08/04/2010 04:45 GMT+7

Ba Chúc - chuyện những con người - Kỳ 2: Bà Tư và ngôi nhà mồ

QUANG VINH
QUANG VINH

TT - Gần 9 giờ tối, bà Tư - Hà Thị Nga, sinh năm 1939, ở ấp An Định A, thị trấn Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang) đóng cửa ôm đài nghe cải lương. Bà là nạn nhân may mắn sống sót trong vụ thảm sát năm 1978. Cả dòng họ trên 100 người của bà đã bị Pol Pot giết hại; riêng gia đình bà đã vĩnh viễn mất đi 37 người, từ cha mẹ, anh chị, chồng và sáu đứa con thân yêu.

nLNFQAqQ.jpgPhóng to
Bà Hà Thị Nga với ký ức sau lưng - Ảnh: Q.VinH

Kỳ 1:Ba Lê và tiếng sáo vọng hồn

Người đàn bà nghe đài

Tối nào bà Tư cũng mở đài thật to. Người hàng xóm nói không phải bà ghiền nghe đài, đó chỉ là cách để bà tạm quên đi dĩ vãng đau khổ và để... ngủ được mà thôi! Cửa mở, bà Tư đứng tần ngần thật lâu mới hỏi: “Cậu là ai? Sao tối thế này còn đến đây? Đừng hỏi tôi về chuyện chồng con chết chóc nữa nghen!”. Câu chuyện về người đàn bà và ngôi nhà mồ chứng tích tội ác đã khó liền mạch ngay từ lần gặp đầu tiên.

Trong đêm, tôi đề nghị bà đưa tôi ra khu nhà mồ cách nhà chừng 200m, bà đồng ý đi như một thói quen. Ngôi nhà mồ tập thể có số bộ hài cốt lên đến 1.151 bộ được ánh sáng đèn bốn góc rọi từ xa xuyên qua tấm kính, phía bên trong ẩn hiện từng ngăn những bộ hài cốt. Những hộp sọ nằm chồng lên nhau, tất cả hốc mắt đều được hướng ra ngoài u uẩn trong đêm. Mưa lất phất, tôi dõi theo xem bà sẽ dừng lại ở vị trí hộp sọ nào. Rất có thể bà sẽ lại đến gần hộp sọ của chồng con. Nhưng bà không dừng lại mà rảo bước quanh nhà mồ, thỉnh thoảng lại cúi nhặt rác cây cỏ trên lối đi.

Bà nói: “Lúc đầu khi mới cải táng tôi còn biết đâu là xương cốt của chồng con, nhưng sau đó các bác sĩ đã sắp xếp phân loại lại theo thứ tự tuổi tác. Bây giờ nhà mồ là máu mủ cốt nhục chung của dân làng Ba Chúc rồi”.

Bà còn nói nhà mồ như chốn thiêng liêng đi xa là nhớ, ở gần rất khó lui chân. Một nhành cây đổ, một đám cỏ dại, những đêm dông gió, những kẻ lạ mặt, một điều gì đó bất thường chạm vào nhà mồ đều làm bà âu lo để mắt.

Đang quan sát về phía cuối nhà mồ, bỗng có người đàn ông say rượu ngả nghiêng, bà Tư nhanh chân đến gần rồi hắng giọng: “Chú say rồi thì về nhà đi để nhà mồ được yên tĩnh”. Người đàn ông im bặt lui vào xóm nhỏ. Người đàn ông vừa đi khỏi thì có ai đó đốt rác, bà Tư vội dập lửa vì sợ lửa táp vào nhà mồ. Bà đã tự nguyện làm công việc quản mồ không công từ khi mới bắt đầu gom hài cốt người dân các nơi về đây.

Ngày Ba Chúc vừa được yên bình, người dân đi cất bốc hàng ngàn bộ hài cốt từ các nơi gánh về chất cao ngất ngay phía trước nhà bà. Lúc đó nhiều người đã bỏ xứ ra đi, không muốn chứng kiến cảnh bi thương ảm đạm. Bà vẫn ở lại, chiều chiều ra trước hiên nhà cầu nguyện cho linh hồn người dân Ba Chúc được yên bình cho dù hình hài của họ đã không còn nguyên vẹn.

“Đêm xuống tôi ra với đống xương người, canh chừng sợ gió thổi tắt ngọn đèn, tôi sợ chồng con tôi không thấy đường về nhà. Có lần tôi vừa đốt đèn quay đi được vài bước thì đèn tắt. Vài lần như thế đèn vẫn tắt. Tôi biết là chồng con, người thân tôi không muốn tôi rời xa họ. Tôi nhớ con tôi lắm”- bà Tư nghẹn giọng.

Khi Nhà nước cho xây dựng khu nhà mồ tập thể bà đã tham gia và làm tất cả những gì có thể để như bà nói: “Tâm can tôi được bình yên. Giữ được chữ tình với người đã khuất”.

Từ nhà mồ trở về nhà bà Tư lại thắp nhang khấn vái vong linh, thỉnh thoảng muốn nói điều gì đó với chồng con bà lại lọ mọ cầu kinh thâu đêm. Trong nhà bà không còn nhiều kỷ vật của người xưa. Chái bếp chỉ còn vài cái nồi gọn ghẽ mùi đất nung. Gian nhà sau có cái giường nhưng hàng chục năm qua không ai nằm, chỉ có chồng mâm cao ngất chất gọn góc nhà. Bà nói chồng mâm ấy là tài sản quý giá của bà. Chồng mâm trên 80 chiếc với hàng đống chén đĩa mà bà đã dành dụm tiền mua được để làm giỗ cúng kiếng hằng năm.

Nếu không có số tài sản ấy, bà phải đi mượn của bà con phiền phức lắm. Làng Ba Chúc này nhà nào cũng có người bị giết trong vụ thảm sát, ai cũng phải mua sắm mâm chén, không ai mượn ai được. Trên tường, trong tủ không có bất kỳ tấm ảnh nào của chồng con bà. Tất cả đều bị đốt thành tro bụi...

Sống mà nhớ lấy

Trong ngôi nhà hoang lạnh, bà Tư sống thu người trong khắc khoải hoài vọng. Bà một mình đón từng luồng gió lạ ùa vào nhà. Những luồng khí lạnh, những âm thanh quen thuộc, với bà, là người xưa, là kỷ niệm, ký ức giữa chốn người và những thế giới xa xăm. Bà nói chuyện với con cháu đã khuất mà nghe như bao người mẹ đang sống hạnh phúc với chồng con trong những ngôi nhà khác trên hành tinh này.

Tôi lại theo chân bà Tư ra khu nhà trưng bày hiện vật tội ác của Khmer đỏ nằm gần nhà mồ Ba Chúc. Ở nhà trưng bày người ta gọi bà là người kể chuyện sống động nhất. Bởi bà chính là một trong những nhân chứng sống còn lại dám trải nghiệm với nỗi đau quá khứ bằng những ký ức dữ dội nhất hiện diện từng ngày.

Bà vẫn ở chỗ cũ, trả lời rất nhiều câu hỏi cũ. Năm năm trước những đoàn làm phim, những nhà báo đến, họ hỏi và năm năm sau vẫn câu hỏi ấy, chỉ người hỏi là khác nhau. Còn bà vẫn chỉ có một mình, vẫn những niềm riêng, nỗi chung, vẫn là ký ức, không biết nó có cũ đi hay không nhưng hình như ngày một lắng thành một niềm riêng trong biển lòng của bà vậy.

Hằng ngày bà sống bằng nguồn tiền bán nước giải khát cho học sinh ở trường trung học gần nhà mồ. Cánh xe ôm vẫn thường gọi bà bằng má Tư, bà có rất nhiều con cháu gần xa hay ghé thăm thân mật. Nhìn bà nựng nịu trẻ thơ trong xóm ai cũng muốn vui lây. Công việc quản mồ giờ cầu kinh sớm tối, ngày rằm ngày giỗ cứ thế vần xoay. Nhiều lần ghé thăm, thỉnh thoảng tôi lại nghe bà báo tin con cháu vừa hạ sinh đứa con trai, con gái. Dòng họ Hà của bà đang hồi sinh đấy thôi.

Tôi hỏi bà có mong muốn gì cho riêng mình, bà nói biết mình muốn gì nhưng lại nói không được. Vẫn còn đâu đó những đau thương của một đời người. Nhưng nếu đau thương mà làm điều ác thì sẽ lại gây thêm nỗi đau cho chúng sinh. Bởi bà cũng là một người vợ, người mẹ, một người phụ nữ như bao phụ nữ VN đã chịu quá nhiều đau khổ trong những cuộc chiến tranh đẫm máu ở vùng đất thiêng Ba Chúc này.

Ừ thì quá khứ, hãy để nó là bài học cho nhân loại. Bà sống và chăm sóc nhà mồ với cả ngàn linh hồn này, cũng như là một chứng nhân cảnh tỉnh con người, rằng: hãy đau về tội ác để đừng bao giờ cho phép nó lặp thêm lần nữa!

_________________________

Câu chuyện về hàng trăm đứa trẻ mồ côi của làng Ba Chúc ngày ấy đã chia ngọt sẻ bùi, nương theo tiếng gõ mõ và ánh đèn đêm tụ tập, vần đổi công, dựa vào nhau mà sống, mà lớn và gầy dựng tương lai cuộc đời.

Kỳ cuối: Từ ánh lửa mồ côi

QUANG VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên