10/10/2011 03:34 GMT+7

Ba "chìa khóa" giảm chênh lệch giới tính

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TT - “Sẽ có chính sách tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia nhiều hơn trong đào tạo nghề, tìm kiếm cơ hội việc làm, hỗ trợ các gia đình sinh con gái”.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Nguyễn Văn Tân nói như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về tình trạng chênh lệch giới tính đang gia tăng tại VN.

TFVhyQXw.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Tân - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ông Nguyễn Văn Tân nói:

- Chênh lệch giới tính khi sinh đã ở mức cao, 111,2 bé trai/100 bé gái. Ở các nước khác, tình trạng này xuất hiện từ cuối những năm 1970 đầu những năm 1980, nhưng họ lên từ từ và mất hàng chục năm mới ở mức như chúng ta. Còn chúng ta trước đây chưa có dữ liệu đầy đủ, từ năm 2004 đến nay thì tăng rõ rệt, năm 2006 là 110 bé trai/100 bé gái, năm 2010 là 111,2 bé trai/100 bé gái và chênh lệch còn đang tiếp tục tăng.

* Thống kê của Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình cho thấy càng nhà giàu, học vấn cao thì càng lựa chọn sinh con trai nhiều hơn. Ông có nghĩ rằng với thực trạng này, các biện pháp như tuyên truyền hoặc hỗ trợ người sinh con gái, hỗ trợ bé gái như cơ quan chức năng đang dự định tiến hành để giảm chênh lệch giới tính có hiệu quả?

- Ở nước nào cũng như vậy chứ không chỉ riêng VN. Hiện VN đang ở giai đoạn đầu, du nhập kỹ thuật mới, công nghệ mới thì những gia đình kinh tế khá giả sẽ có điều kiện áp dụng trước. Sau đó mới lan dần sang các nhóm dân số khác như học vấn thấp hơn hay sống ở nông thôn. Can thiệp giảm chênh lệch giới tính đến nay mới chỉ có Hàn Quốc thành công trên phạm vi cả nước, Trung Quốc và Ấn Độ mới thành công ở phạm vi một số địa phương. Ở Hàn Quốc, những năm 1992-1995 chênh lệch giới tính khi sinh là 117 bé trai/100 bé gái, nay họ đã đưa xuống 106-107 bé trai/100 bé gái.

Theo đề án về giảm chênh lệch giới tính khi sinh đã trình Chính phủ, mục tiêu là giảm tốc độ tăng của chênh lệch giới tính khi sinh, cố gắng đến năm 2015 chỉ số này là dưới 113 bé trai/100 bé gái, đến năm 2020 là dưới 115 bé trai/100 bé gái, sau năm 2020 giảm dần tình trạng chênh lệch giới tính.

Ở VN, chúng tôi cho rằng phải can thiệp xử lý ba nguyên nhân chính và cũng là ba “chìa khóa” của vấn đề: sự ưa thích con trai trong văn hóa người Việt, sự xuất hiện của công nghệ chẩn đoán sớm giới tính thai nhi, sinh ít con và bắt đầu có nhu cầu lựa chọn để tác động vào ba nguyên nhân ấy. Ở Hàn Quốc, người ta đã đưa ra những khẩu hiệu ngược lại với truyền thống như “Một người con gái tốt bằng mười người con trai”, hay truyền thông mạnh về những phụ nữ thành công trong kinh doanh, hiếu thảo với cha mẹ, đề cao giá trị của phụ nữ. Họ cũng đưa ra những dẫn chứng xã hội ngày càng nhiều chàng rể đến ở nhà cha mẹ vợ, việc chăm sóc cha mẹ là do con gái. Năm 1994, họ đã xử phạt tám bác sĩ chẩn đoán sớm giới tính thai nhi bằng hình thức đình chỉ hành nghề. Chỉ một năm, chênh lệch giới tính khi sinh đã giảm hẳn (năm 1994 là 117 bé trai/100 bé gái, 1995 chỉ còn 113 bé trai/100 bé gái). Ở VN, cũng có nhiều con gái chăm lo cho cha mẹ tốt không kém con trai, phải cho mọi người nhìn thấy thực trạng ấy.

* Ông có nói đến chính sách thưởng phạt nghiêm minh với dịch vụ chẩn đoán sớm giới tính thai nhi và coi đó là một trong ba chìa khóa quan trọng can thiệp giảm chênh lệch. Ở VN, pháp lệnh dân số 2003 đã cấm dịch vụ này, nhưng đến nay nó vẫn được cung cấp phổ biến và mới có bốn bác sĩ bị xử phạt. Ông có cho rằng sẽ khó học theo bài học Hàn Quốc?

- Trong ba chìa khóa tôi đã nói, sẽ có chính sách tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia nhiều hơn trong đào tạo nghề, tìm kiếm cơ hội việc làm, hỗ trợ các gia đình sinh con gái. Với các gia đình khá giả, việc này không có tác dụng gì nhiều, nhưng có tác dụng phòng chống lây lan lựa chọn giới tính sang các nhóm dân số nghèo hơn, ở khu vực nông thôn. Thưởng phạt nghiêm minh với các thầy thuốc cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính nhưng phải đi đôi với giáo dục y đức để thầy thuốc có ý thức rằng không thể vì thu nhập mà cung cấp thông tin về giới tính thai nhi. Ở Nhật Bản, khi bà mẹ đi khám thai, bác sĩ chỉ cung cấp thông tin về khía cạnh sức khỏe, không cung cấp về khía cạnh giới.

Năm 2009-2010, Bộ Y tế đã triển khai nhiều đợt thanh tra nhằm phát hiện, xử lý vi phạm chẩn đoán giới tính khi sinh, kết quả là toàn bộ ấn bản phẩm có tuyên truyền lựa chọn giới tính khi sinh đều bị thu hồi, bốn bác sĩ ở Hưng Yên và Kiên Giang bị phạt, nhưng chủ yếu phạt nhẹ. Cái khó ở VN là thanh tra chuyên ngành phải công khai, báo trước cho đối tượng được thanh tra, như vậy rất khó phát hiện việc cung cấp dịch vụ bị cấm như chẩn đoán sớm giới tính thai nhi. Hiện nay, nghị định 114 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dân số sửa đổi đã nâng mức phạt lên

50-100 triệu đồng kèm theo hình thức thu hồi giấy phép. Về câu hỏi phạt nhẹ thì khó học Hàn Quốc tôi cho rằng ngay ở Hàn Quốc, cả thành phố Seoul chỉ có tám bác sĩ bị phạt mà chênh lệch giới tính khi sinh đã giảm, chứng tỏ người ta chỉ phạt để răn đe, làm gương, VN cũng có thể làm như vậy.

* Hậu quả của chênh lệch giới tính khi sinh, theo ông vấn đề nào sẽ trầm trọng nhất? Có phải hậu quả của vấn đề này không phải thấy ngay, mà phải hàng chục năm nữa mới đến nên các biện pháp can thiệp chưa hiệu quả?

- Trong công tác dân số, hậu quả không thể ngày nay, ngày mai, thậm chí năm nay hay sang năm, mà tính bằng thế hệ. Nhưng cũng như biến đổi khí hậu, nếu không có tầm nhìn xa sẽ không gánh nổi hậu quả khi nó diễn ra. Cách đây 30 năm, người Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan lựa chọn giới tính khi sinh và ảnh hưởng của nó liên quan đến cả VN khi có hàng trăm ngàn cô dâu “xuất khẩu”.

* Tại VN, chỉ có trên 20% người lao động có bảo hiểm xã hội, có lương hưu khi về già. Số còn lại không có lương hưu và mong con trai để dựa. Chính sách đang hướng đến người thực hiện, nhưng chưa tạo điều kiện bằng an sinh xã hội để họ yên tâm. Theo ông, vấn đề này nên xử lý như thế nào?

- Tôi được biết hiện đang có chính sách bảo hiểm xã hội cho nông dân, nhưng rất nên nhanh chóng mở rộng chương trình này để nông dân, người lao động tự do có thể tham gia đóng góp khi họ còn khỏe, được hưởng lương hưu khi về già. 70% dân số sống ở nông thôn và hầu hết trong số đó chưa có bảo hiểm xã hội. Những người này đều mong có con trai để nương tựa sau này. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể dựa vào con, ngay cả các gia đình có con trai vẫn có khi bố một niêu, con một niêu.

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên