Lễ giỗ 191 năm ngày mất của Đức Quốc Công "Ba Bị" Phạm Đăng Hưng - Ảnh: THÁI LỘC |
Ông Phạm Đăng Thành kể về cụ tổ sáu đời của mình là Đức Quốc Công - Phạm Đăng Hưng.
Lễ giỗ trong ngôi miếu cổ
Miếu thờ Đức Quốc Công hiện nằm cạnh cầu Kim Long hướng ra sông Hương với chiếc cổng tam quan cổ kính tuyệt đẹp. Đi ngang nhiều lần, nhưng đến sáng 16-7, nhằm ngày 13-6 âm lịch, cũng là lần đầu tiên chúng tôi thấy miếu mở cổng. Đó cũng là dịp giỗ nhân 191 năm ngày mất của cụ. Bên trong cổng là con đường sâu hun hút, mượt xanh bởi cây trái, nào là thanh trà, mận, xoài và hồng xiêm, một số cây trĩu quả...
Khu vườn rộng này cũng có nhiều loại hoa thân gỗ thường thấy ở các phủ đệ đài các, như mộc, nhài, hải đường hay thiết mộc lan... Ấn tượng nhất vẫn là hai cây nhãn cổ thụ rợp bóng cả khoảnh sân rộng, phủ cả nhà che bia đá lẫn ngôi miếu năm gian lợp ngói liệt cổ kính.
Ngôi miếu cổ quy mô chẳng kém những cung miếu trong hoàng cung Huế, với ba án thờ cổ cùng hệ thống khí tự tương đối nguyên vẹn. Miếu này do vua Tự Đức lập nên để thờ ông ngoại mình là Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng, vốn là một công thần giai đoạn tiền triều.
Khá đông con cháu họ Phạm Đăng ở Huế và các tỉnh lân cận cùng tề tựu trong miếu. Mâm cỗ và các loại phẩm vật được bày lên ba kệ thờ đằng sau ba hương án. Những hồi chuông, trống đối nhau âm vang, các thế hệ con cháu lần lượt hành lễ một cách kính cẩn, tôn nghiêm. Đây cũng là dịp hiếm hoi trong năm con cháu họ Phạm Đăng ở miền Trung tề tựu. Cho nên sau lễ giỗ và ăn cỗ, dù bận việc mấy con cháu cũng nán ngồi lại để bàn việc họ hàng hay phụng sự tổ tiên...
Kể về cụ tổ sáu đời của mình, ông Phạm Đăng Thành, nhà ở gần phủ ba cửa, cho biết Ba Bị chính là cách gọi cụ Phạm Đăng Hưng thường đem ba bị lúa giống từ miền Nam đi phát cho dân trồng tỉa.
Câu chuyện này tương tự trong sách Hương Giang cố sự của tác giả Nguyễn Đắc Xuân (dẫn từ sách Gò Công xưa và nay, kết hợp chuyện kể của cụ Phạm Đăng Trí, hậu duệ họ Phạm Đăng ở Huế).
Sách Hương Giang cố sự ghi: “...Ông Ba Bị chính là cụ Phạm Đăng Hưng, người Gò Công (Nam bộ), có thân hình cao lớn với bộ râu rậm và cứng như râu Trương Phi. Cụ làm quan trải qua các triều Gia Long và Minh Mạng, nổi tiếng là quang minh chính trực.
Cụ có người con gái lấy vua Thiệu Trị tên là Từ Dũ và người cháu ngoại là Hồng Nhậm (sau lên ngôi lấy niên hiệu là Tự Đức). Năm Gia Long thứ 16, với chức vụ Quàn khâm thiên giám, cụ dâng sớ thỉnh cầu nhà vua cho lập xã thương, tức kho chứa lúa ở các xã trong nước, phòng khi trời hạn hoặc lụt lội mùa màng mất mát, thì lúc ấy trong kho đã có sẵn lúa chẩn cấp cho dân chúng tránh nạn đói.
Vua đồng ý và giao cho cụ thực hiện. Để giúp dân có nhiều lúa nạp vào dự trữ ở xã thương, cụ gửi thư vào Nam bộ xin những giống lúa mới có năng suất cao đem ra phân phát cho dân. Vì thế mỗi lần đi xuống thăm các địa phương, cụ thường mang theo ba cái bị đựng các loại giống lúa quý.
Đến đâu thấy dân làm ăn khó khăn, cụ phát cho một ít và hướng dẫn cách nhân giống. Những nơi nào có quan tham ô lại, gian thương bóc lột dân chúng, cụ thẳng tay trừng trị. Vì thế những người dân lương thiện có cảm tình với cụ. Những người xấu mới thấy bóng cụ thoáng qua đều run sợ”.
Được vua tin dùng
Trong một câu chuyện khác của ông Phạm Đăng Thiêm (anh ruột ông Thành, hiện là thủ từ miếu Đức Quốc Công) kể tên gọi Ba Bị có từ thời Minh Mạng. Đó là giai đoạn cụ Phạm Đăng Hưng “mang ba bị” đi phát chẩn cho dân mất mùa ở tỉnh Quảng Nam: “Cụ là người thanh liêm nên đã đàn hặc một vị quan thâm lạm trong việc phát chẩn cho dân nghèo. Và nhà vua cho chém đầu vị ấy làm gương nên nhiều người thấy cụ là sợ!”.
Chuyện này cũng ghi rõ trong sách Đại Nam thực lục. Năm 1821, Phạm Đăng Hưng cùng thuộc cấp là Lê Đồng Lý bị truy cứu việc “viết văn cáo có chữ sót lầm”, “tâu sách phong tặng cha mẹ quan viên nhiều chỗ sai trái”.
Cả hai bị Minh Mạng triệu vào triều quở: “Xem việc thì tội nhỏ mà xét lòng thì tội to. Nhưng nay sắp đi Bắc tuần, ai có lỗi đều khoan miễn. Tội của bọn ngươi cũng tạm tha. Đừng có bảo là trẫm nhu nhơ!”. Dù vua nói như vậy, nhưng trong triều thần thì cứ “đồ đi đồ lại” lỗi ấy, cho nên cả hai đều không được dự các lễ tế quan trọng, và sau đó ông bị bãi chức.
Năm 1822, tỉnh Quảng Nam gặp nạn đói, vua sai nhóm Phạm Đăng Hưng đi phát chẩn cứu đói. Vua dụ: “Bọn ngươi làm việc phong tặng có trái với chỉ, tội chối sao được, nhưng chưa rõ là việc tham tang sai chép nên tạm cho mang tội đi làm việc. Nếu biết giữ công gắng sức để cho ơn huệ khắp đến nhà nghèo thì tội sẽ giảm bớt. Không được thế thì xử nặng!”.
Khi đến Quảng Nam, ngoài công việc phát chẩn, ông phát hiện lý trưởng Đặng Văn Diên lĩnh thóc bán cho riêng mình, xin chém để làm gương, được vua chuẩn y... Nhận xét Phạm Đăng Hưng “biết giữ phép công bằng, phát giác việc gian để trừ thói nhũng”, vua tiếp tục bổ nhiệm chức quan ở Hàn lâm viện cùng với lời hứa “Bọn ngươi nên nghĩ cảm kích mà chăm chỉ cẩn thận thêm, trẫm sẽ đặc cách đề bạt. Cố gắng lên!”.
Năm 1824, Phạm Đăng Hưng được làm thượng thư bộ lễ và sang năm sau thì qua đời. Sử ghi: “Đăng Hưng là đại thần già cả, trung thành văn nhã, vua rất tin dùng. Đến nay chết, tặng Hiệp biện đại học sĩ, cho thụy là Trung Nhã. Lại cho 500 quan tiền, 3 cây gấm Tống, 10 tấm lụa (năm Tự Đức thứ 2 truy tặng Đức quốc công)”... So ra, nếu đồng nhất câu chuyện về cụ Phạm Đăng Hưng với ông Ba Bị thì cũng có nhiều chi tiết khó thuyết phục.
Đang lúc chúng tôi hoang mang vì Huế có hai ông Ba Bị thì thật bất ngờ gặp nhà nghiên cứu Trần Viết Điền. Ông khẳng định chắc chắn: “Trên chùa Quốc Ân họ đang thờ một ngón tay không cháy, để trong một cái tráp, bảo bối của nhà chùa, nhà báo lên đó mà xem!”.
Soi trong chính sử triều Nguyễn, sách Đại Nam thực lục ghi khá rõ về hành trạng cụ Phạm, từ khi phò tá Nguyễn Phúc Ánh ở miền Nam và ra Huế làm quan cho đến khi mất. Sách ghi năm 1816, dưới triều Gia Long, cụ Phạm đề nghị đặt kho ở các xã để phòng chẩn cho dân những năm mất mùa. Vua không đồng ý mà bày cách thu thuế làm cơ sở cho việc phát chẩn. Rằng: “Trẫm trù tính đã kỹ rồi, phương pháp đặt xã thương làm được thực khó, kẻ giữ kho không được người tốt thì sẽ hại cho dân. Không bằng cẩn thận rộng chứa thuế chính cung, gặp khi đói kém thì phát chẩn và cho vay, đó cũng là chước hay vậy!”. |
“...Ông Ba Bị chính là cụ Phạm Đăng Hưng, người Gò Công (Nam bộ), có thân hình cao lớn với bộ râu rậm và cứng như râu Trương Phi. Cụ làm quan trải qua các triều Gia Long và Minh Mạng, nổi tiếng là quang minh chính trực (Sách Hương Giang cố sự) |
>> Kỳ cuối: Ông Ba Bị trong lòng dân
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận