Phóng to |
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tiếp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Bắc Kinh - Ảnh: THX |
Theo AFP, ngày 5-9 Ngoại trưởng Clinton đã thảo luận với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì và các quan chức Trung Quốc khác. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Tập Cận Bình, nhân vật được xem là nhà lãnh đạo tối cao tương lai của Trung Quốc, đã bất ngờ hủy bỏ cuộc gặp với bà Clinton cũng như với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Báo Courrier International cho rằng lý do hủy bỏ này không được nêu rõ, nhưng trong quá khứ Bắc Kinh thường hủy bỏ các cuộc gặp cấp cao vào những lúc quan hệ song phương trở nên lạnh nhạt.
COC cho Trung Quốc và ASEAN
Trước đó tại Indonesia, bà Clinton đã kêu gọi các nước ASEAN đoàn kết, tạo ra một lập trường chung trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc. Mỹ mong muốn ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được thỏa thuận về một bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thay cho đe dọa, khiêu khích hoặc sử dụng vũ lực.
Theo Reuters, trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì, bà Clinton nhấn mạnh các bên cần đạt được những tiến bộ cụ thể tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tháng 11 ở Campuchia, nơi Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng sẽ có mặt tham dự. “Chúng tôi tin rằng đây là thời điểm phù hợp để hành động và tạo ra một COC nhằm giảm căng thẳng trên biển Đông” - bà Clinton nói.
“Mối quan tâm của chúng tôi là việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, thương mại hợp pháp không bị cản trở - ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh - Là một người bạn của các quốc gia khu vực, Mỹ tin rằng việc Trung Quốc và ASEAN tham gia vào một tiến trình ngoại giao nhằm tạo ra COC phù hợp với lợi ích chung của tất cả các nước”. Bà cũng khẳng định chiến dịch “xoay trục” của Mỹ tại châu Á không phải để kiềm chế Trung Quốc và Mỹ đón chào sự trỗi dậy của một Trung Quốc thịnh vượng, hòa bình.
Trung Quốc: “bổn cũ” sao lại
Đáp lại đề nghị của Mỹ, ông Dương Khiết Trì vẫn tiếp tục khẳng định “Trung Quốc có chủ quyền đối với các hòn đảo và vùng nước phụ cận trên biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông)”. Ông cũng tiếp tục nhắc lại Bắc Kinh chỉ muốn đàm phán song phương với từng quốc gia có tranh chấp trên biển Đông. Đề cập COC, ông Dương Khiết Trì tiếp tục “lửng lơ” cho biết Trung Quốc và “một số người bạn trong ASEAN” muốn hợp tác để “cuối cùng thì áp dụng COC”.
Trong khi đó, báo chí chính thức của Trung Quốc lại không chút úp mở. Nhân Dân Nhật Báo và Thời Báo Hoàn Cầu đồng loạt đăng bài cảnh báo Washington không được có bất kỳ vi phạm nào đối với các lợi ích cơ bản của Trung Quốc, không được có bất kỳ mưu toan “gieo rắc sự bất đồng” nào trong khu vực. Trung Quốc không bao giờ chấp nhận đàm phán đa phương.
Hai báo này tiếp tục tố cáo Mỹ là “nguyên nhân cơ bản gây căng thẳng trên biển Nam Trung Hoa và quần đảo Điếu Ngư (tức quần đảo Senkaku)”. Do vậy, “Bắc Kinh sẽ không để cho Washington có bất kỳ nghi ngờ hay đánh giá sai nào về sự kiên định của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận