nhưng cô giáo này khác hẳn. Chúng tôi đánh giá cao ở yếu tố sáng tạo và khả năng ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn dạy học” - ông Tự nhận xét.

Cũng theo ông Tự, việc những giáo viên ở địa phương không thuận lợi có thể nghiên cứu, tạo ra được các sản phẩm, bài giảng ứng dụng công nghệ hiện đại để dạy học đã chứng tỏ tiềm năng sáng tạo của giáo viên dồi dào nếu như họ có tâm huyết, quyết tâm và có môi trường khuyến khích.

VĨNH HÀ

 

LAM GIANG - NGỌC HẬU - TRẦN THẢO NHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên