Trận Úc - Syria diễn ra trên sân vận động vắng khán giả - Ảnh: REUTERS
Với việc nâng số lượng các đội lên 24, Asian Cup 2019 sánh ngang với Euro 2016 về quy mô tổ chức và chỉ chịu lép vế so với World Cup. Tuy vậy, thương hiệu của Asian Cup vẫn chưa phát triển ngang bằng với sự lớn mạnh của giải đấu.
Asian Cup: tài trợ èo uột, tiền thưởng thấp
Euro 2016 có 10 nhà tài trợ chính thức trong khi con số này ở Asian Cup 2019 chỉ là 7. Nếu Euro 2016 được nhận định là mảnh đất màu mỡ để các thương hiệu quảng bá hình ảnh thì tại Asian Cup điều tương tự không xảy ra khi hầu hết thương hiệu hàng đầu trên thế giới không thật sự mặn mà với giải đấu này.
Không có được nguồn tài chính dồi dào từ nhà tài trợ, Asian Cup cũng không thể bội thu từ tiền bản quyền truyền hình. Theo đó, nếu Euro phủ sóng đến hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới, Asian Cup chỉ bán được bản quyền ở các quốc gia châu Á và một số khu vực đặc thù khác trên thế giới.
Doanh thu từ tài trợ và bản quyền truyền hình khá thấp khiến Asian Cup không thể rộng tay trong việc phân chia tiền thưởng. Cụ thể, tổng tiền thưởng của Asian Cup 2019 chỉ dừng ở mức 14,8 triệu USD. Trong đó, đội vô địch nhận được 5 triệu USD, hạng nhì nhận được 3 triệu USD, hai đội đồng giải ba sẽ nhận được 1 triệu USD. Những đội dự Asian Cup chắc chắn bỏ túi 200.000 USD nhưng họ không được thưởng thêm nếu có kết quả tốt ở vòng bảng.
Con số này thực tế rất thấp nếu so với Euro. Tổng mức tiền thưởng của Euro 2016 khoảng 343 triệu USD. Mỗi đội tham dự giải đấu này trước hết sẽ bỏ túi hơn 9 triệu USD. Ở giai đoạn vòng bảng, mỗi chiến thắng sẽ được thưởng hơn 1 triệu USD và hơn 500.000 USD cho một trận hòa. Đội càng vào sâu, tiền thưởng càng được nhân lên. Vì vậy, nhà vô địch Euro có thể nhận được số tiền thưởng cao nhất là 30 triệu USD.
Chất lượng chuyên môn không cao
Nguyên nhân khiến các nhà tài trợ cũng như người hâm mộ bóng đá thế giới không mấy quan tâm đến Asian Cup là do chất lượng giải đấu không cao. Số lượng cầu thủ ngôi sao ở Asian Cup có thể kéo khán giả đến sân chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thật vậy, dù có rất nhiều cầu thủ châu Á xuất ngoại thi đấu nhưng nếu xét yếu tố ngôi sao thực sự, Asian Cup 2019 chỉ có mỗi Son Heung Min của Hàn Quốc. Chính vì thiếu ngôi sao tầm cỡ nên các trận đấu tại Asian Cup gần như chỉ là cuộc chiến của những đội bóng vô danh.
Vì vậy, không bất ngờ khi các CĐV ngoài châu Á chẳng muốn bỏ thời gian quý báu để xem những trận đấu mà họ mù tịt thông tin. Khán giả thế giới thờ ơ Asian Cup là điều dễ hiểu, nhưng chính các CĐV châu Á cũng góp phần khiến cho giải đấu trở nên nhàm chán. Sau lượt trận đầu tiên của Asian Cup, báo điện tử Goal.com cho biết lượng CĐV đến sân rất thấp.
Ngoài trận khai mạc giữa UAE với Bahrain (hòa 1-1) trên sân Zayed Sports City thu hút 33.878 CĐV đến sân, tất cả các trận đấu còn lại không có trận nào đạt đến con số 10.000. Thấp nhất chính là trận đấu giữa Trung Quốc với Kyrgyzstan trên sân Khalifa bin Zayed khi chỉ có 1.839 CĐV.
Điều này trái ngược với Euro khi mỗi giải đấu là một mùa lễ hội với người dân châu Âu. Từ nhiều quốc gia, người hâm mộ đổ về nước chủ nhà để xem bóng đá và du lịch. Đây cũng là dịp để nước chủ nhà quảng bá hình ảnh và tăng thêm nguồn thu từ các CĐV đội khách nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.
Dù chưa có thống kê chính thức nào nhưng theo truyền thông UAE, lượng CĐV các nước đổ về quốc gia này nhân dịp Asian Cup 2019 rất thấp. Do đó, không khó hiểu khi các trận đấu của những đội khách thường vắng khán giả.
Asian Cup xếp sau Copa America
Dù chỉ có 16 đội tham dự nhưng Copa America 2016 vẫn tỏ ra vượt trội so với Asian Cup về mọi mặt. Tổng tiền thưởng của Copa America lên đến 21,5 triệu USD. Đội vô địch được thưởng đến hơn 6 triệu USD (chưa kể tiền thưởng thêm theo thành tích thi đấu).
Trong khi đó, số lượng nhà tài trợ chính thức của giải đấu gần 15 thương hiệu lớn nhỏ. Giải đấu được phát sóng đến gần 70 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận