Dự báo trưa nay (19-2), áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Trường Sa khoảng 190km về phía tây tây bắc và có khả năng mạnh lên thành bão số 1. Khi thành bão, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão sẽ mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 9-10.
Theo ghi nhận của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, áp thấp nhiệt đới tiếp tục gây ra đợt mưa trái mùa trên diện rộng tại các tỉnh thành Nam bộ với lượng mưa từ 7-20mm.
Ông Lê Thanh Hải, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, nhận định áp thấp nhiệt đới xuất hiện giữa mùa khô như trên là hiếm chứ không phải chưa từng xảy ra. Cụ thể theo số liệu quan trắc trong vòng 20 năm qua đã xuất hiện bốn áp thấp nhiệt đới và bão xảy ra trong thời điểm tháng 1, đồng thời trong tháng 3 từng xuất hiện một áp thấp nhiệt đới và một cơn bão. Tuy nhiên, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trong tháng 2 thì trong 20 năm qua mới xảy ra.
Liệu những năm áp thấp nhiệt đới, bão xuất hiện sớm thì năm đó bão nhiều hơn, dữ dội hơn? Ông Hải cho rằng không có sự liên hệ nào cho thấy bão xuất hiện những tháng đầu năm thì năm đó tần suất xuất hiện nhiều hơn. Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu cho thấy thời gian xuất hiện mùa bão bị giãn ra hai phía. Bão có thể xuất hiện rất sớm nhưng đồng thời kết thúc rất muộn. Tuy số lượng các cơn bão trong năm sẽ không tăng (trung bình mỗi năm có 5-6 cơn) nhưng cường độ bão tăng.
Chưa thông được quốc lộ 6
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 18-2, ông Nguyễn Xuân Cường - phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN - cho biết dù lực lượng công binh, giao thông đã triển khai nhiều biện pháp nhưng do tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục nên chưa thể thông được quốc lộ 6 (Mai Châu, Hòa bình) bị ách tắc.
Ngày 18-2, phương án khoan đá đánh mìn tại các điểm có nhiều khả năng tiếp tục sạt lở đã được tiến hành. “Cùng với việc xử lý các điểm nứt vỡ, chúng tôi đang cố gắng đưa thi thể của hai người bị nạn ra khỏi khối đất đá khổng lồ càng sớm càng tốt” - ông Cường cho biết.
Do được phân luồng từ xa cho phương tiện từ phía Hà Nội qua Hòa Bình lên Sơn La và phân luồng gần để các phương tiện tránh khu vực bị ách tắc nên áp lực giao thông không lớn lắm, không còn tình trạng ứ đọng phương tiện ở hai đầu điểm sạt lở.
Tàu cá liên tục bị nạn Lúc 9g30 ngày 18-2, tàu cá của ông Võ Đình Thiện (Phù Mỹ, Bình Định), trên tàu có ba ngư dân hành nghề mành tôm, khi vào cửa biển Tam Quan (Hoài Nhơn, Bình Định) tránh biển động bị sóng đánh chìm. Cũng trong sáng 18-2, tàu cá do ông Nguyễn Cu (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) làm thuyền trưởng đi cùng ba ngư dân bị sóng lớn đánh chìm tại cửa Bình Bá, huyện Tuy An. Trước đó, tối 17-2 tàu mua cá ở Phú Yên của ông Huỳnh Thanh Sang khi xuất bến chở đầy cá mới mua ở cảng ra cửa biển Tam Quan Bắc cũng bị sóng đánh chìm, thiệt hại trên 200 triệu đồng. * Theo báo cáo nhanh của bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, thời tiết xấu trên biển khiến nhiều tàu thuyền của địa phương này liên tục bị sự cố, trong đó hai tàu vẫn còn trên biển. Đó là các tàu của ông Mai Nga (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ), trên tàu có 12 lao động, hành nghề lưới kéo, bị hỏng máy, trôi dạt trên biển, vị trí tàu gặp nạn cách Quy Nhơn 286 hải lý, và tàu của ông Bùi Việt Anh (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn), trên tàu có chín lao động, hành nghề lặn, trong quá trình di chuyển trú, tránh áp thấp nhiệt đới đã bị mắc cạn. * Ngày 18-2, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN đã điều động hai tàu SAR 412 và SAR 274 cứu được 35 thuyền viên hai tàu cá của Quảng Ngãi và Đà Nẵng bị hỏng máy, trôi dạt trên vùng biển sóng to, gió lớn. * Sau bảy ngày lênh đênh trên biển, trưa 18-2 tàu cá do ông Lê Văn Hân (ở thôn Kim Giao Thiện, xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) làm thuyền trưởng cùng chín ngư dân bị phía Brunei bắt giữ ngày 20-1 đã về đến cửa biển Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) an toàn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận