Vì sao nữ tổng thống Brazil đầu tiên trúng cử?Brazil có nữ tổng thống đầu tiênChiến thắng thuộc về “người Lula chọn”?Brazil: cuộc đua vòng 2 giành ghế tổng thống
![]() |
Điều quan trọng là người dân Brazil hiện rất tin tưởng vào lãnh đạo tương lai của mình - Ảnh: Reuters |
Theo kết quả bỏ phiếu hôm 31-10, bà Dilma Rousseff, đại diện Đảng Công nhân cầm quyền và là ứng viên mới, đã chiến thắng đối thủ của mình - tiến sĩ kinh tế Jose Serra của Đảng Dân chủ xã hội đối lập với tỉ lệ 56%/44%. Sự ủng hộ tuyệt đối của tổng thống mãn nhiệm Luiz Inacio Lula da Silva cho cựu chánh văn phòng của mình là một trong những lý do quan trọng để 135 triệu cử tri Brazil dồn phiếu cho bà.
Được hậu thuẫn quan trọng
Khi chuẩn bị rời nhiệm sở, ông Lula đạt mức ủng hộ tới 83%, bởi vậy sự yêu thích và ủng hộ của người dân đối với ông Lula đã được chuyển tiếp sang bà Dilma, người được ông Lula lựa chọn. Còn lý do lựa chọn? Nhà lãnh đạo của xứ sở samba tin rằng người kế nhiệm sẽ tiếp tục các chính sách quản trị và phát triển mà ông đã đưa ra trong tám năm qua.
“Giờ thì chúng tôi chắc là đất nước này sẽ đi đúng hướng - giáo viên Hobert dos Santos, 26 tuổi, nhận xét - Bà Dilma sẽ tiếp tục làm việc vì người dân, tiếp tục phát triển những chính sách mà ông Lula đã khởi động nhưng không đủ thời gian để hoàn thành”.
Từng là du kích theo đường lối Macxit đầu những năm 1970, bà Dilma, 62 tuổi, được biết đến như một nhà quản lý có kỹ năng và đòi hỏi cao từ cộng sự. Cương vị đầu tiên của bà dưới thời ông Lula là bộ trưởng năng lượng năm 2003, và từ năm 2005 tới đầu năm 2010 là chánh văn phòng sau vụ bê bối tham nhũng khiến một số ghế trong phủ tổng thống bị trống.
Ông Lula gọi bà là “Mẹ của Chương trình tăng trưởng kinh tế”, một chương trình chi hàng tỉ USD phát triển hạ tầng của Brazil. Bà Rousseff cũng đứng đầu Ủy ban điều hành Công ty dầu khí Brazil Petrobras và chịu trách nhiệm soạn thảo các khung pháp lý để khai thác các mỏ dầu ngoài khơi.
Trong các chiến dịch tranh cử, ông Lula thường xuyên gọi bà là “Mẹ của đất nước” - hình ảnh mà bà đã sử dụng trên các quảng cáo truyền hình suốt thời gian tranh cử. Bà Dilma tuyên bố rõ ràng là tiếp tục đường lối của chính phủ Lula. Quan điểm của bà là nhà nước có vai trò quan trọng trong các lĩnh vực chiến lược, trong đó có ngân hàng, dầu khí và năng lượng.
Thử thách chờ đợi
Tương lai nào sẽ chờ đợi bà Dilma? Thừa hưởng một di sản tốt đẹp không có nghĩa là bà Dilma sẽ cũng làm được điều tốt đẹp. Đoạn khó của con đường sẽ chính thức bắt đầu vào ngày 1-1-2011. Bà sẽ phải thực hiện lời hứa với cử tri: tiếp tục các chương trình mà ông Lula đã làm để đưa kinh tế và chính trị của Brazil phát triển.
Sau bước nhảy vọt từ chánh văn phòng lên tổng thống, một trong những thách thức mà bà Dilma sẽ gặp phải là thực tế: bà không phải là ông Lula - người mà dân chúng Brazil ưa thích và là một chính trị gia lão luyện có phong thái, với khả năng thương lượng khó có thể chê được, khi ông đem về cho Brazil quyền tổ chức Cúp bóng đá thế giới 2014 và Thế vận hội Olympic 2016. Ngược lại, bà Dilma bị cho là có phần hơi cứng rắn, lại nóng nảy, nên báo chí đặt cho bà biệt danh “bà đầm thép”.
Các chính sách của ông Lula trong tám năm qua đã đem lại thịnh vượng sự ổn định tài chính cho Brazil, đưa 29 triệu người dân thoát nghèo. Lĩnh vực kinh tế tăng trưởng với tỉ lệ dự báo 7% trong năm nay. Nhưng an ninh công cộng vẫn là vấn đề lớn đối với Brazil. Mỗi năm nước này có gần 50.000 vụ giết người. Brazil cũng rơi vào khủng hoảng ma túy, với gần 9% người Brazil 9-18 tuổi dùng ma túy. Bà Dilma khẳng định Brazil chỉ có thể thoát khỏi vị trí là nền kinh tế đang nổi lên để trở thành một quốc gia phát triển nếu “chúng ta đảm bảo nền giáo dục có chất lượng cho tất cả trẻ em”.
Trong tuyên bố chiến thắng ở Brasilia, bà Dilma nói: “Tôi nhắc lại lời hứa cơ bản nhất của mình: chấm dứt đói nghèo. Chúng ta không được phép nghỉ ngơi khi vẫn còn những người dân Brazil đi ngủ với dạ dày trống rỗng. Xóa đói nghèo là mục tiêu của tôi. Nhưng tôi rất mong muốn có sự hỗ trợ của tất cả những người có thể giúp kéo gần khoảng cách giữa chúng ta và biến chúng ta thành quốc gia phát triển”.
Bà Dilma đã trải qua phẫu thuật thẩm mỹ để tạo cho mình một hình ảnh thân thiện và đẹp hơn trong mắt cử tri. AFP cho biết bà đã đi làm trắng răng, làm lại tóc, bỏ cặp kính để đeo kính áp tròng và căng da mặt. Vì vậy, trông bà trẻ hơn và khỏe mạnh hơn so với năm 2009. Khi đó, bà đã phải đội tóc giả sau khi trải qua đợt trị liệu ung thư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận