Tuấn Anh - Công Phượng và Xuân Trường (từ trái sang) trong một buổi cà phê cùng PV Tuổi Trẻ sau khi về VN - Ảnh: S.H |
Tuy không vui vì phải ngồi ghế dự bị triền miên ở các CLB mới, nhưng cả ba đều cho rằng 9 tháng qua họ đã học được nhiều điều bổ ích cho sự nghiệp của mình sau này.
Trong nước tà tà, ngoài nước bở hơi tai
Tuấn Anh (Yokohama FC, Nhật) kể: “CLB ở VN tập ngày hai buổi, ra nước ngoài chỉ tập một buổi. Tuy thời gian tập ngang nhau nhưng khối lượng và cường độ vận động ở các CLB Nhật cao hơn rất nhiều và thường diễn ra vào buổi trưa. Trong các buổi tập, HLV buộc cầu thủ phải vận động liên tục như trong thi đấu. Còn các buổi tập ở VN thì mọi chuyện luôn diễn ra đều đều và khối lượng vận động ít khi được đẩy lên cao. Trước buổi tập một giờ, cầu thủ phải tự giác vào làm nóng, căng cơ, khởi động trong phòng tập. Khi HLV xuất hiện, cầu thủ bắt tay ngay vào giáo án của buổi tập”.
Công Phượng (Mito Hollyhock, Nhật) bổ sung: “Sau buổi tập, cầu thủ mệt rã rời vì vận động nhiều. Tuy nhiên, nhờ việc được chăm sóc tốt qua việc ngâm đá, chườm đá hay matxa dưới sự hướng dẫn của bác sĩ nên sức ỳ sớm được loại bỏ. Ở Nhật, HLV luôn kêu gọi tính tự giác của từng cầu thủ. Sau buổi tập, ai trở về nhà người nấy. Đúng giờ tụ họp lại để làm nóng và ra sân tập... Tính chuyên nghiệp, tính tự giác là điều mà tôi cùng Tuấn Anh cảm thấy thú vị nhất trong những ngày qua...”.
Còn Xuân Trường (Incheon, Hàn Quốc) bộc bạch: “Bài tập ở Incheon nặng không kém so với Mito Hollyhock hay Yokohama FC. Chẳng hạn, bài tập vận động với bóng tuy chỉ kéo dài trong ba hay bốn phút nhưng nhịp tim của cầu thủ lên rất cao và luôn được bác sĩ kiểm tra kỹ lưỡng. Chín tháng ở Hàn Quốc, ngoài những giáo án huấn luyện đa dạng, khoa học, tôi học được rất nhiều về cách thức hồi phục thể lực sau mỗi buổi tập. Đó là những bài học bổ ích để mai này có thể sẻ chia cho đồng đội khi quay về VN thi đấu”.
Thua trận cũng được ăn... nhà hàng
Xuân Trường kể: “Bữa ăn hằng ngày ở CLB Incheon thường có cá, thịt bò, thịt gà, riêng kim chi thì có hàng chục loại khác nhau. Món canh gà hầm với kim chi hoặc rong biển xuất hiện thường trực trong thực đơn. Cách một hai tuần ngay khi CLB thua liểng xiểng, lãnh đạo CLB lại đưa cả đội ra nhà hàng ăn để vừa thay đổi món ăn vừa để cầu thủ xích lại gần nhau, đoàn kết hơn”.
Còn ở Nhật, Tuấn Anh và Công Phượng cho biết bữa ăn hằng ngày gồm hàng chục loại rau sống trộn với cà chua, mỗi người một bát mì Udon, sữa chua, trái cây và luôn đi kèm với món ăn chủ lực là thịt hầm hay cá hấp. Hiếm khi thấy món chiên với dầu mỡ để hạn chế việc gây béo hay chóng ngán. Tuy không nhiều món ăn, nhưng với việc chế biến công phu và đa dạng nên cầu thủ “chiếu cố” rất tận tình.
Tuấn Anh và Công Phượng nói thêm: “Nơi CLB của chúng tôi đóng quân không có nhiều người Việt sinh sống. Do chủ yếu là du học sinh nên sau giờ học các anh chị phải đi làm thêm để trang trải chi phí thuê nhà, ăn uống... Vì thế họ cũng ít khi đến sân để cổ vũ hay gặp gỡ chúng tôi để giao lưu”.
Theo dõi sát sao tình hình HAGL Bộ ba “hot boy” này kể: “Nhờ đường truyền Internet ở CLB khá mạnh nên chúng tôi thường xuyên theo dõi V-League 2016 qua YouTube hoặc kênh truyền hình của VPF. Nhờ vậy chúng tôi chứng kiến được những thời điểm lao đao của CLB hay các bàn thắng đẹp của các đồng đội Văn Toàn, Minh Vương, Vũ Văn Thanh... giúp HAGL sớm trụ hạng mùa này. Không biết mai này khi quay lại với HAGL, chúng tôi có còn suất đá chính hay không (nói đến đây, cả ba cùng cười thật tươi)...”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận