![]() |
Bà Dilma Rousseff gửi thông điệp trái tim mình tới những người ủng hộ trong cuộc vận động cuối cùng hôm 30-10 tại Belo Horizonte - Ảnh: AFP |
AFP cho biết theo kết quả thăm dò ngày 30-10, bà Dilma Rousseff thuộc Đảng Công nhân cầm quyền có 51% cử tri ủng hộ so với 41% ủng hộ đối thủ của bà - cựu thống đốc bang Sao Paulo, tiến sĩ Jose Serra thuộc Đảng Dân chủ xã hội. Cuộc bầu cử ngày 31-10 là vòng bầu cử thứ 2 sau vòng 1 hôm 3-10, khi không có đối thủ nào có được 50% số phiếu ủng hộ cần thiết.
Cả hai ứng cử viên đều thực hiện cuộc vận động tranh cử cuối cùng hôm 30-10 ở cùng thành phố Belo Horizonte, thủ phủ của Minas Gerais và là bang quyết định cho cuộc tranh cử. Bà Rousseff xuất hiện trên chiếc ôtô mui trần và tuyên bố: “Tôi sẽ điều hành đất nước vì mọi người dân Brazil. Tôi sẽ không phân biệt các đảng phái. Tôi sẽ không điều hành chỉ vì quyền lợi của liên minh phe cánh của mình”.
Trong khi đó, ông Serra cũng xuất hiện trên một chiếc ôtô mui trần, tuyên bố ông sẽ không bỏ cuộc, vì ý kiến thật sự của người dân nằm ở lá phiếu và sẽ “chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”. Tuy nhiên, BBC cho biết để thu hút được sự ủng hộ của dư luận hiện đang ủng hộ một chính phủ với tỉ lệ tới 80% quả là điều khó khăn với ứng viên đối lập này.
Hai đối thủ tỏ ra không hề thua kém nhau. Ông Jose Serra, 68 tuổi, là cựu thống đốc bang Sao Paulo - bang đông dân nhất của Brazil và là cựu bộ trưởng y tế. Ông là lãnh tụ sinh viên chống chính quyền độc tài quân sự Brazil những năm 1964-1985, bị buộc phải tị nạn ở Chile và sau đó đến Mỹ học tiến sĩ kinh tế ở đại học danh tiếng Cornell.
Với khẩu hiệu “Brazil có thể làm nhiều hơn thế”, ông hứa sẽ đem đến một nền quản trị tốt hơn, chứ không đưa ra sự thay đổi nào về mặt chính sách vốn đang được lòng dân của chính phủ đương nhiệm. Còn bà Rousseff, 62 tuổi, cũng từng ra tù vào khám dưới thời chế độ độc tài quân sự. Bà tham gia Đảng Công nhân của ông Lula với vị trí bộ trưởng năng lượng của bang Rio Grande do Sul. Bà Rousseff hứa sẽ đưa tiếp 21 triệu người Brazil thoát khỏi nghèo đói năm 2014 và “chấm dứt nạn đói nghèo là mục tiêu khả thi”.
Tuy nhiên, duy trì chính sách kinh tế hiện tại có thể chưa đủ để chính phủ mới của Brazil có được thành công như ông Lula, khi ông tạo được những cột mốc quan trọng. Từ khi ông Lula làm tổng thống năm 2003, 21 triệu người Brazil đã thoát nghèo, tỉ lệ thất nghiệp giảm kỷ lục 6,2% vào tháng 9-2010.
Cổ phiếu tăng gấp 6 lần và nền kinh tế tăng gần gấp đôi so với tám năm trước, trong khi tỉ lệ lạm phát giảm 1/3 so với đỉnh điểm 17,2%. Theo Ngân hàng Trung ương Brazil, nền kinh tế lớn nhất của Mỹ Latin dự báo sẽ tăng 7,3% năm nay, mức cao nhất từ năm 1986.
Sau tám năm cầm quyền, ông Lula đã làm được nhiều việc mà người dân Brazil trân trọng. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, từng làm nghề đánh giày, công nhân cơ khí, trở thành lãnh đạo nghiệp đoàn, thành lập Đảng Công nhân. Năm 2002 và 2006 ông được bầu làm tổng thống, trở thành cảm hứng cho các nhà làm phim ra mắt bộ phim Lula: son of Brazil (Lula: đứa con của Brazil) sẽ tham gia tranh giải Oscar 2011.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Romario, Bebeto được bầu vào hạ việnRomario được bầu là nghị sĩ Quốc hội BrazilBrazil: cuộc đua vòng 2 giành ghế tổng thống
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận